Trước 1975, ở Sài Gòn, ca sĩ Thanh Lan nổi lên như một hiện tượng trong làng ca nhạc. Cô ca sĩ xuất thân từ trường Tây này không chỉ nổi tiếng trên sân khấu, trên phim ảnh mà còn nổi tiếng trên tình trường.


Khi mới vào nghề ca hát, Thanh Lan vốn là một cô gái xinh đẹp, giọng hát trong trẻo, phong cách rất Tây, đôi mắt gợi tình hồn nhiên, gương mặt nhí nhảnh nên được tặng biệt danh “Tiếng hát học trò”. Nhưng cũng vì sớm nổi tiếng, sớm thành người của công chúng nên Thanh Lan cũng sớm vướng những chuyện thị phi khó đỡ. Đúng là hồng nhan đa truân, tạo hóa đã sắp bày cho cô gái xinh đẹp, tài hoa này một số phận nghiệt ngã.

Chuyện tình với Dũng Long Biên

{keywords}

Ca sĩ Thanh Lan

Trước năm 1975 ở Sài Gòn có một số tiệm chụp hình nổi tiếng và hầu hết đều tập trung ở khu vực Q.1 là quận trung tâm của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Một trong số những tiệm chụp hình nổi tiếng này là tiệm Long Biên nằm cạnh khách sạn Caravelle cũng rất nổi tiếng nằm ngay góc đường Tự Do-Lê Lợi (đối diện với Nhà hát Thành phố ngày nay). Ông chủ tiệm chụp hình này có một người con trai tên Dũng, ăn chơi nổi tiếng Sài Gòn đến nỗi chết danh là Dũng Long Biên.

Không biết trời xuôi đất khiến thế nào mà cậu thiếu gia Dũng trong một lần đi du hí Đà Lạt đã gặp ca sĩ Thanh Lan lúc bấy giờ mới đi hát và đi đóng phim. Hai người quen nhau thật chóng vánh và trở thành đôi tình nhân ý hợp tâm đầu giữa thành phố ngàn hoa.

Đà Lạt thủa ấy rất đẹp chứ không như bây giờ, rừng thông bạt ngàn, hồ Xuân Hương nước trong vắt, hoa mimosa tím những nhà đồi và dã quỳ vàng rực những chân dốc. Do đó, Đà Lạt ngoài những cái tên quen thuộc như thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, thành phố hẹn hò còn có tên là thành phố ngàn hoa. Tất nhiên, những cái tên này đều do giới trẻ và những người có đầu óc lãng mạn đặt ra trong lúc ngẫu hứng nhưng đã nhanh chóng được mọi người đồng tình.

Dũng Long Biên là một anh chàng điển trai, con nhà giàu với cái mả bề ngoài hào hoa phong nhã nên dễ dàng thu hút các cô gái trẻ, trong khi đó Thanh Lan là một cô gái mới bước vào đời, sống phóng khoáng theo phong cách “Tây” nên bị Dũng Long Biên “cưa đổ” ở lần gặp đầu tiên cũng không có gì lạ.

Sau những ngày dung dăng dung dẻ ở Đà Lạt, trở về Sài Gòn cặp đôi này càng gắn bó hơn và mỗi lần hẹn hò, gặp nhau ở chốn riêng tư, có cơ hội là Dũng Long Biên lại lao vào Thanh Lan như con hổ đói. Kết quả, cả hai thành một cặp đôi “ăn cơm trước kẻng” nên phải nhanh chóng tổ chức đám cưới… chạy bầu. Hồi ấy, hai gia đình khá môn đăng hộ đối nên đám cưới Dũng Long Biên và ca sĩ Thanh Lan phải nói là khá hoành tráng, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ biết mà hầu như mọi người ở Sài Gòn cũng đều biết đến đám cưới của cặp đôi này.

Bi kịch sau hôn nhân không đoạn kết

{keywords}

Nhưng Thanh Lan lại là người sớm thất vọng về Dũng Long Biên. Hóa ra anh chàng này chỉ được cái tốt mã, ngoài chuyện ăn chơi bạt mạng ra không được tích sự gì với gia đình. Đã vậy Dũng còn mang một chứng bệnh rất nặng: cả ghen. Phải nói là Dũng Long Biên ghen một cách mù quáng, ghen ngoài đời rồi còn ghen cả…trong phim.

Suốt hai năm ròng rã sống trong cảnh ghen tuông và hứng chịu những trận đòn ghen của Dũng Long Biên, Thanh Lan hoàn toàn vỡ mộng trước chàng “Bạch mã hoàng tử” mà những ngày đầu khi mới yêu thương cô đã lãng mạn tưởng tượng ra. Khi Thanh Lan đóng phim Tiếng hát học trò, ngày chiếu ra mắt, Thanh Lan rủ Dũng đi xem.

Trong phim có cảnh Thanh Lan “tình tứ” với Bảo Ân, nhân vật đóng cặp với Thanh Lan. Về nhà không cần biết phim hay đời Dũng Long Biên nổi ghen tẩn cho Thanh Lan một trận nhừ tử rồi bỏ mặc vợ với tấm thân bầm giập lê lết trong phòng, Dũng đi trút cơn phiền muộn bằng việc nốc rượu say khướt.

Đâu chỉ có thế, Thanh Lan còn phải chịu đựng những trận đòn ghen sau hậu trường khi tan xuất diễn, hoặc những trận phục kích, rình rập bắt ghen như đàn bà của Dũng Long Biên khiến hai năm chung sống - có với nhau một đứa con - mà Thanh Lan không có lấy một ngày hạnh phúc, ngược lại cuộc sống của cô và Dũng giống như địa ngục.

Trong lúc Thanh Lan đi hát, đi đóng phim, diễn kịch kiếm tiền nuôi con với hy vọng có ngày Dũng Long Biên sửa đổi thói vũ phu, nhưng với bản tính ghen tuông mù quáng - “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, càng ngày Dũng càng tác tệ hơn. Chuyện phải đến đã đến, Thanh Lan đành nói lời chia tay với Dũng Long Biên ôm con về ở với mẹ là bà Thái Chi Lan.

Sau này, khi đi hát hoặc đi diễn, người ta thấy Thanh Lan rất mau nước mắt trong những vai bi, đầy số phận hoặc khi đứng trên sân khấu hát những bản nhạc buồn. Đó không phải là Thanh Lan nhập vai trên sân khấu kịch hay cảm xúc với bài hát khi đứng hát trước mọi người mà chính vì lúc ấy tâm trạng Thanh Lan đã liên tưởng tới số phận nghiệt ngã của mình mà không cầm được nước mắt.

Nghi án tình ái chưa được giải mã

{keywords}

Sau khi về ở với mẹ, Thanh Lan không bị ràng buộc với Dũng Long Biên nên cô bắt đầu tập trung cho sự nghiệp ca hát. Lúc ấy Thanh Lan vẫn chưa đến 20 tuổi, người mẹ một con hãy còn quá trẻ và vẫn giống như một sinh viên. Tôi còn nhớ đã gặp Thanh Lan trong thời điểm này ở cà phê Hầm Gió của Nam Lộc ở đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ). Lúc đó Thanh Lan mặc áo dài lụa màu vàng chanh, theo nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tới đây để hát. Cà phê Hầm Gió của nhóm Nam Lộc-Trường Kỳ lúc ấy nổi lên như một hiện tượng cà phê nhạc của Sài Gòn thời chiến tranh.

Giới trí thức, sinh viên, học sinh thường đến đây vào những đêm cuối tuần để uống cà phê và nghe nhạc sống để quên hết ưu tư, phiền muộn, những lo lắng về chiến cuộc đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Quán cà phê Hầm Gió thu hút một số lượng khách đông đảo nhờ nhóm Nam Lộc có ý tưởng kinh doanh lạ, làm quán cà phê dưới hầm thay vì làm lộ thiên như quán Thằng Bờm, quán Văn, hay quán Lú…

Và theo tôi, lúc khởi nghiệp ca hát, Thanh Lan đã tìm cho mình một nhạc sĩ để thành một cặp đôi người đàn-người hát như phong trào lúc bấy giờ, và người nhạc sĩ đã đưa tiếng hát Thanh Lan bay lên từ quán cà phê Hầm Gió chính là Trầm Tử Thiêng, mặc dù về tuổi tác và sắc vóc thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khá khập khiễng khi đứng chung với Thanh Lan.

Sau thời kỳ hát chung với Trầm Tử Thiêng, Thanh Lan mới cặp đôi với Vũ Thành An, Nhật Trường, Từ Công Phụng (trước khi có sự xuất hiện của Từ Dung). Đây là thời kỳ bùng phát của hàng loạt quán cà phê nhạc có sân khấu nhỏ để ca sĩ trình diễn những đêm cuối tuần. Trước hết là Thằng Bờm ở góc đường Phạm Ngũ Lão-Đề Thám của nhóm sinh viên luật, Hầm Gió, hội quán Văn của nhóm CPS ở sau Trường đại học Văn khoa cũ đường Lê Thánh Tôn-Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), hội quán Cây Tre số 2bis đường Đinh Tiên Hoàng của Khánh Ly…

Với Vũ Thành An, lúc ấy nổi lên Những bài không tên coi như một hiện tượng trong làng âm nhạc. Thanh Lan không chỉ hát những ca khúc không tên của Vũ Thành An mà còn những ca khúc có tên như bài Em đến thăm anh đêm 30 phổ thơ của Nguyễn Đình Toàn. Một ca khúc rất trữ tình, dành cho tình yêu đôi lứa cứ phát vào lúc giao thừa Tết Nguyên đán của Sài Gòn trước năm 1975 khiến người nghe ngậm ngùi hoài niệm một mối tình đã mất.

Vũ Thành An là nhạc sĩ, từng làm Trưởng ty Thông tin-chiêu hồi tỉnh Gia Định cho đến ngày giải phóng Sài Gòn. Sau đó, Vũ Thành An đi học tập rồi đi định cư ở Mỹ. Chính trong giai đoạn đi hát cùng Vũ Thành An với những bài không tên, Thanh Lan mới dính nghi án quan hệ tình ái với nhạc sĩ này. Đây là chuyện thị phi của giới giải trí, chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Với ca sĩ Nhật Trường, tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, có lẽ Thanh Lan là người gắn bó nhất vì Thanh Lan không chỉ hát đơn những ca khúc của Nhật Trường mà còn hát chung với anh trên sân khấu đồng thời còn đóng phim ca nhạc cùng với Nhật Trường trên tivi. Có lẽ mọi người đã rất lấy làm tiếc cho Thanh Lan ở giai đoạn này, vì chất giọng của Thanh Lan nếu nói sang trọng để so sánh với giọng hát Thái Thanh thì không bằng, nhưng không đến nỗi “sến” để hát những ca khúc “sến” tệ của Nhật Trường, đặc biệt là khi Thanh Lan đóng chung với Nhật Trường trong những ca nhạc cảnh nói về lính chế độ Sài Gòn.

Với Từ Công Phụng - chàng nhạc sĩ Trên ngọn tình sầu - thì Thanh Lan chỉ gắn bó giai đoạn đầu vì sau đó có sự xuất hiện của Từ Dung. Từ Công Phụng và Từ Dung mới là một cặp đôi hoàn hảo cho những đêm diễn trên sân khấu nhỏ của các quán cà phê nhạc ở Sài gòn dạo ấy. Từ Dung và Từ Công Phụng cũng giống như Lê Uyên-Phương là hiện tượng của nhóm nhạc mang chất “du ca” trình diễn ở sân trường đại học, ở các quán cà phê nhạc chứ không phải ở phòng trà, vũ trường thời đó. Và họ đúng là một cặp đôi, vừa là bạn diễn vừa là tình nhân công khai trước khán giả.

Còn Thanh Lan vẫn cứ là một nghi án tình ái chưa được giải mã với những nhạc sĩ này.

Theo Dòng Đời