Năm 2018, Vietlott tiếp tục ghi nhận 136,5 tỷ đồng tiền thưởng xổ số không có người tới lĩnh và đưa khoản này vào hạng mục doanh thu khác của doanh nghiệp.

Vậy tại các quốc gia có nền xổ số phát triển, tiền thưởng xổ số không có người tới lĩnh thường được xử lý ra sao?

Mỹ: Tiền thưởng chia lại về các bang hoặc quay trở lại quỹ giải

Giải độc đắc giá trị lớn vắng người tới lĩnh không phải là chuyện hiếm tại Mỹ. Những người chơi may mắn trúng giải lớn nhất của giải xổ số PowerBall hay Mega Millions sẽ có 180 ngày để làm thủ tục nhận giải.

{keywords}
Tại đa số bang của Mỹ, tiền thưởng xổ số không có người tới lĩnh sẽ được đầu tư cho phúc lợi xã hội. Tuy nhiên cũng có một vài bang lựa chọn đưa số tiền này trở lại quỹ giải thưởng vào các kỳ quay tiếp theo. Ảnh: Newshub.

Sau thời hạn này, số tiền thưởng sẽ được chia lại về ngân sách các bang tham gia đóng góp Jackpot của giải xổ số theo đúng lượng tiền thưởng đã đóng góp.

Mục đích sử dụng số tiền này sẽ tùy thuộc vào quy định riêng tại mỗi bang. Ví dụ, bang Michigan sẽ dùng tiền thưởng xổ số không có người lĩnh để đóng góp vào quỹ hỗ trợ giáo dục của bang. Tại California, số tiền này sẽ đi vào xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống các trường học công lập. Tại bang South Carolina, số tiền này cũng đi vào các mục đích phát triển giáo dục.

Theo Hiệp hội các giải xổ số bang và vùng quốc gia Mỹ (NASPL), trong một vài trường hợp khác, có một vài bang sẽ đưa tiền thưởng không có người nhận quay trở lại quỹ giải thưởng của các kỳ quay tiếp theo.

Chỉ riêng trong năm 2016, đã có 27,6 triệu USD giải thưởng xổ số không có người tới nhận tại bang Michigan.

Trong hai năm 2016 và 2017, số tiền thưởng xổ số không có người tới nhận tại New York đã đạt mức lần lượt là 103 triệu USD và 74 triệu USD.

Theo nhà sáng lập của Lottery.com, mỗi năm người Mỹ "quên" lĩnh khoảng 2 tỷ USD tiền giải thưởng xổ số.

Châu Âu: Đưa về nước bán ra vé trúng thưởng

Theo trang chủ của giải xổ số EuroMillions, mỗi năm vẫn có một lượng nhất định giải thưởng không có tới người tới lĩnh. "Điều này có thể xảy ra do vé số đã bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc thậm chí người trúng giải đã không nhận ra mình vừa trúng số lớn", theo EuroMillions.

Tính tới nay, giải độc đắc lớn nhất không có người lĩnh của xổ số này là vào năm 2012. Chủ nhân một vé số trúng 63,8 triệu Bảng đã "quên" không lĩnh tiền.

Do là giải xổ số phát hành tại nhiều nước châu Âu nên nếu sau 180 ngày không có người tới lĩnh giải, toàn bộ số tiền giải thưởng sẽ được đưa về quốc gia đã bán ra vé số trúng thưởng và được các nước sử dụng sử dụng theo những mục đích khác nhau.

Ví dụ như ở Anh, số tiền này sẽ được đưa vào quỹ phúc lợi xổ số quốc gia để đầu tư vào các lĩnh vực như thể thao, nghệ thuật, y tế và giao dục.

"Do đó nếu một người trúng giải độc đắc không nhận tiền thưởng, họ vẫn có thể hưởng lợi từ những mặt tích cực mà số tiền thưởng lớn trên mang lại cho cộng đồng", EuroMillions viết.

136 tỷ đồng không có người nhận, Vietlott làm gì?

Hoạt động quản lý tài chính của Vietlott được quy định tại Nghị định số 122 do Chính phủ ban hành năm 2017.

{keywords}
Sau khi thực hiện lập trích lập dự phòng, gần như toàn bộ tiền thưởng không có người lĩnh của Vietlott sẽ được chia về ngân sách các tỉnh thành để đầu tư phúc lợi. Ảnh: Lê Quân.

Cụ thể, khoản 2, Điều 4, Chương II của Nghị định số 122/2017/CP-NĐ do Chính phủ ban hành ngày 13/11/2017 quy định đối với các giải thưởng tích lũy xổ số tự chọn (Jackpot), nếu hết thời hạn lĩnh thưởng mà người trúng thưởng không đến lĩnh thưởng thì doanh nghiệp kinh doanh xổ số điện toán được phép hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.

Cũng theo Nghị định này, Điều 6 quy định rằng, sau khi xác định doanh thu bán vé, Vietlott có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước gồm các khoản thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 15%), thuế thu nhập cá nhân từ người trúng thưởng (thuế suất 10% phần vượt 10 triệu đồng).

Sau khi trừ chi phí kinh doanh, lợi nhuận thuần cộng với thu nhập khác sẽ được Vietlott nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 20%) và được phân bổ về ngân sách địa phương. Sau trích lập các quỹ theo quy định (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP), Vietlott có nghĩa vụ phân bổ toàn bộ lợi nhuận còn lại cho ngân sách địa phương. Việc phân bổ các khoản thuế và toàn bộ lợi nhuận còn lại được Vietlott thực hiện theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên địa bàn.

Cũng theo doanh nghiệp, số tiền này sau khi được chia về các tỉnh thành sẽ được dành để đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, xây dựng nông thôn mới, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và các công trình phúc lợi xã hội khác theo quy định tại Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính.

"Con số 136,5 tỷ đồng không có người đến nhận năm 2018 thực tế đóng góp vào ngân sách các địa phương theo cơ cấu đóng góp doanh thu tại thị trường các tỉnh thành", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo báo cáo của Vietlott, trong năm 2018, Vietlott đã nộp 1.200 tỷ đồng vào ngân sách của 48 tỉnh, thành phố. Lượng nộp ngân sách của doanh nghiệp đã tăng gần 10% dù doanh thu gần như giữ nguyên so với năm 2018 ở mức gần 3.900 tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp chia sẻ  rằng kết quả này có được là từ những giải thưởng giá trị lớn không có người tới lĩnh.

(Theo Zing)