Trong tuyên bố hôm 5/1, Nhà Trắng cho biết sẽ chuyển giao 50 xe chiến đấu bọc thép Bradley cho Ukraine. Tương tự, Đức dự định viện trợ 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và Pháp sẽ cung cấp các xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC cho quốc gia Đông Âu.

Xe chiến đấu bọc thép Bradley do Mỹ sản xuất. Ảnh: military.com

Những phương tiện trên không phải là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mà Kiev tiếp tục yêu cầu. Dẫu vậy, chúng cũng là các bổ sung quan trọng cho bất kỳ kho vũ khí nào.

Thực tế, các xe trinh sát bọc thép cũng như các xe bộ binh ít bọc thép và nhỏ hơn như vậy được thiết kế để phối hợp chiến đấu với MBT. Theo trang National Interest, mặc dù không sở hữu sức mạnh của MBT nhưng các vũ khí trang bị cho chúng được tin đủ khả năng tiêu diệt xe tăng Nga trên chiến trường, giống như các xe Bradley của Mỹ từng làm trong Chiến tranh Vùng Vịnh.

Giới quan sát nhận định, động thái mới của Mỹ, Đức và Pháp đánh dấu sự thay đổi trong cách NATO trang bị vũ khí cho Ukraine. Trước đây, các nước thành viên liên minh quân sự này từng gửi cho Kiev các khí tài có từ thời Liên Xô trong kho dự trữ của những quốc gia thuộc Khối Warsaw cũ, cùng với các tên lửa và hệ thống pháo binh của NATO.

Phương Tây hy vọng các khí tài mới sẽ cung cấp cho Kiev khả năng tiến hành một số cuộc phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực đã rơi vào tay quân Nga.

Những người ủng hộ cũng lập luận rằng, việc cung cấp 3 hệ thống khí tài khác nhau có thể tăng cường khả năng phục hồi cho các lực lượng Kiev. Ví dụ, nếu một nước NATO quyết định không thể tiếp tục hỗ trợ hoặc gửi bổ sung mẫu xe thiết giáp của họ, Ukraine sẽ vẫn nhận được nguồn cung từ 2 nước còn lại.

Các nước đồng minh nhỏ hơn cũng có nhiều lựa chọn hơn trong việc trợ giúp Kiev, kể cả chuyển giao đạn dược chuyên dụng cho một trong số chúng.

Mặc dù việc chuyển sang dùng các hệ thống vũ khí của phương Tây sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Kiev vào các nhà cung cấp vũ khí ngoài khối, nhưng giới phân tích cũng chỉ ra rằng điều đó có thể gây ra một số bất lợi.

Trước hết, 3 mẫu xe bọc thép khác nhau đòi hỏi các điều kiện hậu cần, từ việc sử dụng các tên lửa chống tăng, quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, kỹ năng vận hành tới các chuỗi cung ứng đạn dược, khác nhau và rất khác biệt so với những loại các binh sĩ Ukraine quen dùng lâu nay.

Hiện khó có khả năng quân đội Ukraine sẽ kết hợp 3 phương tiện thiết giáp mới vào cùng một đơn vị, nhưng chúng có thể được triển khai trong cùng một khu vực. Điều này có thể gây căng thẳng cho mạng lưới hậu cần của quân đội Ukraine.

Các chuyên gia giải thích, từ quan điểm hậu cần, thông thường, cách tốt nhất là hạn chế sự khác biệt của các hệ thống vũ khí hoặc phương tiện ở mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tối đa hóa hiệu quả hậu cần và giảm cơ hội thất bại.

Từ quan điểm chiến lược quân sự, việc theo dõi sự khác biệt về tính năng và các yêu cầu trên 3 nền tảng nhằm đạt được khả năng hoạt động giống nhau sẽ tạo ra gánh nặng quá mức về nhận thức và lập kế hoạch đối với người tham chiến, do đó có thể làm giảm tác dụng của việc triển khai các khí tài mới.

Giới quan sát vẫn đang chờ xem các xe bọc thép mới của phương Tây sẽ phát huy hiệu quả như thế nào trên thực địa và có đủ sức giúp Ukraine “thay đổi cuộc chơi” trong xung đột với Nga hay không.