Bản Phiêng Áng hiện có 41 hộ dân. Trước đây những hộ dân này thuộc diện di vén xây dựng công trình thủy điện Bản Chát; ghép 2 bản với 2 dân tộc: Khơ Mú và Thái thành bản Phiêng Áng.

Năm 2011, các hộ dân thực hiện di vén lên điểm tái định cư. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghị lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế vốn sẵn từ bản cũ, các hộ nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống mới. Trước hết, tập trung khai thác lợi thế từ hệ thống mương phai thủy lợi để canh tác 2 vụ lúa; chăm sóc đàn bò theo mô hình đầu tư của huyện; cải tạo đất đồi trồng chè. Đồng thời, tận dụng diện tích đất ruộng với 5ha ở bản cũ chưa ngập để canh tác; trồng 20ha ngô vùng bán ngập.

Giảm thời gian, công sức, cả bản có trên 10 hộ đầu tư máy cày bừa mi ni, máy xay xát vừa phục vụ gia đình vừa làm dịch vụ cho các hộ có nhu cầu. Phần lớn các hộ đầu tư máy thái rau mi ni để thuận tiện trong chăn nuôi. Riêng chăn nuôi, ngoài quy mô rất nhỏ về lợn, gia cầm tại nhà, bà con di chuyển toàn bộ đàn đại gia súc hơn 100 con trâu lên khu vực bãi Huổi Mèn và Huổi Xiên của xã. Mục đích chính là đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận tiện chăm sóc, quản lý. Cũng từ chăn nuôi trâu, nhiều hộ trong bản có thu nhập cao. 

W-phingang.png
Bản Phiêng Áng có nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng

Bản Phiêng Áng còn có lợi thế về rừng cây gỗ lớn với 70ha cây dổi xanh, 100ha cây quế. Bên cạnh đó, bản còn có lợi thế chăn nuôi đại gia súc và đập Thủy điện Phiêng Lúc với diện tích lòng hồ thủy điện rộng 100ha và dòng sông Nậm Mu hùng vĩ và hiền hòa chảy qua. Ngoài ra, Phiêng Áng còn có lợi thế nhờ giáp ranh với các xã: Mường khoa, Thân Thuộc và gần với trung tâm huyện, giao thông đi lại thuận lợi thu hút người dân ở thị trấn Tân Uyên, các xã lân cận đến tham quan du lịch, tạo cho người dân khai thác từ dịch vụ du lịch để tăng thêm thu nhập. Từ đó, giúp người dân quảng bá được những đặc sản của địa phương để cung cấp cho khách du lịch như: tinh dầu quế, thịt trâu sấy, lợn bản, gà đồi, cá sông... 

Được biết, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, bản Phiêng Áng đã đạt được một số kết quả bước đầu. Trong đó, tiêu chí như giao thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ đường nội bản, trục bản, nội đồng được cứng hóa. Các tuyến đường giao thông được duy trì bảo dưỡng thường xuyên và có rãnh thoát nước cũng như được trồng cây bóng mát, trồng hoa. Các tiêu chí như: điện, văn hóa, giáo dục, y tế, thu nhập, hệ thống chính trị và an ninh, trật tự xã hội luôn được duy trì và nâng cao.

Đổi thay nếp nghĩ và hiện thực hóa thành hành động, các hộ dân Phiêng Áng đã xây dựng bản mới thành nơi đáng sống. Phía sau bản là cánh rừng xanh tốt, nơi triền đồi 6ha chè đang phát triển xanh tốt. Những thửa ruộng đầy ắp nước khi mùa về.

Và hơn hết, bà con vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống với hệ thống công trình phụ xây dựng kiên cố, khoa học. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bản họp, thống nhất đề ra quy ước chung; thành lập đội văn nghệ nhằm lưu giữ những nét đẹp truyền thống của 2 dân tộc. 

Phòng trào “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” được hội viên, phụ nữ chú trọng thực hiện. Hiện, bản đang triển khai xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc hộ gia đình, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh và nhà vệ sinh cộng đồng bản gắn với nhà trưng bày các sản phẩm văn hóa, nông sản. Nhờ đó, khuôn viên của bản luôn phong quang, sạch sẽ với những tuyến đường hoa dọc 2 bên.

Đến nay, bản Phiêng Áng chỉ còn 1 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo; duy trì nhiều năm danh hiệu bản văn hóa. 100% đàn ông không hút thuốc lá; bản không có tệ nạn xã hội. Những thành quả đó, góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền Nậm Cần duy trì danh hiệu xã nông thôn mới. Đặc biệt hơn, một trong 9 bản của 9 xã trên địa bàn huyện được lựa chọn xây dựng bản nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch.