Các hãng công nghệ đang hoạt động hoặc có cơ sở tại Nhật Bản đang đôn đáo sửa chữa nhà xưởng và điểm danh nhân viên để có thể nối lại sản xuất trong thời gian sớm nhất, gần nửa tháng sau khi siêu động đất và sóng thần tàn phá bờ biển miền Đông nước Nhật.


Thảm họa kinh hoàng xảy ra hôm 11/3 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 9000 người và gây ra tổn thất khổng lồ cho các tòa nhà, nhà máy, sân bay suốt dọc bờ biển. Một số nhà máy và trung tâm lắp ráp đã hoạt động trở lại, dù tình trạng mất điện/cắt điện luân phiên và đứt quãng trong hệ thống vận tải vẫn còn gây ra vô số khó khăn cho họ.

Văn phòng của HP tại Sendai, địa điểm rất gần tâm chấn của trận động đất, vẫn đang phải đóng cửa vì bị hư hỏng nặng, hãng này thông báo với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ hôm thứ ba. HP cho biết văn phòng tại Tokyo rất may không bị thiệt hại gì, toàn bộ các nhân viên vẫn an toàn. Trong hồ sơ, HP cho biết nhiều linh kiện như động cơ của máy in LaserJet đều do đối tác tại Nhật Bản sản xuất. Tuy nhiên, hãng từ chối bình luận về khả năng những linh kiện này có thể bị khan hàng sau trận động đất.

Texas Instruments cho biết cơ sở sản xuất của hãng tại Miho cũng bị thiệt hại nặng, song các nhân viên tại đây đang tích cực nối lại sản xuất. "Nhà máy có thể đạt công suất tối đa trở lại vào giữa tháng 7", TI cho biết, trong khi công suất tối đa tại nhà máy Aizuwakamatsu có thể đạt được sớm hơn (giữa tháng 4). Nhà máy thứ ba của TI tại Hiji không bị hư hại và đang hoạt động bình thường.

Trước đó, Sony cho biết hãng sẽ phải tạm ngừng sản xuất tại một số nhà máy chuyên cung cấp TV, máy quay cầm tay, máy ảnh số... cho tới sớm nhất là ngày 31/3, với lý do là khan hiếm vật liệu và linh kiện.

Còn trong bản nghiên cứu mới, hãng iSuppli cho biết Mitsubishi Gas Chemical và Hitachi Kasei Polymer sẽ nối lại việc sản xuất bo mạch in trong 2 tuần tới. Bo mạch này là một linh kiện rất quan trọng được sử dụng bên trong PC, smartphone và đồng hồ điện tử.

Trong thông cáo báo chí phát đi hồi cuối tuần trước, Fujitsu nói rằng họ sẽ tuyển thêm nhân viên từ ngày 1/6. Các tòa nhà văn phòng và nhà xưởng của hãng tại Iwate, Miyagi và Fukushima đều bị hư hỏng trên diện rộng.

Một số hãng sản xuất chip của Nhật vẫn đang chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện và sân bay/nhà ga/cảng đóng cửa để có thể trở lại hoạt động bình thường. Lấy thí dụ, hồi tuần trước, Shin-Etsu Chemical, một hãng cung cấp tấm silicon quy mô lớn cho biết chỉ còn 2 trên tổng số 4 nhà máy của hãng là có thể sản xuất được. Việc các nhà máy sản xuất tấm silicon cỡ lớn phải đóng cửa có thể đẩy giá DRAM lên cao trong vài tháng tới.
 
"Hãng sản xuất DRAM Elpida Memory của Nhật có thể chịu tác động tiêu cực về lâu dài. Dù họ có thể vẫn còn tấm silicon trong kho để tiếp tục sản xuất thêm một thời gian nữa, nhưng chắc chắn là tương lai sẽ thiếu vật liệu để sản xuất hết công suất", iSuppli cho biết. Elpida hiện chiếm 13,4% thị phần doanh thu DRAM toàn cầu trong quý IV/2010.
Một trong số những hãng sản xuất bộ nhớ flash NAND lớn nhất thế giới là Toshiba không nhắc nhiều tới ảnh hưởng của trận động đất tới hoạt động của hãng. Tuy nhiên, tuần trước hãng có cho biết sẽ hợp tác với Công ty Điện lực Tokyo để cắt giảm mức tiêu thụ điện năng. Giá của NAND và RAM đều tăng sau trận động đất và vẫn đang biến động bất thường.

Trọng Cầm (Theo PCWorld)