- Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 sáng nay (30/7), hơn một lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc các tư lệnh ngành cần “quyết liệt” trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt những mục tiêu của 2013, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng.
Kinh tế - xã hội trong tháng 7 cũng như 7 tháng đầu năm được đánh giá có những chuyển biến rõ rệt, đạt những kết quả tích cực trong các ngành, lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh những tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp... Nhưng tăng trưởng vẫn chậm, chưa bền vững.
Tăng trưởng gắn chất lượng
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, CPI tháng 7 năm nay tăng 7,29% (bình quân 7 tháng tăng 6,81%). Các đợt tăng giá xăng dầu, nhu cầu đi lại tăng trong các đợt thi tốt nghiệp PTTH và ĐH, Cao đẳng, giá gas tăng, điều chỉnh tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức… là những yếu tố đã góp phần làm cho CPI trong tháng 7 tăng nhẹ so với tháng trước 0,27%.
Thủ tướng: Không tăng trưởng bằng mọi giá. Ảnh: VGP |
Phân tích chỉ số CPI tháng 7, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tác động của chính sách tiền tệ cũng như cầu tiêu dùng trong nước đến CPI trong tháng này là không đáng kể.
Lạm phát tổng thể tăng chủ yếu do việc điều chỉnh giá giá xăng dầu, tỷ giá, gây tác động đến nhóm giao thông vận tải tăng và giá hàng nhập khẩu.
Mặc dù lạm phát tổng thể có tốc độ tăng nhỉnh hơn so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ nhưng nhìn chung lạm phát 7 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp (tăng 2,68% so với đầu năm) và là mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Nhờ vào những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô đạt được trong thời gian qua, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Biểu hiện là mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được đo lường bởi hệ số CDS đã giảm mạnh từ mức trên 300 điểm của cùng kỳ năm ngoái xuống quanh mức 220 điểm ngày 23/7.
Như vậy tốc độ tăng CPI của tháng 7 so với tháng (0,27%) vẫn thấp hơn dư địa cho phép trong mỗi tháng cuối năm (bình quân khoảng 0,76%). Với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm và sức mua trong nước vẫn còn yếu, Ủy ban này cho rằng việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch đề ra cho năm 2013 đang có những thuận lợi nhất định.
Tuy nhiên, không chủ quan với thực tiễn, Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các cân đối lớn, giá các yếu tố đầu vào quan trọng như điện, xăng dầu, phân bón….và giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả. Thực hiện minh bạch, công khai giá điện đối với người dân, tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo về giá điện.
Nhấn mạnh khả năng đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức tương đương năm ngoái, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% là nhiệm vụ không dễ dàng.
Khẳng định Chính phủ kiên định không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng, hơn một lần trong cuộc họp, Thủ tướng nhắc các tổng tư lệnh ngành cần “quyết liệt” trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng lưu ý những nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng phải gắn với chất lượng, năng suất hiệu quả, cạnh tranh.
“Tăng trưởng phải phấn đấu nhưng không phải tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng xong để phải quay lại xử lý nợ xấu” - Thủ tướng phát biểu.
5 nhóm giải pháp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Liên quan chính sách tiền tệ, tài khóa, Thủ tướng lưu ý điều hành lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp.
Triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Sớm triển khai các hoạt động của công ty quản lý tài sản (VAMC) nhằm góp phần xử lý nợ xấu.
Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, miễn giảm thực hiện nghiêm túc. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước cả năm…
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt việc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những dự án quan trọng, cấp bách, những dự án có thể hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng.
Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương ban hành kế hoạch hành động và tập trung đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Bảo đảm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội…
Linh Thư