TIN BÀI LIÊN QUAN:
Hình ảnh các nạn nhân của một vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học ở Syria ngày 21/8. (Ảnh: The NewYorker) |
Nhiều bức hình và clip được đăng tải trên mạng cho thấy nhiều thi thể nằm theo
hàng, trong đó có nhiều trẻ nhỏ. Trên người họ không có một vết thương nào có
thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhiều nạn nhân miệng sủi bọt và chân tay co quắp
- những triệu chứng phơi nhiễm hóa chất.
Không có sự kiểm chứng độc lập nào về các bức hình và đoạn băng đó. Giới quan
sát và chuyên gia đưa ra những ý kiến và quan điểm khác nhau. Trong khi đó,
chính phủ Syria được tin là đang sở hữu khí sarin chết người.
Nếu cáo buộc của phe đối lập Syria là sự thật, thì đây không phải là lần đầu
tiên vũ khí hóa học được sử dụng trên thế giới. Thực tế, chiến tranh hóa học đã
có từ hàng nghìn năm trước.
Khoảng năm 256 sau CN: Khói độc trong hầm
Bằng chứng khảo cổ về vũ khí hóa học đã được tìm thấy ở Syria (khu vực này khi
đó nằm dưới sự kiểm soát của Đế quốc La Mã - thế kỷ thứ 3). Theo nhà khảo cổ học
Simon James của trường Đại học Leicester, sulfur và bitum - tạo ra các hợp chất
độc hại khi có lửa, đã giết chết 20 binh sĩ La Mã. Thi thể của họ được tìm thấy
chồng đống trong một đường hầm ở thành phố Dara-Europos, trong tay vẫn cầm vũ
khí.
James giải thích rằng, vào thời kỳ đó, quân đội của Đế quốc Ba Tư Sasanian đã tấn công thành phố do La Mã kiểm soát, đào các đường hầm dưới những bức tường thành. Đội quân La Mã cũng đào hầm để chống lại những kẻ xâm nhập song những người Sasanian lại có trong tay hóa chất.
"Tôi cho rằng người Sasanian đã đặt các lò than và ống thổi trong đường hầm
của họ. Và khi quân La Mã đột nhập, họ thêm hóa chất vào và bơm khói ngập đường
hầm La Mã", ông James nói.
Năm 1346 – Đại dịch Cái chết Đen
Thành Caffa thuộc bán đảo Crimea (ngày nay là Ukraine) đang nằm trong vòng vây
của một đội quân Tartar thì một dịch bệnh bí ẩn tấn công các chiến binh và nhanh
chóng khiến quân số của họ sụt giảm.
Vào thời điểm đó, các chiến binh Tartar ốm yếu nhưng đầy chí khí đã quyết định dùng cái chết của họ làm vũ khí. Các chỉ huy ra lệnh đặt xác quân lính lên máy lăng đá và bắn vào bên trong thành phố với hy vọng mùi hôi thối và bệnh tật sẽ giết chết những người bên trong. Và chiến thuật này rất hiệu quả.
Theo giáo sư Mark Wheelis thuộc Đại học California Davis, chính những xác
chết đó nhiều khả năng đã lan truyền đại dịch Cái chết Đen nổi tiếng trong lịch
sử loài người cho thành Caffa.
Năm 1763 - Đại dịch Đậu mùa ở Tân Thế giới
Vào năm 1763, tướng Anh Jeffrey Amherst đã cung cấp những tấm chăn có dính virus
đậu mùa cho bộ lạc da đỏ ở Delaware, khiến hàng chục người bị chết. Quân đội
Pháp và Mỹ được cho cũng dùng cách tương tự để tiêu diệt người bản địa.
Năm 1915 - Giết người nhiều hơn nhờ hóa chất
Thế chiến I được biết đến là "cuộc chiến của các nhà hóa học" vì các loại khí chết người đã được sử dụng. Tại Trận chiến Ypres thứ hai, quân Đức đã tung ra hàng nghìn xylanh khí chlorine vàng-xanh trên khắp chiến trường - thực trạng sử dụng vũ khí hóa học quy mô lớn đầu tiên trong chiến tranh hiện đại. Trước đó, các lượng nhỏ hơi cay từng được người Pháp và người Đức dùng như một chất gây khó chịu.
Khí chlorine, một chất gây ngạt thở va khiến các chất lưu hình thành trong
phổi nạn nhân, đã cướp mạng sống của ít nhất hàng trăm binh sĩ Pháp nhưng không
mang lại cho người Đức lợi thế ngay lập tức. Có ý kiến cho rằng chính lính Đức
cũng bị choáng váng vì tác dụng của chlorine nên không tiến lên được.
Năm 1943 - Bom Napan tàn khốc
Một cuộc tấn công bom Napal của quân đội Mỹ ở miền nam Việt Nam năm 1966. (Ảnh: AP) |
Napan - một chất có thể làm chảy da ra khỏi cơ thể người - được phát triển năm
1943 bởi nhà hóa học Louis Fieser của Harvard và nhóm của ông. Napan đã có một
tác động tàn khốc trong Thế chiến II, khi một cuộc rải bom cháy đơn lẻ của Mỹ ở
Tokyo đã cướp mạng sống của ước tính 100.000 người.
Thập niên 1960 - Chất độc Da cam
Được phát triển nhưng không qua thử nghiệm vào thập niên 1940, Chất độc Da
cam ra đời với mục dích nhằm vào cây cối chứ không phải con người. Trong cuộc
chiến ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải hóa chất này xuống Việt Nam để phá hủy
nguồn lương thực và nơi trú ẩn của quân cách mạng mà không nhận ra những hiểm
họa sức khỏe gây ra cho người dân Việt Nam.
Dioxin - độc tố trong Chất độc Da Cam - có thể tồn tại trong cơ thể người hàng
chục năm. Một nửa thế kỷ sau cuộc chiến, Chất độc Da cam vẫn khiến con người
phải chịu đựng tác hại của nó.
Thập niên 1980 - Chất độc Thần kinh
Chất độc thần kinh là loại tàn khốc nhất trong hạng mục các vũ khí hóa học hoạt
động-nhanh.
Một giọt sarin hoặc VX độc hại có thể lấy mạng một người chỉ trong vòng vài phút. Iraq là nước đầu tiên dùng chất độc thần kinh trên chiến trường, kết hợp với khí mù tạt, trong cuộc chiến với Iran. (Hầu hết các chất độc thần kinh cũng có thể được quản lý ở dạng lỏng. Chúng không có mùi vị gì khi pha vào nước uống).
Iraq bắt đầu dùng vũ khí hóa học chống lại Iran từ năm 1983. Đến năm 1988, có
tin cho biết các chất độc thần kinh đang được sử dụng chống lại người Kurd ở
miền bắc Iraq; một thông tin nêu rõ chính phủ Iraq đã giết chết 5.000 người Kurd
trong một cuộc tấn công đơn lẻ bằng vũ khí hóa học ở Halabja, có thể bao gồm cả
sarin và VX.
2001 - Khuẩn than
Ngay sau loạt vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Mỹ, nhiều lá thư chứa khuẩn bệnh đã được gửi tới các cơ quan truyền thông và các nhân vật có uy tín ở nước này. Những năm sau đó, chi tiêu của Mỹ cho phòng thủ sinh học tăng vọt, lên tới mức hơn 4 tỷ USD mỗi năm.
Ngày nay, một trong những quan ngại lớn của chính phủ nhiều nước là nguy cơ vũ khí hóa học và sinh học rơi vào tay khủng bố.Thanh Hảo (Theo National Geographic)