Đóng bỉm cho bé yêu tuy có tốn kém nhưng rất tiện lợi, đặc biệt là vào thời tiết lạnh giá hoặc cho bé đi chơi xa.
Bỉm vệ sinh cho trẻ nhỏ đang ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bà mẹ có thể đóng bỉm cho trẻ từ lúc “lọt lòng” cho đến khi lớn 2 -3 tuổi.
Cách đóng bỉm, tã giấy cho trẻ nhỏ
Nên chọn bỉm theo giới tính và cân nặng của trẻ. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, trong thời gian đầu, khoảng 3 tháng đầu đời của trẻ, mỗi ngày trẻ thường “bĩnh” ra từ 4 - 6 lần, mỗi lần thường ít nhưng vẫn phải thay một bỉm mới cho trẻ, để đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.
Dù bỉm vệ sinh có tiện lợi đến đâu, các bác sỹ cũng cho rằng, tùy theo trường hợp sức khỏe, thể trạng của trẻ mà dùng bỉm. Có những trẻ không thể dùng bỉm vì “cơ địa” không chấp nhận. Cứ mặc bỉm vào là hăm da hoặc mẩn ban đỏ, ngứa ngáy, khó chịu. Còn đa phần, trẻ dùng được các loại từ tã giấy, bỉm dán, bỉm quần…
Thời gian dùng bỉm với trẻ cũng được các bác sỹ nhi khoa cho là không nên quá dày, không nên đóng bỉm 24/24 giờ đối với cả bé trai và bé gái. Với bé gái, các bậc cha mẹ cũng nên biết cách mang bỉm để phù hợp với giới tính của bé. Riêng bé trai, việc mang bỉm có phần “khó khăn” hơn và được cho là phải thận trọng đối với bộ phận sinh dục vì khi đóng bỉm, nhiệt độ phần mông và bẹn sẽ cao hơn, ảnh hưởng không tốt tới tinh hoàn của bé trai. Thậm chí, cả bé trai, bé gái, nếu đóng bỉm kéo dài, nhất là những loại tã, bỉm dày, có thể làm chân bé bị “vòng kiềng”, ảnh hưởng tới dáng đi, thế đứng.
Theo kinh nghiệm và khuyến cáo, khi dùng bỉm cho trẻ các bậc cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nếu dùng tã giấy hoặc bỉm một lần rồi bỏ, tiện lợi, dễ dùng, phù hợp với các bà mẹ bận rộn với công việc và tiện khi đưa bé đi chơi. Dù vậy, có nhược điểm là tốn kém.
- Nếu dùng tã vải truyền thống, tính kinh tế cao và có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, thay vì bỏ đi, các bậc cha mẹ phải chi phí công sức và thời gian, bột giặt để giặt giũ, phơi phóng đúng cách. Loại tã này là một mảnh vải nên khi quấn cho trẻ, phải dùng kim băng để cố định, do vậy nếu không cẩn thận bé có thể bị kim băng châm.
Mùa nóng không nên dùng nhiều bỉm, tã giấy mà nên dùng tã vải. Ảnh minh họa |
- Khi chọn tã, nên chọn loại dễ thấm hút. Loại này thoáng khí, giúp bé không bị ẩm ướt sau mỗi lần tiểu tiện hoặc ra mồ hôi vào mùa hè. Đặc tính thấm hút cao và thoáng khí được thể hiện ở chất liệu làm trên màng đáy mặt ngoài của tã.
- Nên chọn loại tã có băng dính hai bên vừa vặn, dễ cài và dễ điều chỉnh với mọi kích cỡ, tránh để tã quá chặt, nén lên da đùi và da bụng bé. Bạn cũng chú đến phần 2 ống chân của tã. Một số loại tã có thể có 2 ống chân co giãn, chống rò rỉ. Nếu phần co giãn quá chặt cũng gây hằn trên da bé.
- Nên chọn tã, bỉm phù hợp theo mùa. Vào mùa đông, chọn tã giấy, bỉm có độ thấm hút cao, giúp bé không bị lạnh khi tè dầm, đồng thời mang lại cảm giác ấm áp, khô thoáng và dễ chịu hơn cho bé.
Vào mùa hè, trời nóng, dù không tè dầm bé cũng dễ bị ra mồ hôi, do vậy bạn nên chọn loại tã vải cho bé nếu có điều kiện. Hơn nữa, không khí mùa hè thường khô và nóng, rất thuận lợi cho bạn giặt giũ và phơi tã vải. Mùa hè nhiệt độ cao, việc đóng bỉm trong thời gian tương đối lâu có thể ảnh hưởng đến da của bé, đặc biệt là ảnh hưởng đến tinh hoàn của các bé trai.
Lựa chọn theo giá tiền: Trên thị trường hiện có các loại bỉm, tã giấy giá từ 120 -300.000 VNĐ một bịch to. Tính trung bình vào khoảng 3.000 – 3.500/một miếng. Giá bỉm nhập khẩu Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan theo đường xách tay hoặc do các công ty tư nhân nhập về thường có giá 550.000 - 600.000 VNĐ một bịch to. Tính trung bình vào khoảng 6.000/một miếng bỉm. Một số lưu ý: - Loại bỉm có màng đáy thoáng dạng vải, không quá dày, có hai bên vách chống trào mềm mại để không gây vết hằn sẽ thích hợp nhất cho làn da nhạy cảm của trẻ. - Không nên chọn loại bỉm mà phần bên trong tiếp xúc với da trẻ có plastic và polyester. - Chọn bỉm có kích thước phù hợp với cân nặng của trẻ. - Đối với bé gái, nên chọn loại bỉm có độ dày tập trung ở giữa hoặc phía sau. - Loại bỉm có lớp lót phụ thêm ở phía trước phù hợp với các bé trai |
(Theo Viet Q)