Đó là kỳ học khủng khiếp và đau buồn tại đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc. Và dù kỳ thi hết năm đã bắt đầu từ hôm 23/5, cả trường vẫn chưa hết hoảng bởi liên tiếp các vụ tự tử của 4 sinh viên và một giáo sư nổi tiếng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Sinh viên Kaist thắp nến cầu nguyện cho các sinh viên tự tử. (Ảnh: AP)
Áp lực bài vở có thể rất căng thẳng tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, viết tắt là Kaist, và các chuyên gia tâm lý nóng lòng đã mở rộng các dịch vụ tư vấn của họ kể từ sau các vụ tử tự. Lãnh đạo nhà trường cũng hủy bỏ một chính sách gây tranh cãi mà theo đó các sinh viên buộc phải đóng thêm học phí nếu điểm số của họ tụt giảm. 

Sau vụ tự tử mới nhất, ngày 17.4, hội đồng sinh viên Kaist đã ra một thông báo nói rằng "một luồng gió xám" đã thổi qua ngôi trường. 

"Hàng ngày, chúng tôi bị dồn vào một cuộc cạnh tranh liên tiếp làm chúng tôi cảm thấy ngột ngạt và nghẹt thở", Hội đồng nhấn mạnh. "Chúng tôi thậm chí không dành nổi 30 phút cho những người bạn gặp vấn đề bởi vì bài tập về nhà quá nặng. Chúng tôi còn chẳng thể cười một cách tự do thoải mái". 

Những người trẻ ở Hàn Quốc hiện là nhóm người không hạnh phúc. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy họ là nhóm không vui nhất trong số các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Bộ Giáo dục ở Seoul cho biết, năm ngoái có tới 146 học sinh nước này tự tử, trong đó có 53 em ở cấp 3 và 3 em ở cấp 1. 

Các nhà tâm lý học ở trường Kaist cho biết, rất ít sinh viên tìm đến tư vấn trong những ngày gần đây bởi sắp thi cuối kỳ. Thật trớ trêu, trong thời diểm áp lực tăng cao này, các chuyên gia chỉ xử lý có vài trường hợp, chủ yếu là lo lắng. 

"Hãy nhớ rằng sinh viên ở đây còn rất trẻ và họ không có nhiều kinh nghiệm với các tình huống bất ngờ", Kim Mi-hee, chuyên gia tâm lý tại trung tâm tư vấn của trường, cho hay.

Theo chuyên gia này, khoảng 10% sinh viên Kaist đã tới trung tâm để xin giúp đỡ.

Hàn Quốc đứng thứ 1 trong các nước thuộc OECD về tự tử. Các ga tàu điện ngầm ở Seoul đều có thanh chắn để ngăn người ta nhảy ra trước mũi tàu. 8 cây cầu ở thành phố này cũng lắp đặt các máy quay giám sát tự tử.

Chuyện các ca sĩ, người mẫu, diễn viên, vận động viên và các nhân vật nổi tiếng tự tìm đến cái chết không còn là lạ ở Hàn Quốc. Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun cũng đã nhảy khỏi vách đá năm 2009 sau khi bị mất mặt với dân chúng. 

Nhưng các vụ tử tự của 4 sinh viên Kaist - 3 nhảy lầu và một dùng thuốc quá liều - đã khiến cả Hàn Quốc choáng váng và chua xót. Vị giáo sư, một nhà nghiên cứu về sinh vật học, đã treo cổ tự vẫn hôm 10/4 vì bị điều tra lạm dụng các quỹ nghiên cứu. 

Cuộc cạnh tranh giành chỗ tại một trường đại học hàng đầu của học sinh Hàn Quốc bắt đầu ngay từ trường trung học. Hơn 80% người trẻ Hàn Quốc vào đại học, và tính trung bình, số tiền mà các phụ huynh Hàn Quốc chi vào việc học thêm, thuê gia sư cho một đứa con nhiều hơn so với ở bất kỳ một nước nào khác thuộc OECD. 

Áp lực dồn cả vào một ngày tháng 11, khi kỳ thi vào đại học được tổ chức. Một số bà mẹ tới nhà thờ hoặc đền chùa cầu nguyện cả ngày khi con họ đi thi. Không lực Hàn Quốc thậm chí còn điều chỉnh lịch trình bay của mình để các em không bị xáo trộn. 

Mục tiêu cuối cùng của hầu hết các sinh viên là được vào một trong các trường được gọi là SKY - trường Đại học quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc hay Đại học Yonsei, bởi vì có được tấm bằng của các trường này có nghĩa là sẽ dễ kiếm việc làm tốt và thành công cả đời. 

Nhưng Kaist thì khác. Trường này không quan tâm đến kỳ thi toàn quốc và chỉ tuyển khoảng 1.000 học sinh mỗi năm. Phỏng vấn cá nhân, bảng điểm trung học và thư giới thiệu của các hiệu trưởng là những yếu tố quyết định chủ chốt.

Sinh viên Kaist không những tài giỏi mà họ còn được xem là các nhà lãnh đạo tương lai của nền kinh tế đất nước. Do vậy, một khi được vào Kaist, họ trở thành kho báu của đất nước. Do vậy, nhiều sinh viên cảm thấy áp lực khổng lồ khi phải sống trong sự mong đợi của người khác. 

Áp lực ấy là quá lớn đối với một số sinh viên, đặc biệt là những "siêu sao". "Họ luôn là số 1 ở trường trung học. Nhưng một khi họ vào học ở Kaist, có thể họ chỉ xếp thứ 40, thậm chí thứ 400 và họ nhận ra mình không thể cạnh tranh được", trích nhận xét của Oh Kyung-ja, một giáo sư tâm lý ở trường Đại học Yonsei. "Cuộc cạnh tranh có thể rất khốc liệt". 

Suh Nam-pyo, chủ tịch Kaist từ năm 2006, đã thực thi nhiều thay đổi nhằm xây dựng Kaist theo mô hình MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) của Mỹ và các trường đại học hàng đầu thế giới khác. Chẳng hạn, ông quy định mọi lớp học đều phải dạy bằng tiếng Anh. Điều này gây áp lực kinh khủng bởi vì không phải tất cả các sinh viên và giảng viên trong trường ai đều thông thạo tiếng Anh. 

Ông Suh còn xây dựng một hệ thống yêu cầu sinh viên phải trả thêm tiền học phí nếu điểm số trung bình của họ tụt giảm. Chương trình này, lúc đầu được hoan nghênh, đã khiến nhiều sinh viên bị bẽ mặt và lo lắng. Nhiều người bị điểm kém cảm thấy mình như kẻ thua cuộc.

Một số người phê bình cho rằng, chính sách này chính là thủ phạm của những vụ tự tử vừa qua. Hứng chịu chỉ trích, ông Suh đã hủy bỏ phần lớn kế hoạch về học phí và trường Kaist thông báo một số lớp học sẽ được dạy bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc. 

Thanh Hảo (Theo NY Times)