Các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraina, Đức và Pháp đã nhất trí gặp nhau ở Belarus
vào ngày 11/2 nhằm đạt tới một thỏa thuận hòa bình cho Ukraina, trong bối cảnh
bạo lực tiếp tục leo thang căng thẳng ở miền đông nước này.
TIN BÀI KHÁC:
Trong ngày 8/2, bốn nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm, hai ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Moscow để gặp nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin mà không có được đột phá.
Chiến sự ở đông Ukraina đang leo thang. (Ảnh: Reuters) |
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cho biết đã có tiến bộ và ông hy vọng cuộc gặp ở Minsk sẽ dẫn tới một "lệnh ngừng bắn nhanh chóng và vô điều kiện" ở miền đông Ukraina, nơi quân li khai đang tăng cường một chiến dịch quân sự nhằm mở rộng kiểm soát lãnh thổ.
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Putin cảnh báo Kiev phải dừng ngay chiến dịch quân sự ở đông Ukraina và dừng gây áp lực kinh tế lên các vùng do quân li khai kiểm soát.
"Các nỗ lực của Kiev nhằm gây sức ép lên Donbas (khu vực phía đông Ukraina) và phá vỡ cuộc sống hàng ngày chỉ càng làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Đây là một con đường cụt, gắn với một tai ương lớn", ông Putin nói với báo al-Ahram của nhà nước Ai Cập, theo một đoạn ghi do Kremlin cung cấp.
Một phát ngôn viên quân sự của Kiev cho biết hôm 8/2 rằng, chiến sự đang diễn ra ác liệt ở thị trấn đường sắt đầu mối Debaltseve, với các chiến binh nổi dậy liên tục vây chiếm những tuyến đường mà quân chính phủ đang bảo vệ.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến nay, xung đột ở miền đông Ukraina đã cướp mạng sống của hơn 5.400 người.
Tại một cuộc họp an ninh cấp cao ở Munich cuối tuần, bà Merkel thừa nhận không chắc chắn đàm phán sâu hơn có thể dẫn tới một thỏa thuận với ông Putin, nhưng các bên sẽ tận dụng mọi cơ hội để có được một giải pháp ngoại giao.
Hôm 8/2, bà Merkel đã bay tới Washington để gặp ông Obama. Là một người thạo tiếng Nga và lớn lên ở Đông Đức, nữ chính trị gia này đang đi đầu trong nỗ lực theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraina. Bà đã trò chuyện qua điện thoại với ông Putin hàng chục lần trong năm qua và gặp ông ở nhiều nơi như Moscow, Sydney và Milan.
Tuy nhiên, theo các quan chức Đức, ông chủ điện Kremlin tỏ ra cương quyết không nhượng bộ.
Nếu không có đột phá trong cuộc hội đàm ngày 11/2 thì các lãnh đạo của Liên minh châu Âu gặp nhau ở Bussels hôm sau đó có thể sẽ phát đi tín hiệu cho thấy, họ sẵn sàng áp thêm cấm vận chống lại Nga, trong đó nhắm tới các lĩnh vực mới của nền kinh tế, chẳng hạn như ngân hàng.
Hôm nay (9/2), các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu sẽ gặp nhau và họ được cho là sẽ nhất trí mở rộng lệnh cấm thị thực và phong tỏa tài sản với 19 cá nhân nữa ở Nga, trong đó có một Thứ trưởng Quốc phòng.
Thanh Hảo