Quốc gia nào nắm sức mạnh trên biển sẽ có cơ may hạn chế nguy cơ chiến tranh trên bộ cho mình.
1- Dẫn nhập
Biển và đại dương ngày càng quan trọng hơn trong đời sống nhân loại vì nhiều lý do ngoài không gian sinh tồn, nguồn nguyên nhiên liệu và cơ hội thông thương. Quốc gia nào nắm sức mạnh trên biển sẽ có cơ may hạn chế nguy cơ chiến tranh trên bộ cho mình. Các cuộc đối đầu thay bậc đổi ngôi trong suốt chiều dài lịch sử cận đại đã đầy dẫy những trận đánh trên bộ long trời lở đất, tuy nhiên, tất cả đều đã được quyết định bằng sức mạnh hải quân [1]. Nhiều cuộc chiến chống xâm lược của Việt Nam từ thời Ngô Quyền đến thời nhà Trần, Lê, Nguyễn và cả các cuộc chiến về sau của Việt Nam đều bắt đầu và kết thúc phần lớn với vai trò của hải chiến và hải quân.
Các chiến lược gia có tầm nhìn thế giới như Sa Hoàng Peter Đại Đế, Thống Chế Gorskov (Nga), Alfred Thayer Mahan (Mỹ), Minh Trị Thiên Hoàng (Nhật) đều dành nhiều tâm huyết cho sức mạnh trên biển. Thủ Tướng Ấn Độ Nehru cũng đã xác định"Để được an ninh trên lục địa, chúng ta phải thống lãnh biển khơi" [2]
2- Cường quốc biển và cường quốc hải dương
Giới quan sát hải dương thường dùng cả hai thuật ngữ sea power (cường quốc biển) và maritime power (cường quốc hải dương) để chỉ quốc gia có sức mạnh trên biển. Tuy nhiên cường quốc biển thường được hiểu là nước có sức mạnh hải quân mà thôi. Tuy vậy đôi lúc hai thuật ngữ này cũng được dùng tương đương nhau. Theo Mahan, chiến lược gia hải dương của Mỹ, cường quốc biển (sea power) là nhằm mô tả một quốc gia "có năng lực nhà nước nhằm sử dụng biển khơi. Điều này tùy thuộc vào số lượng tàu hải quân, đội thương thuyền, đội tàu ngư nghiệp và khám phá hải dương, hệ thống tiện ích cảng, công nghệ đóng tàu, hệ thống tài chính và bảo hiểm hàng hải."
Theo Mahan, để nắm ưu thế trên biển thì một cường quốc hải dương sẽ phải bảo đảm ba yếu tố hải quân mạnh, thương mại phát triển và hệ thống các căn cứ. Tuy nhiên triết lý để thống trị biển của Mahan về sau phát triển thành các nhân tố: 1)vị trí địa lý, 2)thực lực vật chất, 3)độ kéo dài của lãnh thổ, 4)dân số (độ lớn và đặc tính dân chúng, tinh thần hướng biển và khả năng hấp thu khoa kỹ biển), 5)đặc điểm dân tộc và 6)đặc điểm chính quyền [3].
Tác giả Vijaya Sakhuja phát triển đẳng thức Ray S.Live [4]
Pp= (C+E+M)(S+W)
lên một mức khác gắn liền với sức mạnh hải dương là
Pmp=(G+E+M+T)(S+W) với các thành phần như sau
Pmp= perceived maritime power (sức mạnh hải dương)
C= Critical Mass=Population+Territory (Số đông quyết định= Dân Số+ Lãnh Thổ)
E= Economic capability (năng lực kinh tế)
M=Military capability (sức mạnh quân sự)
S= Strategic purpose (mục tiêu chiến lược)
W= Will to pursue national strategy (ý chí mưu cầu chiến lược quốc gia)
P= Power =S+W (sức mạnh =mục tiêu chiến lược +ý chí mưu cầu)
Và G= Geographical factors (Địa thế)
Sức mạnh của một cường quốc hải dương sẽ là một sức mạnh tổng hợp của đòan kết nhân dân, của nền kinh tế, sức mạnh võ trang, của mục tiêu chiến lược và ý chí thực hiện các mục tiêu ấy.
Các tác giả còn có những phân tích đối với các nước không phải là các cường quốc biển nhưng hưởng lợi tối đa từ kinh tế biển và không tập trung phát triển năng lực hải quân. Có những quốc gia bậc trung (medium nation) kết liên minh với các cường quốc hải dương để tận thu các nguồn lợi hải dương, tìm kiếm lợi cho nền kinh tế đất nước.
3- Tầm quan trọng của SLOC và các hiểm lộ trên biển (chokepoints)
Các tuyến thông thương biển (Sea-lines of communication SLOC) là những con đường hàng hải chính yếu nối các cảng thương mại, cảng tiếp vận và quân cảng. Các con đường này dễ bị phong tỏa vào thời chiến.
Trong cách mạng Mỹ và trong các cuộc chiến Napoleon, hầu hết các SLOC nằm trong tay Hải quân Anh và khi lực lượng này mất kiểm soát các SLOC, họ bị thất thủ Yorktown và sau đó quân đoàn lớn nhất bị đánh tan và rồi thua trận. Trong thời kỳ Napoleon, người Anh phong tỏa các quốc gia liên hệ với Napoleon, làm gia tăng khó khăn đời sống dân Pháp khiến họ mất hết niềm tin vào hoàng đế Pháp.
Vào Thế chiến 1 và 2, hải quân Đức cố gắng kiểm soát các SLOC từ Bắc Mỹ đến và đi Anh quốc bằng tàu ngầm khiến quân Đồng minh phải mang hộ tống hạm và các đoàn convoy ra mở lối khai thông SLOC. Trong Thế chiến thứ 2, Hải quân Mỹ đã phong tỏa thành công các SLOC đến Nhật và bóp nghẹt đường sống của đảo quốc nghèo tài nguyên này.
Trong Chiến tranh Lạnh, châu Âu đã phải nhờ cậy nhiều đến Bắc Mỹ do Liên Xô sử dụng chiến thuật đóng chặt các SLOC đến châu Âu để phát huy thế mạnh số đông của họ tại khu vực này.
Hình 1: Các SLOC châu Á Thái Bình Dương. Nguồn: Center occasional paper Asia-Pacific Center for security studies, Honolulu, Hawaii. |
Trên thế giới có khoảng 200 eo biển (vùng nước hẹp nối hai vùng nước rộng) hoặc kênh đào, tuy nhiên chỉ có một số ít trong đó có thể được xem như hiểm lộ. Một hiểm lộ là một eo hay kênh có vị trí chiến lược và có thể đóng kín để ngăn cản giao thông thủy cho tàu dầu, tàu buôn, tàu khách hay tàu chiến. Những cuộc phong tỏa này sẽ gây ra khủng hoảng tầm thế giới.[6]
Những eo như eo Gibraltar đã được UNCLOS 1982 bảo vệ để bảo đảm cho tàu bè và phi cơ được tự do thông thương cho tất cả cộng đồng thế giới.
Hình 2. Eo Gibralta:
Nằm giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, với một bên gắn với đất liền là thuộc địa Gibraltar của Anh và Tây Ban Nha ở bờ Bắc còn ở bờ Nam là Morocco. Phi cơ quân dụng của Mỹ đã phải bay ngang qua nút cổ chai này (với quyền bay do UNCLOS 1982 quy định) để tấn công Libya vào 1986 vì Pháp không cho Mỹ sử dụng không phận. Nhiều lần trong lịch sử nhân loại, eo Gibraltar đã bị nghẹt, không thông thương được vì những hoạt động địa chất đến mức nước không thông từ Đại Tây Dương qua khiến cho Địa Trung Hải phải cạn nước. Nhiều tầng muối dưới đáy biển đã chứng minh hiện tượng này đã xảy ra vào nhiều thế kỷ trước. |
|
Hình 3: Kênh đào Panama: được hoàn thành năm 1914, dài 50 dặm Anh, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và tiết giảm 8000 hải lý cho tàu thuyền đi từ bờ Đông sang Tây Hoa Kỳ. Có khoảng 12 nghìn con tàu băng ngang qua kênh này hàng năm. Hiện nay, kênh thuộc quyền quản hạt của Cộng hòa Panama.
|
|
Hình 4. Eo Magellan. Trước khi kênh Panama hoàn thành, tàu thuyền đến và đi hai bờ Đông Tây châu Mỹ phải đi vòng xuống cực nam châu Mỹ. Nhiều nhà hàng hải đã phải bỏ thuyền chạy lấy người khi ngang qua các dòng nước hiểm trở len lỏi giữa các doi đất liền của Chile và Argentina.
|
|
Hình 5. Eo Malacca. Nằm trong Ấn Độ Dương, hải lộ quan trọng này là con đường tắt cho các tàu dầu từ Trung Đông đến các quốc gia khát dầu ở vòng cung Thái Bình Dương (đặc biệt là Nhật), băng qua eo biển hẹp mà hai bên là Indonesia và Malaysia. Tổng cộng có gần 42 nghìn tàu thông thương qua đây hàng năm. Tại đây có thông tin cho rằng Hải Quân Việt Nam đã có một căn cứ tàu ngầm khiến Trung Quốc bày tỏ quan ngại.[7]
|
|
Hình 6. Eo Bosphorus và Dardanelles Con đường yết hầu trên biển này nối liền Hắc Hải có các cảng của Ukraina và Địa Trung Hải do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ. |
|
Hình 7. Kênh Suez Dài 103 dặm Anh, nằm toàn bộ trong đất Ai Cập và là con đường nối biển duy nhất giữa Hồng Hải và Địa Trung Hải. Đi cùng các căng thẳng Trung Cận Đông, con kênh này là miếng mồi cho nhiều nước dòm ngó kể từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1869 bởi nhà ngoại giao Pháp Ferdinand de Lesseps. Anh quốc làm chủ kênh này từ năm 1882 đến 1922. Ai Cập quốc hữu hóa vào năm 1956. Trong cuộc chiến Sáu Ngày 1967, Israel chiếm giữ kênh này nhưng sau đó đã lui binh để thương lượng hòa bình. |
|
Hình 8. Eo Hormuz Địa danh cổ họng này đã trở nên quen thuộc trong cuộc chiến Vùng Vịnh 1991. Eo Hormuz là một điểm xung yếu trên con đường SLOC vận chuyển dầu lửa huyết mạch ra khỏi vịnh Ba Tư. Eo biển này hiện được Hoa Kỳ và đồng minh kiểm soát. Eo biển này nối Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập và được bao quanh bởi Iran, Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập. |
|
Hình 9. Bab el Mandeb: Tiếng Ả Rập có nghĩa là Cổng nước mắt. Eo biển này kết nối Hồng Hải và Ấn Độ Dương, eo Bab el Mandeb một hoa dung đạo cho vận tải hàng hải giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương được bao quanh bởi Yemen, Djibouti, và đất nước non trẻ Eritrea.
|
Tại Đông Nam Á, nếu kênh đào Kra được cho phép sử dụng như một lựa chọn thay thế cho eo Malacca, các khả năng ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường cũng cần được xem xét để tận dụng cao nhất lợi ích cho hòa bình và phát triển khu vực.
Nói về các hiểm lộ trong lịch sử Việt Nam, người Việt đã từng xử lý các trận chiến lớn bằng quân bộ như tại nút thắt cổ chai Chi Lăng năm 1427, hoặc bằng thủy hải quân tại yếu huyệt Bạch Đằng (938,981 và 1288), Xoài Mút (1785), hoặc bằng thủy bộ kết hợp trong chiến thắng phòng tuyến Như Nguyệt (1077)- điểm then chốt chặn mọi nẻo tiến quân vào Thăng Long. Đáng lưu ý là hải quân Trung Quốc với thuyền lớn đều đi từ của biển vào, còn quân Đại Việt những lần trên đều dựa vào thế trận nửa nước nửa bờ.
Cũng tại một chokepoint khác của biển Việt Nam, quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn đã có một trận thư hùng quyết định chiến trường vào năm 1801 tại cửa Thị Nại mà người đời sau gọi đó là Xích Bích của Việt Nam[8]. Hiểm lộ Thị Nại cũng là nơi vua Trần Duệ Tông tử trận trong trận phạt Chiêm năm 1377.
Hình 10. Hiểm lộ chiến tranh đường thủy Xoài Mút. Nguồn: http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=681&Itemid=33 |
4- Biển Việt Nam- vùng biển vì hòa bình
Biển Việt Nam, tức biển Đông Nam Á bao bọc đất nước Việt Nam và gắn liền với dân tộc từ khi lập nước ngay cả trong tên gọi đất "nước". Để là một cường quốc hải dương và thực hiện thành công mục tiêu 2020, 55% GDP là từ biển, người Việt sẽ phải thực hiện nhiều việc hơn đẳng thức của Vijay, nhiều việc hơn bộ ba hay bộ sáu của Mahan. Quan hệ hữu hảo của hải quân và nhân dân các nước Ấn, Nhật, Nga, Mỹ với Việt Nam trong thời gian gần đây là những võ khí bảo vệ SLOC, khai thông hiểm lộ và chính là đóng góp to lớn của Việt Nam vào tự do giao thông hàng hải và hòa bình khu vực. Bảo vệ biển Đông sóng êm gió lặng và chuẩn bị tinh thần tận dụng những cuộc va chạm không mong muốn trên biển trên bộ để trở thành một cường quốc biển tương lai là điều mong muốn của người Việt Nam.
Xét khía cạnh quân sự, các trận hải chiến của Việt Nam đều diễn ra tại cửa sông thông ra biển, với sự kết hợp của lục quân và hải quân. Hải quân Việt Nam hiện nay đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm để bảo vệ vùng biển Việt Nam[9] cũng trên tinh thần hướng vào đất liền. Tác giả Lê Ngọc Thống đã so sánh các tàu ngầm của Việt Nam như những con "hổ Việt Nam chỉ rình mồi ở những vị trí mà con mồi hay đi qua và bắt buộc phải đi qua. Và khi con mồi đã trong "tầm vồ" thì ... mới gọi là Chúa sơn lâm."[10] Tuy nhiên, quyết định các cuộc chiến lớn là ở chiến tranh trên biển chứ không phải trên bộ [11], song quyết định các trận hải chiến không do tàu ngầm mà là tàu trên mặt nước và chiến đấu cơ [12].
Những đúc kết của thế giới về SLOC và hiểm lộ cho thấy có nhiều cách thức để cân bằng lực lượng trên biển nhằm vãn hồi, duy trì hòa bình và phát triển giàu mạnh chứ không phải dựa vào số đông quân lực, số nhiều trang thiết bị, độ dài của hàng không mẫu hạm, độ to của dàn khoan. Trớ trêu của lịch sử là những khẩu đại bác khổng lồ không cứu vãn thế trận của phát xít Đức.
Việt Nam có một SLOC đi ngang và có nhiều hiểm lộ để vươn tầm ngoài Malacca vì độ quan trọng của SLOC sẽ quyết định số lượng của các điểm trọng yếu khác, ngoài hiểm lộ.
Tiến hành xây dựng hơn 3000km bờ biển cùng tất cả các đảo trong quyền kiểm soát trở thành những địa điểm văn hóa, du lịch, trung tâm ngư nghiệp có giá trị kinh tế biển cao đồng thời với bảo đảm khả năng phòng thủ là nâng cao sức mạnh Việt Nam. Trong nỗ lực vì hòa bình như tên gọi của đại dương này, những thông tin về SLOC và các hiểm lộ có lẽ cũng cần thiết cho ngư dân, cho giới kinh doanh và những ai quan tâm đến công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
-----
[1] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 19
[2] Arthur Hellman,"The Eagle and the Elephant", Wall street Journal, 7 March 2006
[3] Vijay Sakhuja- Asian Maritime Power in the 21 st Century- Institute of South Esat Asian Studies- 2011, trang 21,24
[4] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 24
[5] Jean-Paul Rodrigue, Straits, Passages and Chokepoints
[6] Jean-Paul Rodrigue, Straits, Passages and Chokepoints: A Maritime Geostrategy of Petroleum Distribution
[7]VOA: Giới chức Trung Quốc 'quan ngại' việc VN mua tàu ngầm
[8] Quốc Lê, Đất Việt: Biển Lửa Thị Nại, Trận Xích Bích của Người Việt
[9] Người Lao Động, Việt Nam Hòa Hiếu Nhưng Quyết Tâm Bảo Vệ Chủ Quyền
[10] Lê Ngọc Thống, Tàu ngầm Việt Nam-nguy cơ mới cho quân xâm lược
[11] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 19
[12] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller- Maritime Strategy in Asia- White Lotus- 2002, trang 39
Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)