Hiện nay quần thể tê giác trên thế giới đang bị săn bắt trộm để lấy sừng với mục đích chữa bệnh hay nâng cao sức khỏe như quan niệm của nhiều người. Mặc dù vậy từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, sừng tê giác không hề có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có chức năng giống như móng tay của con người.
Sừng tê giác được hình thành từ các búi lông kết hợp với nhau và thành phần chủ yếu là keratin. Đây cũng là chất cấu thành nên tóc và móng tay của con người.
Theo tổ chức từ thiện Save the Rhino, hàng trăm con tê giác Châu Phi đang bị giết mỗi năm vì sừng của chúng. Những kẻ săn trộm vẫn lấy đi trung bình hơn 2 chiếc sừng mỗi ngày. Hiện có 3 trong số 5 loài tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Tuy nhiên bất chấp những lời cảnh báo đó từ giới khoa học, tình trạng săn bắt và buôn lậu sừng tê giác vẫn tiếp tục diễn ra và giết chết rất nhiều con tê giác vô tội.
Chính vì điều này, các nhà khoa học tại Đại học Oxford mới đây đã có một phát kiến hoàn toàn mới, đó là tạo ra sừng tê giác giả để giảm tình trạng buôn lậu sừng tê giác trái phép. Các nhà nghiên cứu muốn tạo ra một thị trường tràn ngập sừng tê giác giả để khiến những người muốn mua hoang mang và dập tắt ý định mua chúng. Khi nguồn cầu giảm tất yếu sẽ làm giảm nguồn cung và tình trạng săn bắt trái phép.
Để làm giả sừng tê giác, các nhà khoa học Anh đã nghĩ tới việc sử dụng lông đuôi của ngựa. Sở dĩ lựa chọn lông ngựa vì thực tế sừng tê giác hoàn toàn không phải là cấu trúc sừng thông thường mà là những sợi lông được bện chặt vào nhau nhờ chất bài tiết từ tuyến bã nhờn trên mũi tê giác.
Tương tự như vậy, các nhà khoa học đã thử kết hợp các bó lông ngựa, cộng với một hợp chất làm đầy có nguồn gốc từ tơ tái sinh. Về cơ bản chất này sẽ giúp kết dính các sợi lông ngựa lại với nhau. Kết quả là cách kết hợp này tạo ra một chiếc sừng tê giác giả trông giống thật về cả hình thức, cảm giác và tính chất. Các phân tích quang phổ và nhiệt xác nhận, sừng tê giác giả này có thành phần hóa học tương đương sừng tê giác thật.
Và đặc biệt, vật liệu này có thể dễ dàng đúc thành một bản sao sừng tê giác thật nếu được cắt và đánh bóng.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu chưa có kế hoạch phân phối sừng tê giác giả. Vollrath chia sẻ: "Chúng tôi sẽ để công trình này cho những người khác tiếp tục phát triển công nghệ mới, nhằm mục đích gây nhầm lẫn thương mại, làm mất giá sừng tê giác và nhờ đó giúp bảo tồn loài tê giác".
Tuy nhiên theo Born Free, tổ chức từ thiện bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở tại Anh cảnh báo, việc bán sừng tê giác giả ra thị trường rất có thể sẽ phản tác dụng. Nó có thể kích thích nhu cầu thị trường, xóa bỏ công sức tuyên truyền bấy lâu nay và khiến việc thực hiện lệnh cấm thêm khó khăn hơn.
Ngoài ra, việc tạo ra sừng tê giác giả cũng sẽ khiến các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc phân biệt và tiêu hủy sừng tê giác buôn lậu.
Ước tính hiện nay quần thể tê giác hoang dã đang giảm sút nghiêm trọng và tiến trình phục hồi đàn đang rất chậm. Chỉ có khoảng 5 ngàn con tê giác đen Châu Phi còn sinh sống trong tự nhiên, tăng chậm từ mức 2,3 ngàn con vào năm 1993.
Trong khi đó ở Châu Á hiện chỉ còn không dưới 80 con tê giác Sumatra và 67 con tê giác Java. Ngược lại quần tê giác sừng lớn ở Ấn Độ và Nepal đang dần phục hồi với hơn 3,5 ngàn cá thể, tăng mạnh từ mức hơn 200 con.
Nghiên cứu biến lông ngựa thành sừng tê giác của nhóm nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Scientific Reports mới đây.
Theo GenK