Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những chỉ tiêu được đặt ra là 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học theo quy định.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết lo âu là một rối loạn tâm thần phổ biến ở trẻ em và vị thành niên.
Khi tiếp nhận bệnh nhi, thầy thuốc sẽ thăm khám về các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của lo âu đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Ngoài ra trẻ sẽ được làm một số bài trắc nghiệm tâm lý cần thiết bởi nhà tâm lý.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu một số cận lâm sàng để loại trừ một số chẩn đoán phân biệt hoặc nguyên nhân gây một số triệu chứng giống lo âu như: bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý tiêu hóa, dùng chất kích thích,…
Các bác sĩ lưu ý rằng rối loạn lo âu chủ yếu bắt đầu trong những năm thiếu niên. Triệu chứng lo âu ở trẻ nhỏ không điển hình như ở người lớn và dễ bị bỏ sót. Đôi khi lo âu ở trẻ nhỏ biểu hiện bằng các triệu chứng đau dai dẳng như đau đầu, đau bụng, đau ngực… Do vậy, nếu trẻ có các triệu chứng lo âu, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần nhi.
"Nếu không được điều trị, chứng rối loạn lo âu có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài và có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành", các bác sĩ cảnh báo.
Hậu quả gì sẽ xảy ra nếu trẻ bị căng thẳng?
Không chỉ người lớn, ngày nay không ít trẻ vị thành niên cũng được chẩn đoán mắc các chứng rối loạn lo âu, căng thẳng, stress, thậm chí trầm cảm. Học sinh từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, đặc biệt là trước các kỳ thi, áp lực học tập về điểm số, thành tích từ bản thân, gia đình, nhà trường... khiến trẻ căng thẳng.
Trong ngắn hạn, sự căng thẳng sẽ khiến suy nghĩ của trẻ trở nên lộn xộn; trẻ khó giao tiếp với những người xung quanh. Cùng đó, khả năng ghi nhớ của trẻ bị giảm sút, khó tập trung trong học tập.
Khi đó, về lâu dài, căng thẳng có thể khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc hoặc ngủ quá nhiều. Trẻ có khả năng bị đau mạn tính như: đau đầu, đau bụng, đau cơ. Trẻ cũng có thể bị rối loạn cảm xúc, có những cơn giận dữ quá mức hay dễ dàng khó chịu, tâm trạng thất thường và khó hòa đồng chơi cùng mọi người.
Ở trẻ vị thành niên, trầm cảm ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.
Điều trị rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên
Trị liệu tâm lý bằng liệu pháp nhận thức hành vi và các thuốc chống trầm cảm - giải lo âu được khuyến cáo dùng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần có sự giám sát khi trẻ dùng thuốc. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến khám định kì theo hẹn để bác sĩ đánh giá tác dụng của thuốc.
"Kết hợp hai phương pháp trên mang lại hiệu quả tốt cho những trường hợp lo âu nặng", các thầy thuốc khuyến cáo. Việc trẻ cải thiện tốt tình trạng lo âu nhờ việc phát hiện, can thiệp sớm, hỗ trợ của người chăm sóc và sự đồng hành của nhà chuyên môn.
Một số hoạt động điều chỉnh lối sống giúp ích cho cải thiện lo âu có thể thực hiện như:
- Hoạt động thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày;
- Ăn uống đúng giờ, đủ chất;
- Không dùng trà, cà phê hay các chất kích thích khác như thuốc lá, bia rượu,..;
- Ngủ đủ giấc, khuyến cáo 8-9 tiếng/ngày;
- Giải quyết vấn đề gây lo lắng;
- Tập yoga, chánh niệm, hoặc thư giãn;
- Tập thở thư giãn 4 thì (hít vào 3 giây, nín thở 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây).