Những ông hoàng của Thung lũng Silicon đang bước xuống khỏi "kỳ lân" của họ. Họ đăng nội dung trên các trang mạng xã hội để thể hiện tình cảm dành cho những "di sản" của mình, bày tỏ hy vọng về sự phát triển công tytrong tương lai. Họ muốn từ bỏ việc dẫn dắt các công ty khởi nghiệp mà mình đã thành lập.
Chọn điểm dừng để kết thúc êm đẹp
Trong những tuần gần đây, Ben Silbermann - người đồng sáng lập mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest - đã từ chức giám đốc điều hành. Nhà đồng sáng lập công ty cho thuê nhà Airbnb là Joe Gebbia đã tuyên bố rời khỏi vị trí lãnh đạo của công ty. Apoorva, nhà sáng lập ứng dụng giao hàng Instacart, cho biết ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch khi công ty niêm yết cổ phiểu, sớm nhất là trong năm nay.
Những thông báo từ chức như trên đang báo hiệu cho kỷ nguyên của những kỳ lân công nghệ sắp kết thúc. Họ nằm trong số những công ty có giá trị và nổi tiếng nhất xuất hiện từ Thung lũng Silicon trong thập kỷ qua.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã đổ số tiền ngày càng lớn vào một nhóm các công ty khởi nghiệp được đánh giá cao và đã được gọi là kỳ lân. Các nhà sáng lập nên các startup có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên được coi là những người hùng có tầm nhìn xa trông rộng.
Họ đã đấu tranh để bảo vệ quyền sở hữu công ty của mình, khác với trước đây khi những có nhiều doanh nhân phải chịu áp lực có thể bị thay thế bởi các giám đốc điều hành có kinh nghiệm hơn.
Thế nhưng, khi thị trường chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng trong năm nay, đặc biệt là các công ty công nghệ bị thua lỗ thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã rút lui và kêu gọi các công ty trẻ đang được đánh giá cao của Thung lũng Silicon cắt giảm chi phí và làm việc một cách thận trọng.
Ngoài Silbermann, Gebbia và Mehta, những nhà sáng lập hàng đầu của Twitter, Peloton, Medium và MicroStrategy đều đã từ chức trong năm nay.
Họ rời đi khi mọi thứ đã không còn huy hoàng. Cổ phiếu của Pinterest giảm 60% so với một năm trước. Cổ phiếu của Airbnb đã giảm 25% so với một năm trước trong khi Instacart đã giảm định giá nội bộ gần 40% vào tháng 3, khi họ chuẩn bị IPO trong một thị trường đầy cạnh tranh.
"Giờ thì việc trở thành CEO trở nên kém vui hơn rồi. Thị trường thì đi xuống, nền kinh tế đang có xu hướng tiêu cực và ngày càng có nhiều quy định hơn. Nếu bạn đã giàu có, nổi tiếng và thành công rồi thì thường sẽ đến một thời điểm mà việc ngồi ở vị trí đó sẽ không hấp dẫn bằng việc rời đi và kết thúc mọi thứ một cách tốt đẹp," Kevin Werback, giáo sư kinh doanh tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho biết.
Từ bỏ thứ mình đã từng đấu tranh
Mark Zuckerberg dường như đã tiên phong trong việc trở thành ông chủ thời hiện đại. Zuckerberg yêu cầu các nhà đầu tư để mình giữ quyền kiếm soát khi Facebook phát triển, mở ra kỷ nguyên "thân thiện với người sáng lập" như hiện nay.
Những nhà sáng lập đã tận dụng lợi thế của mình. Họ vẫn giữ cho công ty của mình ở vị trị hàng đầu ngay cả khi công ty đã phát triển vượt trội hơn cả năng lực của họ với tư cách là người quản lý. Họ cũng đã giữ cho công ty của mình đứng độc lập được càng lâu càng tốt.
Khi lĩnh vực công nghệ thống trị nền kinh tế, sự hâm mộ và đề cao các nhà sáng lập khởi nghiệp đã xâm nhập vào nền văn hoá đại chúng thông qua những người nổi tiếng như Ashton Kutcher và các chương trình truyền hình như "Silicon Valley."
Một số nhà sáng lập của thời đại này đã đi quá xa. Việc tiêu tiền không ngớt tay và tiệc tùng của Adam Neumann khiến ông buộc phải rời khỏi WeWork vào năm 2018, mặc dù nắm số cổ phần đủ để kiểm soát công ty. Chiến thuật đầy tham vọng của Travis Kalanick tại Uber đã dẫn đến việc ông bị thay thế vào năm 2017, bất chấp số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà ông nắm giữ.
Một số khác vẫn giữ cách làm việc và ở nguyên vị trí của mình vượt qua đợt IPO. Nhưng hoá ra, việc điều hành một công ty niêm yết, nhận thêm công việc được uỷ thác và những dự báo của các nhà phân tích lại khác xa với sự hối hả và hồi hộp khi mới khởi nghiệp. Giờ đây, khi những rắc rối gia tăng trong bối cảnh thị trường suy thoái, họ đang từ bỏ quyền kiểm soát mà họ từng chiến đấu để có được.
Trong thông báo của mình, Silbermann nói rằng việc điều hành Pinterest là "món quà của cả cuộc đời". Gebbia, người sẽ trở thành cố vấn cho Airbnb, đã đăng một đoạn hồi tưởng về những ngày đầu của công ty. Ông cũng đăng những bức ảnh cùng với biệt danh của những người đồng sáng lập và những bài học về lòng tốt của nhân loại. Mehta đã tweet rằng ông "quan tâm sâu sắc" đến Instacart: "Đó là điều mà tôi nghĩ đến mỗi phút giây thức giấc trong suốt thập kỷ qua."
Rời đi với tư cách là những tỷ phú, họ đã thể hiện sự tích cực hướng về tương lai của Thung lũng Silicon. Pinterest "chỉ mới bắt đầu", Airbnb "đang nắm trong tay những thứ tốt nhất" còn Instacart thì có "cơ hội to lớn phía trước", những nhà sáng lập viết như vậy. Cả Mehta và Gebbia đều cho biết họ đã có kế hoạch cho các dự án mới.
Quan trọng là dày dặn kinh nghiệm
Các nhà đầu tư dự đoán rằng sẽ ngày càng có nhiều nhà sáng lập nộp đơn từ chức hơn khi họ nhận thấy mình sẽ cần làm việc chăm chỉ hơn nhưng lại nhận được ít hơn. "Giờ đây, họ có thể để một số giám đốc điều hành khác đứng ra tiếp quản và phát triển với những chiến thuật khác," Trace Cohen, một nhà đầu tư cho những startup non trẻ, cho biết.
Tuần trước, Brad Hargreaves, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp vận hành không gian sống chung Common, tuyên bố sẽ từ chức giám đốc điều hành và trở thành giám đốc sáng tạo. Người đứng đầu bộ phận bất động sản của công ty là Karlene Holloman - một người kỳ cựu trong ngành khách sạn - sẽ đảm nhận vị trí giám đốc điều hành.
Thị trường đi xuống là một trong những nguyên nhân khiến Hargreaves đưa ra quyết định như vậy. Ông nói rằng trong những thời điểm khó khăn, sẽ thật tốt nếu có một nhà sáng lập đứng đầu công ty đủ khả năng thuyết phục các nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng hướng đến tầm nhìn sâu rộng. "Nhiều nhà sáng lập ngồi ở vị trí CEO và đã gắn bó quá lâu rồi," ông nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn có những nhà sáng lập tiếp tục tại vị trong bối cảnh suy thoái, trong đó có Stripe, Coinbase và Discord. Họ sẽ phải đáp ứng những yêu cầu khó và áp lực hơn.
Ứng dụng giao dịch chứng khoán Robinhood đã sa thải hơn 1.000 nhân viên trong năm nay do mất đi những khách hàng tích cực. Dan Dolev, một nhà phân tích tại Mizuho Securities, cho biết một số nhà đầu tư đã đề nghị riêng Robinhood nên mời một giám đốc điều hành dày dặn kinh nghiệm hơn về để giúp đỡ nhà đồng sáng lập là Vlad Tenev.
Không ai có thể buộc Tenev phải rời khỏi vị trí khi ông và nhà đồng sáng lập Baiju Bhatt cùng nắm giữ cổ phần kiểm soát trong công ty. Dolev nói: "Họ là những người sáng lập tiêu biểu khi rất giỏi đưa ra ý tưởng và sáng tạo nội dung, nhưng có thể tìm sự trợ giúp về cách hoạt động vận hành."
Một phát ngôn viên của Robinhood cho biết gần đây, công ty đã trải qua một cuộc cải tổ và chỉ nhận thuê quản lý từ TD Ameritrade và Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch.
(Theo Nhịp sống kinh tế, NYT)
Nhân viên công nghệ của thung lũng Silicon không còn được hưởng nhiều đặc quyền
Từ đầu năm nay, rất nhiều các tập đoàn công nghệ đã tuyên bố cắt giảm một số phúc lợi do ảnh hưởng của đại dịch.