Vị trí chiến lược và tầm quan trọng của Biển Đông đã biến khu vực này trở thành đối tượng tranh chấp gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực, là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới với các yêu sách về quyền và lợi ích khác nhau.

Phân tích cấu trúc lợi ích, thực tiễn, hành vi và tham vọng chủ quyền biển, đảo cho thấy sự tồn tại cảu một “phổ lợi ích” đan xen quá phức tạp, không dễ hóa giải trong Biển Đông. Nơi đây có sự đan xen lợi ích giữa: (i) các nước láng giềng trong khu vực; (ii) các cường quyền chính trị nước lớn với các nước nhỏ hơn; (iii) các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực; (iv) các cường quyền chính trị nước lớn với nhau; (v) lợi ích đa phương và song phương; và (vi) lợi ích cốt lõi và lợi ích chung.

Các quan hệ lợi ích đan xen như vậy định hình các loại tranh chấp trong Biển Đông, như: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Tranh chấp về quy chế pháp lý đôi với các thực thể tự nhiên (đảo, đá, các cấu trúc khác) ở Hoàng Sa và Trường Sa; Tranh chấp các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các nước lãng giềng với đường lưỡi bò; Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các vùng biển chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; và Tranh chấp liên quan đến quyền tự do hàng hải và hàng không trong Biển Đông. Giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông cần phải nhận dạng và phân tích cụ thể bản chất của các mối quan hệ nêu trên theo thời gian.

{keywords}
Những tuyên bố và hành động đơn phương tôn tạo các bãi cạn thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Tùy thuộc vào diễn biến tình hình quốc tế và khu vực, thậm chí tình hình nội bộ mỗi nước mà các mối “quan hệ lợi ích” nói trên biểu hiện thực tế khác nhau và luôn thay đổi cách tiếp cận ứng xử để các bên điều chỉnh việc bảo vệ quyền và lợi ích chiến lược của quốc gia mình.

Bao trùm lên các “quan hệ lợi ích” nói trên lại chính là mối quan hệ phức tạp giữa “quyền pháp lý” và “quyền lịch sử” theo quan niệm của các quốc gia đối với các vấn đề Biển Đông mà không dễ dung hòa trong thực tế. Bảo vệ được các quyền như vậy các quốc gia mới bảo vệ được các lợi ích lâu dài của họ.

Nhìn ta góc độ địa chiến lược, thì Biển Đông và các quần đảo san hô ngoài khơi chứa đựng các lợi ích chiến lược đan xen của các quốc gia trong và ngoài khu vực, nên đã nằm trong “tầm ngắm” của các nước lớn. Trong trường hợp như vậy, việc xác định cho được lợi ích cốt lõi và lợi ích chung của mỗi quốc gia trong Biển Đông là cực kỳ quan trọng. Và, khi có tranh chấp phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình (đàm phán, trọng tài, tòa án quốc tế,…). Chỉ có như thế, các bên tranhh chấp mới nhận diện đúng vấn đề cần giải quyết theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế. Đàm phán đa phương hay song phương và ở mức độ nào là tùy thuộc vào các vấn đề cụ thể được nhận diện.

Trong khu vực Biển Đông, tồn tại song song hai nhóm quyền như nói trên, và có lẽ đây là yếu tố rất khó dung hòa. Một bên là các quốc gia bảo vệ quyền pháp lý trên Biển Đông theo các quy định của Công ước Luật Biển 1982. Tức là bảo vệ quan điểm pháp lý về vùng đặc quyền kinh tế các đường cơ sở của các quốc gia 200 hải lý. Đồng thời công nhận sự có mặt của một vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông, nơi các quốc gia trong và ngoài khu vực được hưởng các quyền tự do, trong đó có tự do hàng hải và hàng không. Nhóm này chiếm tuyệt đại đa số các quốc gia cả trong và ngoài khu vực.

Bên kia, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền lịch sử và yêu sách phi lý về “đường chín đoạn đứt khúc”, (còn gọi là “đường lưỡi bò”) chiếm hơn 80% diện tích toàn Biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh không coi trọng vai trò đặc biệt quan trọng của Công ước Luật Biển 1982; không thừa nhận sự có mặt một vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông, có thể không tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở khu vực biển “bản lề” của hai đại dương (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương). Nghiêm trọng hơn, gần đây những tuyên bố và hành động đơn phương tôn tạo các bãi cạn thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh môi trường và hòa bình ở Biển Đông.

Các lợi ích cụ thể của các bên ẩn hiện trong hai quan niệm về quyền khác nhau nói trên.

Bắc Kinh cương quyết theo đuổi và đang vận hành linh hoạt để bảo vệ cái họ gọi là “quyền và lợi ích biển” của họ ở Biển Đông. Kể cả sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” trong Biển Đông.

Đổi lại, Mỹ vẫn tuyên bố “có lợi ích” ở khu vực Biển Đông, tiếp tục tìm cách can dự sâu hơn vào khu vực này để mở rộng ảnh hưởng và bảo vệ các quyền tự do của Mỹ và đồng minh, trước hết là quyền tự do hàng hải và hàng không tại đây.

Rõ ràng, “đường lưỡi bò” và thái độ kiên quyết “hiện thực hóa” “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là nguyên nhân sâu xa tiếp tục tạo ra căng thẳng trong Biển Đông. Hiện nay, “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, “cắt về mặt pháp lý”.

Sỹ Tuấn - Thu Hà