TS Thế Hùng cũng từng xem một vài tác phẩm body painting, trực tiếp từ người mẫu cũng có và xem qua ảnh cũng có nhưng anh nhận xét dưới con mắt nghệ thuật của mình thì chỉ có vài tác phẩm đáng xem, còn lại nhố nhăng...


Họa sĩ Ngô Lực là một trong số ít ỏi những họa sĩ đang đặt nền móng cho nghệ thuật body painting ở Việt Nam, cho rằng body painting là loại hình xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống. Khi đó thân thể con người trở thành một tác phẩm nghệ thuật, các nét vẽ thể hiện ý tưởng sáng tạo của họa sĩ và sự chuyển động của cơ thể tạo nên vẻ đẹp sống động, đa góc độ. Tuy nhiên với nhiều người dân Việt Nam nghệ thuật body painting vẫn còn quá xa lạ, đôi khi người ta nhìn nó với con mắt kỳ thị.


Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng chia sẻ: Bản chất của body painting là hội họa, là nghệ thuật. Ngoài chất liệu cổ điển như vẽ bằng sơn mài, sơn dầu, giấy...thì toan là cơ thể con người cũng là một chất liệu. Vẽ trên cơ thể người cũng là một dạng thức của hội họa.

Body painting là sự phát triển tất yếu của nhân loại, nghệ thuật luôn luôn khát khao tìm cái mới, cái mới có tồn tại và cần thiết hay không lại là câu chuyện khác. Hơn nữa vẽ cái gì trên toan người mới là điều cần bàn. Không phải tác phẩm nào vẽ trên toan người đều đẹp. Có những tác phẩm đẹp vẽ lên toan người thành ra hỏng. 

Ở Việt Nam hiện nay cũng chưa có nhiều họa sĩ theo đuổi nghệ thuật này. TS Thế Hùng cũng từng xem một vài tác phẩm body painting, trực tiếp từ người mẫu cũng có và xem qua ảnh cũng có nhưng anh nhận xét dưới con mắt nghệ thuật của mình thì chỉ có vài tác phẩm đáng xem, còn lại nhố nhăng, chưa được đầu tư đúng mức. Mà nghệ thuật phải rất công phu nếu không nó sẽ ra một dạng khác. 

Nghệ thuật luôn luôn tìm tòi và khao khát khám phá cái mới, cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi và phải cần thời gian, công chúng là sự kiểm nghiệm tốt nhất để cái mới có tồn tại hay không. "Tôi không cổ súy body painting, không kỳ thị nó nhưng muốn tác phẩm thoát được sự dung tục thì họa sĩ phải là người đầu tư nhiều hơn nữa vào tác phẩm của mình", TS Hùng nói.


Họa sĩ Trần Lương từng chia sẻ, tại một số quốc gia trên thế giới, body art được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên trong các trường nghệ thuật. Việc vẽ lên cơ thể đã đi vào đời sống thường nhật. Thế nên, để body painting phát triển ở Việt Nam thì cần có nhiều show trình diễn, các cuộc thi nên gắn với các vấn đề xã hội…

Họa sĩ Ngô Lực luôn mơ rằng, nghệ thuật body painting sẽ được phát triển một cách bình thường như bất kỳ một môn nghệ thuật nào khác nào ở Việt Nam. Anh hy vọng là thay vì chúng ta bàn về những vấn đề quanh chuyện cơ thể và nhục dục, sự khắt khe bởi quan niệm thẩm mỹ hoặc văn hóa đối với body painting thì chúng ta nhìn ngắm tác phẩm, tác phẩm có dung tục hay không lại do suy nghĩ của mỗi người.

Tình Lê