Khán giả chờ đợi ca sĩ thể hiện cá tính còn ca sĩ lại chạy theo sở thích dễ dãi của khán giả.
Ngay cả Phương Thanh - một ca sĩ dày dạn kinh nghiệm, vẫn “không hiểu khán giả
thời nay muốn gì”
Chạy theo sở thích của công chúng, ca sĩ cũng giật mình nhận ra “mình đang đánh
mất dần bản sắc” khi cứ phải cho ra đời những sản phẩm chỉ để đáp ứng thị hiếu
số đông. Nhưng một khi ca sĩ sống phụ thuộc vào số tiền mua vé và băng đĩa của
số đông công chúng trẻ thì vẫn cần những ca khúc được gọi là “ăn khách” hiện
nay.
Mải miết chạy theo
Sau hơn 10 năm theo nghề hát với bề dày kinh nghiệm, ca sĩ Phương Thanh đã phải
thốt lên rằng: “Không biết bây giờ khán giả thích gì nữa”. Thực tế hiện nay cũng
cho thấy khó đoán “gu” thưởng thức của khán giả. Ngày hôm trước, khán giả có thể
nồng nhiệt hưởng ứng những ca khúc nhạc xưa bất hủ nhưng chỉ ngày hôm sau, thị
hiếu này đã lỗi thời. Phong trào ca sĩ ồ ạt thu âm những ca khúc nhạc xưa, âm
hưởng dân ca, diễn ra một thời gian ngắn rồi tắt lịm cũng là hệ quả của việc ca
sĩ chạy theo trào lưu thị hiếu của khán giả.
Với hầu hết giọng ca trẻ hiện nay, trước khi thể hiện cá tính, chất riêng của
mình, họ cần đến được với khán giả số đông. Và đó là lý do không ít giọng ca
phải loay hoay dò tìm sở thích của khán giả. Khán giả cứ nhanh chóng đổi vị món
ăn còn ca sĩ cứ mải miết chạy theo.
Nhạc sĩ Huy Tuấn nói: “Vấn đề nằm ở chỗ khán giả chờ đợi cá tính riêng của ca sĩ
còn ca sĩ thì chạy theo cái khán giả thích. Đó là hai con đường song song không
bao giờ gặp nhau”.
Ca sĩ Quang Hà cho biết: “Phải hát cái khán giả thích chỉ đơn giản vì để kiếm
tiền, sau đó mới nghĩ đến làm cái mình thích. Không phải ai cũng có đủ tiền để
đầu tư ngay cho con đường âm nhạc mình thích vốn nhiều rủi ro”.
Làm cái mình thích quá khó
Phân nhỏ thị trường chính là cách ca sĩ hiện nay chọn trong định hướng phát
triển nghề. Điều này đồng nghĩa ca sĩ chấp nhận khái niệm “khó có ngôi sao của
đại chúng”. Từ đó nhiều giọng ca quyết định theo đuổi cá tính âm nhạc của mình
thay vì chạy theo sở thích khán giả, chấp nhận sản phẩm âm nhạc của họ mất khá
nhiều thời gian để chinh phục khán giả. Và dù có được chấp nhận thì lượng khán
giả của họ cũng chỉ là một nhóm nhỏ.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn nói: “Làm ngôi sao ở một dòng nhạc cũng là một đỉnh cao khó
vượt qua. Làm ngôi sao của mọi người phải là người rất tài năng và có nhiều may
mắn”. Thực tế, việc phân khúc thị trường âm nhạc và ở mỗi dòng nhạc có một hoặc
vài ngôi sao chính là quy luật phát triển chuyên nghiệp của nền công nghiệp âm
nhạc thế giới.
Minh chứng cho điều này là các giải thưởng âm nhạc luôn tôn vinh những giọng ca
xuất sắc nhất ở từng thể loại âm nhạc chứ không chỉ có ca sĩ được yêu thích nhất
chung chung như ở Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Đây chính là cách ca
sĩ kéo khán giả theo mình thay vì phải chạy theo họ”. Nếu ca sĩ biết tìm đến
công chúng bằng những sản phẩm âm nhạc chất lượng như từng có trong thập niên
1990, họ sẽ được đón nhận nồng nhiệt.
Thành công nhờ phong cách riêng
Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Tôi không đồng tình việc ca sĩ trẻ ồ ạt thực hiện
các sản phẩm chạy theo trào lưu này, trào lưu kia mà không cố giữ cá tính hay
tạo cho mình một phong cách riêng”. Thị trường âm nhạc đã chứng kiến thành công
của một số giọng ca cá tính, có chất riêng như Tùng Dương với world music, Ngọc
Khuê với dân gian đương đại, Đức Tuấn với bán cổ điển và hiện tại là nhạc kịch,
Phương Linh với pop ballad, Phương Vy với blue jazz,…
Tuy vậy, những giọng ca có
thể gặt hái thành công và không bị chi phối bởi thị trường chỉ chiếm một phần
rất nhỏ so với lượng ca sĩ hiện nay.
Theo NLĐ