Khủng hoảng của người này lại là cơ hội của người khác. Nếu biết tận dụng thời cơ và có sự chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, doanh nghiệp vẫn sẽ tìm thấy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Đó là chia sẻ của ông Ho Sin Kheong, Giám đốc CNTT của Ngân hàng RHB, Malaysia với báo giới trong Hội thảo Tài chính Việt Nam 2011, diễn ra trong hai ngày 29-30/9 tại Hà Nội. Ông Kheong là một trong 12 CIO tiêu biểu của ASEAN được vinh danh tại sự kiện năm nay, cùng với 10 CIO Việt và 1 CIO đến từ Thái Lan.

Ông Ho Sin Kheong, Giám đốc CNTT của Ngân hàng RHB, Malaysia khẳng định khủng hoảng luôn đi kèm với cơ hội. Ảnh: T.C
Trước câu hỏi của báo giới về việc khó khăn kinh tế có gây sức ép đến ngân sách đầu tư cho công nghệ tại các DN hay không, ông Kheong thẳng thắn: "Càng trong khủng hoảng thì vai trò của công nghệ lại càng quan trọng". Theo ông, sự đầu tư cho công nghệ, nếu đúng hướng và có chiến lược/tầm nhìn dài hạn thì thực chất lại là một sự tiết kiệm ngân sách cho doanh nghiệp.

Đơn cử như việc triển khai hệ thống hội nghị truyền hình (video-conference) bên trong hệ thống ngân hàng để cắt giảm chi phí đi lại, hội họp giữa hơn 200 chi nhánh RHB trên toàn Malaysia. Theo so sánh của ông Kheong, riêng tiền vé máy bay cho các nhân viên, lãnh đạo đi họp mỗi năm cũng lên tới vài trăm ngàn USD. Trong khi đó, nếu triển khai video-conference thì tổng chi phí đầu tư ban đầu cho màn hình, webcam, các thiết bị đi kèm cũng chỉ chiếm 1/8 - 1/10 số tiền đó mà thôi.

Còn theo ông Lê Ngọc Huy, Trưởng bộ phận marketing của Sony Việt Nam thì hiện tại, hạ tầng mạng của Việt Nam đã sự cải thiện rõ rệt về tốc độ và sự ổn định tín hiệu so với cách đây 3-4 năm. Vì vậy, các giải pháp video-conference đã trở nên dễ sử dụng và đáng tin cậy hơn. Kết hợp với xu thế kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần siết chặt túi tiền, tiết giảm chi phí, thị trường hội nghị truyền hình, nhất là công nghệ HD, đã được nhiều DN, thậm chí là cơ quan chính phủ sử dụng. "Chi phí thuê đường truyền riêng, kể cả với dung lượng cao là 2MB cũng chỉ còn khoảng 60-70 triệu đồng/năm. Tổng chi phí sắm sửa máy móc, hệ thống video-conference HD cho những phòng họp lớn vào khoảng 180 triệu, còn phòng họp nhỏ còn rẻ hơn nữa.  Với những công ty đa quốc gia như Sony, chi phí đi lại họp hành mỗi năm khoảng 3 tỷ, trong khi ứng dụng công nghệ thì chỉ tốn khoảng 300 triệu là cùng".

Ứng dụng những công nghệ mới như videoconference HD vào hoạt động thường nhật có thể giúp DN tiết kiệm tới 9/10 chi phí trong khủng hoảng.

Công nghệ cần chiến lược dài hạn

Tuy nhiên, ông Kheong cũng nhấn mạnh rằng, nói lý thuyết sử dụng công nghệ như một lợi thế để vượt qua khủng hoảng thì dễ, nhưng khi thực hành thì không phải DN hay tổ chức nào cũng làm được. Quan trọng là tầm nhìn và quyết tâm của người đứng đầu DN, dựa trên cơ sở tư vấn của CIO.

"Khi khó khăn, sẽ có những khoản đầu tư phải tạm hoãn lại, nhưng cái gì cần thiết thì vẫn phải triển khai ngay. Trong môi trường kinh doanh hiện đại, chiến lược kinh doanh của DN luôn gắn liền với chiến lược ứng dụng công nghệ, mà đã là chiến lược kinh doanh thì phải đặt trong xu hướng dài hạn, tối thiểu là 5-10 năm. Chiến lược CN cũng phải tính đến tầm nhìn dài hạn như vậy chứ không phải đánh giá kết quả chỉ trong một sớm một chiều", ông Kheong chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Amarit Laorakpong D.Eng, Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành ngân hàng Siam, Thái Lan cho rằng, việc sử dụng công nghệ mới để thay thế cho những quy trình, những hoạt động "bằng tay", đi lại, hội họp truyền thống luôn đòi hỏi người dùng phải thay đổi cách nghĩ cũng như cách làm việc, hợp tác giữa các bộ phận với nhau. Vì thế, chắc chắn trong giai đoạn đầu, người CIO sẽ vấp phải vô số thắc mắc, sự phản đối thậm chí là chỉ trích. Do đó, nếu không có quyết tâm cũng như sự ủng hộ từ Ban lãnh đạo, kết hợp với một chiến lược triển khai đúng đắn thì CIO sẽ không thể thành công.

"Khi triển khai một công nghệ ngân hàng điện tử mới, chúng tôi thường xuyên phải trao đổi, phải thảo luận, phải tham vấn với các khối nghiệp vụ. Cũng có những lúc chúng tôi không thể thuyết phục được các nhân viên cũ thay đổi tư duy và Ban giám đốc đã buộc phải tuyển dụng nhân tố mới để làm cho đến cùng". Bình luận về công việc của CIO và các nhân viên công nghệ trong một doanh nghiệp và tổ chức, ông D.Eng so sánh: "Đội ngũ IT phải giống như lính chiến, lăn lộn hết mình và đương đầu với mọi thách thức. Bởi cứ mới là thách thức, mà họ chính là những người phải va chạm với cái mới nhiều nhất".

Trọng Cầm