Anh Rơ Châm Toan chán nản: “Gia đình tôi cho con đi học mà nó chẳng biết gì cả, học đến lớp 2 rồi nhưng chưa biết đọc, làm toán cũng không biết, nhưng nó vẫn cứ lên lớp đều đều. Mà ở đây học sinh đều như vậy cả thôi...".
TIN BÀI KHÁC
Vụ sát hại bà bầu: Uẩn khúc mối tình đồng tính?
Xuất hiện "cao thủ" hơn cả sát thủ mưng mủ
Phan Đình Tùng bất ngờ đính hôn cùng học trò
Lối nào cho trẻ lớp 1 không mang cặp tới trường?
Cả trường ngồi nhầm lớp
Đây là thực trạng đang diễn ra đối với những học sinh dân tộc J’rai từ bậc tiểu học đến tốt nghiệp trung học cơ sở tại điểm trường làng Díp, xã Ia Kreng - một xã vùng sâu cách trung tâm TP Pleiku hơn 60km.
Vừa đi học về, Rơ Châm Uốc (học lớp 7B, điểm trường làng Díp) cũng như bao học sinh khác với đồng phục áo trắng, quần đen và tay xách cặp. Nhưng tại nhà mình, Uốc đã làm chúng tôi bất ngờ với học lực của một học sinh lớp 7, khi cầm quyển sách văn học trên tay, cộng với sự trợ giúp của một số bạn bè, Uốc vẫn không thể đọc trôi chảy được một đoạn văn, đoạn thơ ngắn, thậm chí có một số từ vẫn còn khá xa lạ với Uốc khiến cậu học sinh này phải… bỏ qua để tìm từ quen thuộc đọc tiếp.
Phần tính toán nháp, cùng kết quả phép tính và chữ kí
của em Rơ Châm Nghi. |
Là người có học cao nhất trong gia đình anh Siu Hơch và chị Rơ Châm Phim, dù đã học đến lớp 5 nhưng cô con gái Rơ Châm Tham cũng chỉ mới… biết đọc, biết viết. Mà ngay đến những nét chữ của Tham cũng mới dừng lại ở bước như… mới cầm bút thạo.
Và như một lẽ đương nhiên, Tham chưa hề biết làm các phép toán. Khi chúng tôi đưa ra 3 phép tính đơn giản nhất để Tham tính, em không hề từ chối nhưng phải mất một khoảng thời gian suy nghĩ gần chục phút cô học sinh lớp 5 này mới đưa ra được kết quả: 5 x 5= 10; 15 + 25 = 30; 15 – 5= 1 và 30 – 15 =…?
Em Rơ Châm Tham gãi đầu mãi mới đưa ra được các kết quả
đại loại như 15 - 5 = 1... |
Tham còn “khoe” thêm, lớp Tham có 13 bạn do thầy Sự chủ nhiệm nhưng ai cũng như Tham chứ không riêng gì em. Ngay đến cả 3 bạn được học được nhất lớp, nhận được giấy khen như Rích, Hưng và Thi thì cũng mới dừng lại ở chuyện biết đọc, biết viết, còn chuyện làm các phép toán thì xem ra còn phải chờ…
Năm nay đã bước lên lớp 2, nhưng cậu bé Rơ Châm Kảo vẫn chưa biết đọc, đến thầy giáo chủ nhiệm dạy mình Kảo vẫn chưa biết tên. Nhưng cũng may mắn là cậu học sinh này cũng đã biết cầm bút “vẽ” được tên của mình rồi.
Lên lớp 2 nhưng em Kảo vẫn chưa biết đọc mà mới biết
viết tên mình, và thầy giáo chủ nhiệm tên gì em vẫn chưa biết. |
Để minh chứng cho khả năng biết hơn bạn bè của mình, Nghi liền ngồi xuống cầm bút làm những phép tính Đại số mà PV đưa ra. Sau gần 20 phút, cuối cùng 4 phép tính mà PV đưa cho Nghi tính đã xong với kết quả thật “khó hiểu”: 19 x 27 = 143; 115 / 5= 25; 6 x 73 = 329 và “hoành tráng” hơn nữa là phép tính cộng với con số hàng nghìn 119 + 3.680 = 4870! Và như một niềm tự hào, hãnh diện với lũ bạn đi cùng, Rơ Châm Nghi còn đặt bút kí luôn tên mình dưới “thành tích” vừa tính toán trong quyển sổ tác nghiệp của chúng tôi, như để khẳng định “quyền sở hữu trí tuệ” cho khả năng giải toán của mình.
“Học để chấp hành vận động thôi”
Chuyện học mãi mà vẫn không biết, nhưng cứ được lên lớp của 134 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 (chưa kể những học sinh đã tốt nghiệp THCS lâu nay) của điểm trường làng Díp, với phụ huynh trong làng là chuyện biết rồi, thường như ở huyện. Và chính bản thân họ cũng không hiểu vì sao con mình học mãi mà… không biết gì nhưng vẫn cứ lên lớp đều đều!
Anh Rơ Châm Toan - bố của học sinh Rơ Châm Kảo chán nản: “Gia đình tôi cho con đi học mà nó chẳng biết gì cả, học đến lớp 2 rồi nhưng chưa biết đọc, làm toán cũng không biết, nhưng nó vẫn cứ lên lớp đều đều. Mà ở đây học sinh đều như vậy cả thôi, không đứa nào biết gì cả”.
Còn phụ huynh của em Rơ Châm Nghét (lớp 7) bộc bạch: “Con mình học lớp 7 mà nó chưa biết đọc, nhưng nếu mình không cho nó đi học mai mốt người ta lại nói con mình không có học. Nên mình phải ráng cho nó đi học thôi, lần lần mai mốt nó cũng biết chứ. Nay chưa biết thì năm sau, năm sau nữa… cứ cho nó đi học là nó sẽ biết thôi. Nhưng mà mình cũng không biết cho nó đi học để làm gì”.
Là người đứng đầu buôn làng, luôn phải phổ biến kiến thức cho bà con cũng như nắm bắt chuyện học hành của thế hệ trẻ trong làng, già làng Rơ Châm Jươk cũng thừa nhận rằng học sinh nơi đây đi học không biết gì nhưng không hiểu sao vẫn cứ được lên lớp. Và ngay cả những đứa cháu của già cũng vậy, đứa nào may mắn lắm thì biết đọc, biết viết thành thạo.
“Ở đây đứa thì biết viết nhưng không biết đọc, đứa biết đọc thì cũng không biết tính toán, đứa không biết viết luôn. Mình cũng không biết vì sao ở đây nhiều năm nay bọn nó đi học mà không biết được cái chữ, học miết, học miết mà vẫn không biết nhưng vẫn được lên lớp. Nhưng mỗi lần đi họp, phổ biến kiến thức là chính quyền phải có trách nhiệm vận động con em đi học, nên mình phải đưa con em đi học thôi. Ở đây học là để chấp hành sự vận động của nhà nước thôi”.
Với học sinh J’rai nơi đây, việc học tiếng Việt đã là chuyện khó khăn vì hầu hết các em chưa hề được tiếp xúc với “thế giới” rộng lớn mà chúng ta đang sống, vốn tiếng kinh chỉ được nghe trên trường lớp. Vậy nhưng các em vẫn phải theo học chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục, tiếng Việt chưa thành thạo, đã vậy các em còn phải “gánh” thêm một thứ ngôn ngữ “xa xỉ” nữa là môn Anh văn. Có lẽ vậy nên nhiệm vụ chính của hàng chục giáo viên nơi này là “duy trì sĩ số” nhiều hơn là dạy con chữ… họ ao ước một sự thay đổi từ Bộ Giáo dục - những người đứng đầu nền tảng giáo dục nước nhà…
(Theo Dân trí)