- Trao đổi tại buổi họp báo sáng nay (19/10) giới thiệu kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 khai mạc ngày mai (20/10), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, sẽ có 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn. Tham gia trả lời là các tân bộ trưởng vừa được bầu tháng 8 vừa qua.

Gửi đại biểu báo cáo chống tham nhũng

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc ngày mai (20/10), kéo dài đến 26/11.

Cử tri sẽ thấy được dấu ấn đại biểu mới thông qua các nội dung họp lần này. Ảnh: Lê Anh

Theo thông lệ tại các phiên họp cuối năm, Thủ tướng sẽ trình bày báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011. Trong phiên khai mạc, dự kiến Thủ tướng cũng sẽ trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn. Tham gia trả lời chất vấn là các tân bộ trưởng vừa được bầu tháng 8 vừa qua.

Các báo cáo về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác đối ngoại và tình hình quốc    phòng, an ninh sẽ được gửi riêng cho đại biểu tự nghiên cứu.

Dự án Luật Biển sẽ được đưa ra xem xét lần đầu tại kỳ họp này nhưng chưa biểu quyết thông qua ngay như dự kiến ban đầu.

Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu với 13 dự án luật khác và thông qua 5 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận về một số vấn đề quan trọng khác như các nghị quyết kinh tế - xã hội, báo cáo phòng chống tham nhũng, báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri...

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Quốc hội đang tiến hành xây dựng đề án đổi mới hoạt động, và sẽ áp dụng một số điểm cải tiến ngay tại kỳ họp này.

Chẳng hạn, thời gian đọc báo cáo trên hội trường sẽ rút xuống còn tối đa 15 phút, dành thời gian cho thảo luận. Tương tự, tại mỗi phiên chất vấn, đại biểu chỉ được hỏi tối đa 2 phút. Mỗi bộ trưởng lên đăng đàn cũng sẽ trả lời thẳng ngay vào câu hỏi, không đọc báo cáo giải trình như trước. Do thời gian thảo luận ở tổ là 12 buổi nên các nội dung này sẽ phải được ghi chép cẩn thận, kỹ lưỡng và được chọn lọc. Chỉ những vấn đề còn ý kiến khác nhau và đang tranh luận mới đưa ra tiếp tục thảo luận ở hội trường, tránh tình trạng trùng lặp...

Nói như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, "cử tri sẽ thấy được dấu ấn đại biểu mới, tinh thần mới của Quốc hội khóa mới thông qua các nội dung họp lần này".

Tiếp tục xác minh tư cách đại biểu

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, thời gian qua, cử tri và công luận đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến ĐBQH, doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến (Long An).

Theo xác minh bước đầu của Ban Công tác đại biểu, toàn bộ quy trình hiệp thương từ vòng một đến vòng ba đều được tiến hành đúng luật. Địa chỉ quê quán của bà Yến là chính xác. Riêng một vấn đề cần rút kinh nghiệm là cuộc tiếp xúc vận động cử tri của bà Yến được tổ chức vào gần ngày bầu cử, thời điểm tương đối nhạy cảm, do đó gây ra nhiều nghi vấn trong công luận.

Ông Phúc giải thích, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội vẫn đang tiếp tục tiến hành xác minh để làm rõ thêm một số nội dung khác. "Cơ quan Quốc hội đang tiến hành xác minh. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ công bố sau", ông Phúc nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ban thẩm tra tư cách đại biểu đã làm đúng luật khi xác nhận tư cách đại biểu cho bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bởi lẽ, trong toàn bộ thời gian từ hiệp thương cho đến khi bà Yến trúng cử, các cơ quan chức năng không hề nhận được đơn thư, khiếu nại nào liên quan đến tư cách đại biểu này. Chỉ sau khi Quốc hội thẩm tra xong tư cách các đại biểu và tiến hành phiên họp thứ nhất thì báo chí mới bắt đầu đưa tin về các sai phạm liên quan và sau đó cử tri bắt đầu nêu vấn đề này lên Quốc hội. Nhận được các thông tin trên, Ban Công tác đại biểu đã vào cuộc để xác minh theo quy định.

Được biết, vừa qua, bà Đặng Thị Hoàng Yến là một trong hai đại biểu chủ động đề xuất xây dựng dự án luật. Dự luật mà bà Yến đề xuất lên Thường vụ Quốc hội là Luật bảo vệ quyền riêng tư.

5 dự án luật được biểu quyết tại kỳ họp này: Luật cơ yếu, Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường.

13 dự án luật được trình lên cho ý kiến: Luật biển, Luật giáo dục đại học, Luật công đoàn sửa đổi...

Lê Nhung