Theo đó, trong bản nội quy vừa được ban hành về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, ngoài các quy định chung, văn bản này cũng ghi rõ: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.
Quy định này khiến không ít người dân đặt ra câu hỏi: “Cán bộ không làm gì sai thì sao cấm ghi hình khi tiếp dân?”. Vậy ở những nước phát triển trên thế giới, điều này được pháp luật quy định như thế nào?
Quy định cấm tiếp dân của chính quyền Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. |
Mỹ quy định thế nào về việc ghi hình cán bộ khi tiếp dân?
Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, việc ghi hình người làm công vụ cũng là một vấn đề gây tranh cãi tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Mỹ, trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều đoạn video clip ghi lại hình ảnh cảnh sát lạm dụng vũ lực đối với người da đen và người Mỹ nhập cư. Những đoạn phim như vậy đã khiến người dân phẫn nộ và châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình bạo lực tại Mỹ.
Cũng vì lý do này, chính quyền tại nhiều bang của Mỹ đã quyết định buộc cảnh sát phải đeo bodycam (một loại camera chuyên dụng) mỗi khi làm nhiệm vụ. Thực tế đã cho thấy, việc sử dụng camera giám sát là giải pháp thiết thực nhất nhằm hạn chế tình trạng bạo hành và lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm tư lợi cá nhân của đội ngũ công quyền.
Nhiều nước trên thế giới đã ra quy định buộc lực lượng cảnh sát phải đeo camera khi thi hành việc công. |
Về phía người dân, Tu chính án I của Hiến pháp Mỹ cấm Quốc hội ban hành các điều luật liên quan đến tôn giáo, hoặc ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, hoặc ngăn cản sự tự do ngôn luận, báo chí, hoặc ngăn cản sự hội hợp ôn hòa, hoặc cấm đoán sự khiếu nại của người dân về việc làm của chính phủ.
Điều này cũng đồng nghĩa, người dân có quyền quay video khi làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm cả việc sử dụng điện thoại của họ để ghi lại sự tương tác của những người thi hành công vụ với bên thứ ba.
Quy định trên có giá trị tham chiếu đến các địa điểm công cộng, bao gồm những nơi thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính quyền liên bang, ngoại trừ các khu vực bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia như các khu căn cứ quân sự. Đó có thể là các văn phòng chính phủ tiểu bang, liên bang, cũng như bất kỳ không gian riêng tư nào mà công chúng có quyền truy cập và được phép tự do di chuyển.
Nhiều chính quyền thành phố tại Mỹ đã phản bác lại quy định trên khi cho rằng, các sĩ quan của họ phải được bảo vệ khỏi việc bị công chúng ghi hình bởi quyền miễn trừ. Đây là một học thuyết bảo vệ các quan chức chính phủ khỏi trách nhiệm pháp lý trừ khi họ có vi phạm rõ ràng đối với một quyền lập hiến.
Việc có công cụ giám sát từ hai phía là một giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tình trạng bạo hành và lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm tư lợi cá nhân của đội ngũ công quyền. |
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, 5 trong tổng số 13 Tòa án Phúc thẩm (gồm khu vực 1, 5, 7, 9, 11) tại Hoa Kỳ đã đứng về phía người dân. Những Tòa án Phúc thẩm này đã đưa ra các phán quyết nhằm bảo vệ người dân khi họ tiến hành ghi lại các hành động của lực lượng thực thi công vụ. Nhóm cơ quan tư pháp này đang quản lý một khu vực rộng lớn bao gồm khoảng 60% dân số Hoa Kỳ.
Ở các Tòa án Phúc thẩm tại những khu vực còn lại, một số nơi đồng ý với quan điểm của lực lượng chức năng, trong khi phần đông các khu vực khác vẫn còn đang tranh luận về quyền giám sát đối với lực lượng thực thi công vụ.
Nhìn chung, đa phần dư luận và các cơ quan tư pháp tại Mỹ ủng hộ quyền giám sát của người dân bởi nó giúp thúc đẩy các thảo luận tự do đối với hoạt động của chính phủ. Đặc biệt là khi, các cuộc thảo luận đó mang lại lợi ích không chỉ cho công dân mà còn cho chính các viên chức đang thực thi công vụ.
Chính quyền mở: Xu hướng của nhiều nước trên thế giới
Tại nhiều bang ở Mỹ, người dân có thể tham gia một cách tự do vào các buổi họp mở của chính quyền. Người dân cũng có thể ghi âm, ghi hình tại các buổi họp này, trừ khi chính quyền địa phương cho rằng hành động đó gây gián đoạn các thủ tục tố tụng do tiếng ồn, ánh sáng hoặc việc cản trở tầm nhìn
Theo Đạo luật Hồ sơ Công của bang California (Mỹ), các cơ quan chính phủ không bắt buộc phải ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc họp. Tuy nhiên trong trường hợp được ghi lại, đó sẽ là một tài liệu công khai. Người dân cũng có quyền được tiếp cận với biên bản của các cuộc họp mở. Trong một số trường hợp, người dân sẽ phải trả một khoản phí nhất định cho quyền truy cập đó.
Phillipines, một quốc gia Châu Á rất gần với Việt Nam mới đây cũng đã có một đạo luật cho phép người dân tiếp xúc với các dữ liệu mở. Đây là Sắc lệnh hành pháp số 2 hay còn được gọi dưới tên Chương trình Tự do Thông tin (FOI) của Tổng thống Rogrido Duterte.
Mọi người dân Philippines sẽ có quyền truy cập vào thông tin, hồ sơ chính thức, hồ sơ công khai, các tài liệu và giấy tờ liên quan đến các hoạt động, giao dịch hoặc quyết định chính thức, cũng như những dữ liệu nghiên cứu làm cơ sở cho việc phát triển chính sách của chính phủ.
Ở đây, “Hồ sơ chính thức" là thông tin được tạo ra hoặc tiếp nhận bởi các công, viên chức, trong khi "hồ sơ công khai" đề cập đến các đạo luật, mệnh lệnh hành pháp, quy tắc hoặc quy định được áp dụng công khai.
Có thể thấy, để hoạt động chính quyền trở nên minh bạch và hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định rất mở đối với việc quản lý và thi hành các dịch vụ công. Đây đều là những quy định pháp luật mới đang từng bước được nhân rộng.
Trọng Đạt