- Cá tính, khiếu hài hước, trí tưởng tượng… có cần cho một sinh viên ở đại học danh tiếng? Hãy xem những câu hỏi tuyển sinh đặc biệt do các giáo sư đưa ra.




Ai quyền năng hơn? Hoàng Đế hay Đức Phật Như Lai?”

“Nếu bỗng nhiên bạn có một triệu nhân dân tệ (160.000 USD), bạn sẽ sử dụng nó như thế nào?”

“Hãy tưởng tượng về một buổi sáng bình thường của 20 năm sau.”

“Hãy nghĩ cách bán chiếc cốc dùng một lần này với giá 500 tệ”

“Bạn dùng loại cây nào để miêu tả người Trung Quốc và tại sao?”

“Bạn lên kế hoạch cho cuộc sống của mình như thế nào nếu bạn trở lại thời nhà Tần (221-207 trước Công nguyên)?”

“Nói cách nấu cơm trộn trứng chiên”

Những câu hỏi hay yêu cầu này ban đầu có thể khiến người ta bất ngờ vì sự lố bịch hay khôi hài nhưng nó lại đang diễn ra và tác giả của chúng là một hội đồng giáo sư. Câu trả lời mà các ứng cử viên đưa ra có thể quyết định việc họ có được bước chân vào một số trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc hay không. Cụ thể, đối với những học sinh may mắn vượt qua bài kiểm tra này thì thang điểm sẽ được hạ xuống trong kì thi tuyển sinh đại học quốc gia nổi tiếng là gắt gao của nước này.

Đây chỉ là một số dạng câu hỏi được đặt ra cho những học sinh phổ thông đang khát khao bước chân vào cánh cổng đại học trong những cuộc phỏng vấn được tiến hành kể từ năm ngoái.

Trong một sáng kiến cải cách bắt đầu vào năm 2003, một số trường đại học được chọn đã được trao cho “sự linh hoạt có giới hạn” trong việc tuyển sinh viên mới bằng cách tiến hành 2 bài kiểm tra: một là bài kiểm tra vấn đáp và một là phỏng vấn. Kết quả kiểm tra này sẽ được xem xét bên cạnh điểm thi tiêu chuẩn được quản lý trên quy mô quốc gia hay thành phố.

Nhiều phụ huynh đang hoang mang về mục đích của những bài kiểm tra này. Họ đặt ra câu hỏi liệu những bài kiểm tra này nhằm mục đích đánh giá khả năng thể hiện mình một cách rõ ràng, khiếu hài hước, trí tưởng tượng, sự linh hoạt hay tính cách của thí sinh?

Liệu những yếu tố như ngoại hình, khả năng ứng phó linh hoạt và tính cách có phải là lý do thích hợp để đối xử phân biệt với những ứng cử viên có trình độ học vấn?  Bản thân những câu hỏi này lại đặt ra những hoài nghi về trình độ của các chuyên gia đã nghĩ ra chúng và đánh giá các câu trả lời.

Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2011, các ứng viên của một số trường đại học trong đó có ĐH Peking (hay còn gọi là Beida) đã được hỏi rằng: “Hãy nêu suy nghĩ của bạn về câu được viết trong Thư viện Harvard: “Hãy tận hưởng những đau khổ không thể tránh khỏi’”.

Sau đó, người ta phát hiện ra rằng Thư viện Harvard chưa bao giờ sử dụng câu châm ngôn này. Cuộc điều tra sau đó đã khám phá ra một cuốn sách thuộc hàng "bán chạy nhất" có tên “Những câu nói trên tường Thư viện Đại học Harvard” (2008) của tác giả Danny Feng – người mà sau đó thừa nhận rằng ông đã tự bịa ra những câu châm ngôn này.

Một câu khác: “Lúc này nếu ngủ, bạn sẽ có một giấc mơ, nhưng lúc này nếu học, bạn sẽ giải thích được giấc mơ” đã được sử dụng trong một bài kiểm tra đạo đức ở một trường trung học thuộc tỉnh Sơn Đông vào đầu năm nay.

Chúng ta không biết hội đồng chuyên gia đó tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn của họ như thế nào, nhưng những câu hỏi hay yêu cầu này cho thấy họ vẫn có thể cả tin và lố bịch đến mức nào.

Nếu họ không quá bị mê hoặc bởi vầng hào quang đặt xung quanh Harvard, họ có thể đơn giản là mở một bản sao của Luận ngữ Khổng tử hay Mạnh Tử và tìm được hàng trăm lời giáo huấn có ý nghĩa hơn, có liên quan hơn và tinh tế dí dỏm hơn.

Tranh đấu vì tài năng

Thay vì phí thời gian để suy đoán về “một buổi sáng của 20 năm sau”, các chuyên gia sẽ làm tốt hơn khi xem xét một tác phẩm được viết cách đây 88 năm của học giả nổi tiếng Wang Guowei (1877-1927) – chủ đề của một câu hỏi kiểm tra viết cho kì thi tuyển sinh vào ĐH Thanh Hoa năm ngoái.

Trong một bài phê bình cuốn tiểu thuyết Trung Quốc “Hồng Lâu Mộng”, ông Wang nhận xét: “Quan điểm của phương Tây có hại ở 2 khía cạnh. Đầu tiên, nó bắt nguồn từ những thói tật của con người như tham lam, cạnh tranh hay khát vọng giàu có, tất cả đều dẫn tới những kết quả thảm hại”.

“Thứ hai là phương pháp khoa học – những thứ nhằm mục đích chinh phục không gian, thời gian, vật chất… nhưng không có nghĩa là được phép tác động tới trái tim con người, xã hội con người và đặc điểm quốc gia…”

Nếu như những giáo sư này không cuống quýt lên vì cái được cho là được viết trên tường của phòng nghiên cứu Thư viện Harvard thì họ có thể nhớ ra rằng tinh thần đặc trưng của Beida được tóm tắt trong cụm từ “toàn diện và tự do trao đổi ý kiến”.

Rõ ràng, Beida hôm nay rất độc quyền khi họ quan tâm nhiều tới ‘lời hứa’ của sinh viên hơn là chất lượng giảng dạy.  Trong một quảng cáo gần đây về ngôi trường danh tiếng này, tinh thần của Beida được gợi lên bởi ánh đèn neon, nước và âm thanh, lợi dụng nhiều quá khứ của Beida.

Để thu hút những sinh viên xuất sắc nhất, một số trường đại học hàng đầu đã ganh đua lẫn nhau trong việc cam kết rằng các ứng viên sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trường kia.  Thậm chí, một số trường còn lừa gạt hoặc phá hoại để cắt các giao dịch của trường đối thủ. Khi cuộc xung đột này leo thang, trách nhiệm và nghĩa vụ đôi khi bị mua bán giữa những ngôi trường hàng đầu.

Trái ngược với thông lệ này ở phương Tây – nơi mà học sinh có thể đồng thời được chấp nhận bởi các trường đại học khác nhau, những bài kiểm tra trước thực ra là một mưu mẹo được các trường tư sử dụng để khóa chân các ứng cử viên mong muốn.

Một số học giả có tuổi vẫn nhớ về cách mà Beida trước kia đã từng hoạt động giống như một trường mở nhiều hơn – nơi mà hầu như tất cả học viên đều được lợi từ các bài giảng.  Một số trường đại học hàng đầu hiện có nhiều tiền hơn, cơ sở rộng hơn, các tòa nhà cao hơn và nhiều sinh viên điểm cao hơn. Nhưng đó chưa là tất cả.

Các bậc cha mẹ đang hoài nghi một cách chính đáng về cái mà những người thiết kế ra bài kiểm tra này muốn gợi ra hoặc dự liệu. Nó khiến người ta dễ so sánh những cuộc phỏng vấn này với cuộc thi tìm kiếm tài năng “Got Talent” – nơi mà một ứng viên sẽ biểu diễn bất cứ chiêu trò gì để gây ấn tượng với ban giám khảo.

Từ những ví dụ được dẫn ra, có vẻ như những người thiết kế bài kiểm tra này đã nhầm lẫn sự pha tạp với sự nổi trội hơn người. Trong thời đại tràn ngập thông tin, họ đã đánh giá thấp lợi thế của sự trong sáng, sự chuyên sâu và sự cống hiến.

Mục tiêu của giáo dục

Trung Quốc có thể cần một hoặc hai trường đại học nhìn xa hơn “sự thành công” (nghĩa là tiền bạc và những chức danh chính thức) để trở thành những trí thức. Nhà xã hội học Lewis Coser từng nói rằng “trí thức là người gác cổng của ý tưởng và là nguồn gốc của hệ tư tưởng”. Nói cách khác, trí thức là người chăm sóc cho những ý tưởng, người bảo vệ sự công bằng xã hội và quan tâm tới số phận con người.

Liệu người trí thức đó có quan tâm tới một diễn đàn truyền hình dành cho người nổi tiếng hay không, liệu họ có thể nấu một bữa ăn với cơm trộn trứng hay không, liệu trông họ có sáng sủa hay có tài ăn nói hay không – những điều đó ít liên quan hơn dưới ánh sáng của mục đích to lớn này.

Họ là những người gìn giữ đạo đức, những nhà phản biện xã hội. Họ quan tâm đến những giá trị cuối cùng hơn là những giá trị chi phối thực tế chính trị và kinh tế.  Rõ ràng, những khả năng đó sẽ đóng góp rất ít cho các vấn đề thực tế của cuộc sống.

Đáng buồn thay, ngày nay một số trường đại học danh tiếng đang rất tự hào về số lượng quan chức hàng đầu trong số các cựu sinh viên. Thậm chí, các giáo sư có thể được đánh giá cao hơn với các chức danh tương ứng.

Ví dụ như các giáo sư là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học là những người được tìm kiếm nhiều nhất sau khi họ được trao cho các đặc quyền của Thứ trưởng về nhà ở, phương tiện, chăm sóc sức khỏe và các lợi ích khác.

Ban đầu, những bài kiểm tra trước được nghĩ ra như một cách để làm giảm bớt gánh nặng của học sinh trong việc chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học quốc gia – kì thi được xem là một bước tiến ‘một mất một còn’ dẫn tới thành công. Nhiều năm qua, người ta cho rằng nên có những thay thế cho một kì thi duy nhất mang tính quyết định này.

Nhưng hiện tại, nhiều người than phiền rằng cách “điều trị” này dường như còn tồi tệ hơn “căn bệnh” ban đầu, vì những bài kiểm tra và những cuộc phỏng vấn thay thế chỉ mang lại thêm căng thẳng và gánh nặng.

Như chúng ta có thể thấy, hiện đã có thêm nhiều lý do thuyết phục hơn để xem xét lại những bài kiểm tra trước này.

Nguyễn Thảo (Theo Shanghaidaily)
Ảnh: Zhou Tao