Diễn đàn Chính phủ - Phi chính phủ ASEAN là một sự kiện được tổ chức liền kề với Hội nghị quan chức cấp cao về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) được các nước thành viên ASEAN luân phiên tổ chức mỗi năm 1 lần. Các khuyến nghị của diễn đàn sẽ được các chủ toạ của diễn đàn chia sẻ với SOMSWD để ghi nhận và lồng ghép vào trong các hoạt động hợp tác của SOMSWD.

W-anhminhhoa-13.png
Ảnh minh hoạ

Khi cộng đồng ASEAN hình thành, những cơ hội về lao động và xã hội có thể nhận thấy rõ như cơ hội về việc làm, di chuyển lao động có kỹ năng, thúc đẩy, bảo vệ quyền của nhóm yếu thế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp những thách thức do hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự trong việc thực hiện các hoạt động theo cam kết khu vực về lao động và xã hội, ngay cả đối với những sáng kiến hoạt động do Việt Nam đề xuất. Ngoài ra, nhận thức của người dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng vẫn còn rất thiếu.

Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường, Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên cũng như tiến gần hơn tới việc hình thành Cộng đồng. 

Đặc biệt, trong bối cảnh các cam kết của ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển ngày càng sâu rộng, trước tác động của COVID-19, các nước thành viên ASEAN dành nhiều ưu tiên cho an sinh xã hội, công tác xã hội và việc phục hồi sau COVID-19. Việt Nam đã lựa chọn chủ đề "An sinh xã hội thích ứng trong bối cảnh mới" nhằm góp phần thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 và “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cuộc họp SOMSWD lần thứ 19 tập trung vào các nội dung chính như: rà soát và cập nhật tình hình thực hiện các hoạt động Kế hoạch công tác SOMSWD giai đoạn 2021 - 2025; xem xét các quyết định liên quan từ các hội nghị ASEAN kể từ cuộc họp SOMSWD lần thứ 18. Trong đó, lưu ý đến các vấn đề lồng ghép giới, mua bán người, khả năng phục hồi sau thảm họa, văn hóa phòng ngừa, chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng và tình hình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045; trao đổi về việc lồng ghép thực hiện các văn kiện, Tuyên bố của ASEAN...

Cuộc họp đã ghi nhận các sáng kiến, đề xuất về tăng cường vai trò của SOMSWS, hướng đến là một cơ quan chuyên ngành quan trọng của ASEAN với nhiều hoạt động hợp tác thiết thực trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, vì lợi ích của mỗi quốc gia và sự phát triển hài hòa của cộng động ASEAN.

Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất cần chú trọng vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ giữa ASEAN và ba nước gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các đối tác quốc tế và khu vực; huy động sự hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, tài chính của họ đối với các hoạt động của kênh phúc lợi xã hội và phát triển trong thời gian tới.

Cuộc họp SOMSWD nhằm thảo luận, trao đổi về chính sách an sinh xã hội trong khu vực; đặc biệt là những chính sách đối với các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương (như: người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em và các nhóm đối tượng đặc thù khác); đồng thời, triển khai các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển (AMMSWD), tổ chức 3 năm/lần.

Nhóm PV