Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Công giáo và Phật giáo là 02 tổ chức tôn giáo lớn với số lượng tín đồ chiếm trên 12% dân số. Trong đó Công giáo có hơn 112.000 người, tập trung chủ yếu ở 60 xã của 6 huyện, thành phố, thị xã; về tổ chức, có 2 giáo hạt, 35 giáo xứ, 94 giáo họ và 2 giáo điểm; có 49 linh mục và 1 dòng tu Mến Thánh giá Hướng Phương; 84 nhà thờ. Phật giáo có hơn 3.000 người; cơ sở thờ tự có 11 chùa. Nhìn chung, tư tưởng, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hưởng ứng và tham gia đóng góp vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành tổ chức.
Hoạt động của tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật, đa số tín đồ các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, có ý thức tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, tiêu biểu là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở địa bàn có tôn giáo tiếp tục được triển khai, góp phần vận động tín đồ các tôn giáo chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, phát huy các giá trị tích cực của tôn giáo, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Trong những năm qua, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc và công tác tôn giáo; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3-11-2009, của Bộ Chính trị khóa X về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo;
Ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, vùng có đạo. Chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”, Nghị Quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, của Chính phủ, “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”...
Nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo;
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong việc tập hợp, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và những chủ trương, chính sách của tỉnh; đồng thời, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, cực đoan lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 25-NQ/TW, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 21-2-2019, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo”;
Triển khai tuyên truyền các văn bản mới của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, như: Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 23-7-2021, “Quy định vai trò, trách nhiệm của người có uy tín và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Quyết định số 1847/QĐ-UBND, ngày 23-6-2021, về “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc giữa ban dân tộc với ủy ban nhân dân các huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”; Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 22-1-2021, về “Triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình kéo dài đến năm 2025”;
Qua đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo được thực hiện khá hiệu quả. Trên cơ sở sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh theo dõi, giám sát, phản bác, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên các phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trong năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh xử lý 10 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông xã hội liên quan đến dịch COVID-19, xử phạt hành chính gần 60 triệu đồng.
Bảo Phùng, Thu Thủy, Văn Công