- Căn cứ vào giải phẫu bệnh lý và dấu hiệu lâm sàng ta có thể gặp vài thể u máu khác nhau và những biến chứng của bệnh.

Các kiểu u máu thường gặp

U máu phẳng (angiome plan): chiếm tỉ lệ khoảng 50%, là những bớt đỏ trên da, đa số bẩm sinh hay có từ lúc nhỏ. Các vết bớt thường có màu nâu xám, vàng, xanh, hồng hay đỏ. Chúng được tạo thành do sự kết tụ lại của các mạch máu.

Bớt có nhiều dạng: Marcular stains, Strawberry hemangiomas, và Portwine stains mà trong đó đáng chú ý nhất là Portwine stains với nhiều biến chứng.

{keywords}

U máu gồ (angiome tubéreux): gồ trên da từng chùm như chùm dâu, có màu đỏ của máu, bờ rõ, hình thể u giống như “một quả dâu lớn đặt trên da”, thường khu trú ở mặt và trên thân mình.

U máu dưới da (angiome caverneux): là một khối mềm, ở sâu bên dưới và đội da u lên, thường tạo thành các hang máu, chủ yếu do tĩnh mạch trở thành xơ, hang. Sự ứ đọng máu lâu ngày tạo thành các hạt sỏi trắng. Sờ u hơi chắc, thấy rõ các hạt sạn cứng.

U mạch củ có thể phối hợp với một u mạch dưới da, làm thành một u máu hỗn hợp.

Đối với những u máu ngoài da chúng ta có thể quan sát và dễ dàng chẩn đoán, đánh giá khối u trên lâm sàng. Tuy nhiên, với các khối u mạch máu ở họng, hạ họng, bệnh nhân có thể nuốt vướng, đôi khi nuốt đau nếu khối u bị bội nhiễm. Khàn tiếng kéo dài, khó thở thì hít vào, ho nhiều nếu khối u mạch ở thanh quản, đôi khi ho ra máu đỏ tươi, số lượng nhiều hay ít tùy theo bản chất khối u và thường có hơi thở rất hôi. Soi hạ họng thanh quản thấy khối u sùi như chùm nho hoặc khối tròn nhẵn có màu đỏ hay tím sẫm. Hình ảnh CT scan có tiêm thuốc cản quang hoặc cộng hưởng từ sẽ đánh giá sự xâm lấn của khối u với các tổ chức lân cận.

Biến chứng của u máu

Nếu các u mạch mọc ở trong miệng, trên môi, mũi hay trên mi mắt, có thể gây cho trẻ những trở ngại trong việc ăn uống, hô hấp hay tầm nhìn. Nếu nó quá to, có thể làm mất thẩm mỹ và gây ra rối loạn máu. Nếu mọc trên bộ phận sinh dục nữ, trực tràng,.. có thể gây nguy hại, nên được các bác sỹ theo dõi cẩn thận và có phương pháp điều trị thích hợp Trong quá trình diễn biến của nó, có thể bị xuất huyết bên trong u máu, xuất huyết ra ngoài, lở loét, bội nhiễm.

U máu ở họng, hạ họng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ lan rộng hoặc xâm lấn vào các tổ chức sâu như thanh quản sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng như khó thở, chảy máu ồ ạt, khó cầm do vị trí khối u ở sâu. Những trường hợp này phải cắt bỏ thanh quản bán phần hoặc toàn phần để lấy hết bệnh tích, tránh tái phát. Do đó việc chẩn đoán sớm khối u là rất cần thiết giúp cho việc bảo tồn chức năng nuốt và nói cho bệnh nhân, đồng thời đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất sau khi phẫu thuật, đặc biệt khi chúng ta có điều kiện áp dụng kỹ thuật dùng laser cho loại bệnh lý này ở những giai đoạn đầu tiên của bệnh.

Thu Hiền