Thưa đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ,
Thưa các vị đại biểu, khách quý,
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và toàn thể cử tri, Nhân dân tỉnh Phú Thọ,
Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng với các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Về với Phú Thọ là về với đất Tổ, mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh độc đáo.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi gửi lời chúc tốt đẹp, lời thăm hỏi thân thiết nhất đến toàn thể các vị đại biểu khách quý, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh và chúc Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ thành công tốt đẹp.
Thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu
Qua theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là qua buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ chiều ngày 12/7/2022, tôi và các đồng chí trong Đoàn công tác đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Tỉnh, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường và tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết một lòng, sớm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng và ấn tượng:
Tỉnh đã khẩn trương triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và 18 Chương trình, Nghị quyết chuyên đề quan trọng, trong đó có 01 Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; qua đó đã khởi động mạnh mẽ ý chí quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm hành động, khát vọng phát triển trong toàn tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao (năm 2021 đạt 6,28%; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%, cao hơn bình quân toàn quốc). Lĩnh vực công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh; du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc. Thu ngân sách liên tục tăng cao (năm 2021 đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán; ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 4.589 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, tăng 38% so với cùng kỳ), hướng tới nhóm “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng”. Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, năm 2021 đạt 87,6%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 52% kế hoạch - là địa phương có tỷ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước. Thu hút đầu tư FDI có nhiều khởi sắc; kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên đầu tư, chú trọng, nhất là hạ tầng sản xuất khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, chỉ số PCI xếp thứ 20 - đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công- PAPI xếp thứ 6/63, tăng 32 bậc so năm 2020; chỉ số SIPAS - hài lòng của người dân xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc so năm 2020; chỉ số CCHC PAR Index xếp thứ 9/63, tăng 1 bậc so năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm phát triển toàn diện (kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022 đạt 50 giải, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước); công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, phòng, chống dịch có nhiều tiến bộ. Các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được chú trọng và tổ chức tốt, đã đăng cai, tổ chức thành công các trận đấu bóng đá nam tại Sea Games 31, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và Nhân dân cả nước. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; xây dựng nông thôn mới đạt thành tích ấn tượng (04/13 đơn vị cấp huyện, 122/225 xã đạt chuẩn; mô hình khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu); giảm nghèo đạt kết quả rất tích cực (tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016-2020, còn 5,27% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Trong thành công chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, chủ động tổ chức giám sát về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (trong 6 tháng đầu năm 2022, HĐND tỉnh ban hành 08 Nghị quyết, trong đó có 04 Nghị quyết quy phạm, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 10 đoàn giám sát, đưa ra 166 kiến nghị); đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên tất cả các mặt hoạt động, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương. Hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng sát với thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần tạo lập tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực mà Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian vừa qua.
Thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu
Hơn 01 năm qua, triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị... với tinh thần đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 13 phiên họp thường kỳ và nhiều phiên họp bất thường, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp ý của các nhà khoa học... để chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa cho các nội dung và hoạt động của Kỳ họp. Quốc hội đã tổ chức thành công 03 Kỳ họp thường lệ và 01 Kỳ họp bất thường; xem xét, quyết định nhiều vấn đề về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; thông qua 08 luật, 62 Nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật khác; trong đó nhiều luật có tác động đến đời sống của người dân, doanh nghiệp (như: Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;...); nhiều nghị quyết có tính đặc cách, đặc biệt, khác luật để phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội (như: Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;...); xem xét, quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021-2025; đặc biệt, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 06 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.... Các hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và ban hành Nghị quyết “về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030” nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch; đồng thời, giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình diễn ra Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mời đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tới dự phiên giám sát tối cao của Quốc hội tại phiên họp toàn thể và tăng thời lượng phát sóng trực tiếp một số phiên thảo luận tại Hội trường, cùng với việc lần đầu tiên tổ chức thành công 03 Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; 06 hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các khu vực... đã khẳng định mạnh mẽ tinh thần quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2022 đã có khởi sắc, cụ thể: GDP 6 tháng tăng 6,42%, đặc biệt là Quý II GDP tăng 7,72%; lạm phát kiểm soát, bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ 18,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, xuất siêu 710 triệu USD; khách quốc tế tăng 5,8 lần; số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước…
Các kết quả đó đã củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ; cộng hưởng, lan tỏa đến hoạt động các cấp chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu
Phú Thọ là địa phương có vị trí quan trọng nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng; là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với Thủ đô Hà Nội và các vùng châu thổ Sông Hồng, giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Để phát huy những thế mạnh, tiềm năng phát triển của tỉnh, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh, các Chương trình hành động triển khai, thực hiện các Nghị quyết; trong đó cần quán triệt, nâng cao nhận thức và xác định Phú Thọ là trung tâm liên kết vùng. Các chính sách được ban hành cần chú trọng các nhóm giải pháp ngoài phát huy lợi thế so sánh, mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh trung du miền núi thì phải hướng tới tính liên kết vùng; hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương Đất Tổ Vua Hùng. Các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa; tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, luật, Nghị quyết của Quốc hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để thống nhất nhận thức, tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự nhất trí cao, sự đồng thuận của Nhân dân trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách để sớm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; sớm ban hành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 nhằm xác định tầm nhìn, không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn không chỉ có ý nghĩa trong tỉnh, trong vùng, mà còn đóng góp cho cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân ở địa phương.Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các Nghị quyết của HĐND phải có tính khả thi cao, sát thực tiễn, mang tính dẫn dắt và tính dự báo chính xác, mục tiêu chính sách phải được lượng hóa, các giải pháp và công cụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải rất cụ thể, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra.
Thứ ba, với lịch sử phát triển lâu đời, Phú Thọ là miền đất của những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các giá trị văn hóa vật thể (như: di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học,...), những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc (như: tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, nghề thủ công truyền thống,... trong đó Hát Xoan và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là 02 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại). Vì vậy, đề nghị các cấp, chính quyền địa phương tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Từ đó, xây dựng thành phố Việt Trì sớm trở thành thành phố lễ hội về với Cội nguồn dân tộc Việt Nam, là cơ sở để tổ chức thêm nhiều các hoạt động văn hóa, festival lễ hội,...
Thứ tư, cùng với Quốc hội, HĐND là thiết chế quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà Đảng ta đã kiên trì lựa chọn trong suốt gần một thế kỷ qua. Đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cử tri và Nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. HĐND các cấp cũng cần chủ động, tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tiếp tục rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND sao cho hoạt động của HĐND phải thể hiện rõ nhất phương châm “ý Đảng hợp lòng dân” và là nơi kiểm chứng việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
Thứ năm, cần phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng chương trình hoạt động của HĐND cho cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết của HĐND nhằm tạo sự chủ động “từ sớm, từ xa” thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, giải quyết tốt các vấn đề cần thiết, cấp bách và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống và sự phát triển lâu dài của tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý và điều hành đất nước bằng pháp luật và thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống, năng lực quản trị quốc gia và hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
HĐND các cấp cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; huy động sự tham gia đông đảo, có hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các hoạt động của HĐND tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trước cử tri và Nhân dân. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với UBND và các cơ quan liên quan chuẩn bị từ sớm, từ xa nội dung, chương trình kỳ họp, không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Nâng cao hiệu quả quá trình tiếp xúc cử tri; thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng Nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.
Tiếp tục phối hợp, tham gia có hiệu quả vào chương trình giám sát của Quốc hội; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng luật, các dự án luật trình Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của HDND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.
Thứ bảy, công tác cán bộ luôn được Đảng ta nhấn mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng, là “khâu theo chốt của then chốt”, là “cái gốc của mọi công việc”. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031 theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng; triển khai rà soát, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng cán bộ cho các khóa tiếp theo.
Thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu
Phú Thọ với vị trí và tiềm năng của mình, cùng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm tỉnh Phú Thọ ngày 19/8/1962: “...để lãnh đạo tốt, các cấp phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phê bình, tự phê bình để không ngừng tiến bộ...”, với khát vọng ý chí vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ, tôi tin tưởng rằng, tỉnh nhà sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với vị trí trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Phú Thọ sẽ thành công tốt đẹp và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh, tạo đà thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.
Một lần nữa, xin chúc các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí và Nhân dân tỉnh Phú Thọ dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và chúc Kỳ họp lần thứ Tư, HĐND tỉnh Phú Thọ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!