2012, lĩnh vực tiền tệ tiếp tục nóng và sức nóng sẽ tiếp tục lan tỏa sang cả 2013. Đầu năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có những chia sẻ cùng VietNamNet, ông nói:

Bao giờ cũng vậy, khi nền kinh tế khó khăn thì ngân hàng trung ương (NHTW) là điểm nóng nhất. Ở Việt Nam, điều này còn trầm trọng hơn. Lý do, NHTW đóng hai vai: vừa là NHTW vừa là thành viên Chính phủ. Tức là vừa nắm giữ tiền để giữ lạm phát nhưng lại phải chỉ ra cách tiêu tiền cho phát triển. Chiếc ghế Thống đốc bao giờ cũng nóng. Điều hành ngân hàng đòi nhiều kiến thức, từng trải, bản lĩnh và cả sự nhạy cảm. Dù quyền hành của NHTW là rất lớn, nhưng nếu quyền đó không dùng đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn.

Những áp lực của 2013

Trải qua 2012 biến động, đâu là thách thức lớn nhất đối với Thống đốc trong điều hành?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: 2012, cùng những bất lợi từ biến động của kinh tế thế giới gây ra thì những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế Việt Nam được dồn tích lại sau nhiều năm qua đã bộc lộ khá rõ. Vì thế, chúng ta đã áp dụng các giải pháp mạnh để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Đương nhiên những hệ lụy từ tác động hai mặt của chính sách nảy sinh như: sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu suy giảm, doanh nghiệp phá sản...

Nói như vậy để thấy, rủi ro, thách thức cho điều hành CSTT của năm 2012 là rất lớn. Những có lẽ thách thức nhất đối với điều hành CSTT của chúng tôi là các kỳ vọng của thị trường vào chính sách này quá lớn và lại luôn đối nghịch nhau.

Ai cũng mong muốn lạm phát phải giảm nhanh về 1 con số, ngược lại ai cũng mong muốn lãi suất phải thấp để DN, người kinh doanh chịu được, nhưng người gửi tiền thì muốn lãi suất cao để có thu nhập. Chống “đô la hóa”, “vàng hóa” thì phải từng bước chuyển dần từ quan hệ vay-gửi sang quan hệ mua-bán, quản lý kinh doanh vàng… nhưng những nhóm lợi ích ở đây sẽ luôn đối trọng và kìm hãm bằng…

Qua một năm, CSTT của NHNN đã góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong đó, mặt bằng lãi suất giảm từ 5-9%năm so với cuối năm 2011. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, lòng tin vào VND và các giải pháp điều hành của NHNN được củng cố, tình trạng đô la hóa từng bước giảm bớt, gia tăng dự trữ ngoại hối. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực, quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD cũng đã có những kết quả bước đầu.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Thống đốc dự báo thế nào về tình hình 2013 để làm cơ sở cho điều hành tiền tệ?

- 2013, nền kinh tế vẫn đối mặt những rủi ro và thách thức như: kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng chưa thật vững chắc, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ quay lại, nợ xấu và hàng tồn kho đang gây ách tắc cho dòng vốn lưu thông, sản xuất kinh doanh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giải quyết công ăn việc làm và các nhu cầu về an sinh xã hội trở thành thách thức lớn, trong nguồn lực lại hạn chế.

Tuy nhiên, tôi tin rằng rằng năm 2013 nền kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mảng sáng hơn. Đương nhiên, hoạt động của hệ thống NH cũng sẽ có nhiều khởi sắc.

Sang 2013, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chặt chẽ và linh hoạt nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong đó, điều hành lãi suất phải phù hợp với diễn biến lạm phát, các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Nếu lạm phát cả năm 2013 kiểm ở mức 6%, thì dự kiến đến cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động khoảng 7%/năm và lãi suất cho vay khoảng 11%/năm.

Trong năm 2013, sẽ tiếp tục cơ cấu lại NH mà trước hết là các TCTD yếu kém. Triển khai Đề án xử lý nợ xấu theo hướng đánh giá lại chính xác tổng mức nợ xấu, tiến hành phân loại các khoản nợ theo khách hàng và đối tượng vay; chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, kiềm chế nợ xấu phát sinh mới.

Các NH đã nhận ra nguy cơ từ nợ xấu nhưng xử lý chậm vì tự họ không đủ sức. Vậy theo Thống đốc, có thể lấy nguồn từ đâu để xử lý?

- Nợ xấu của TCTD cũng chính là nợ xấu của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô bất ổn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng ngàn DN phá sản, trong khi hệ số đi vay nợ NH bình quân của DN đã là gần 2 lần, nhiều DN vay gấp tới 10 lần vốn tự có… Đây là nguyên nhân chính yếu gây ra nợ xấu của TCTD. Bên cạnh đó có những nguyên nhân chủ quan từ phía TCTD như thẩm định còn sơ sài, việc quản trị yếu kém, đạo đức của một bộ phận cán bộ NH.

Đã là nợ xấu của nền kinh tế thì rõ ràng muốn xử lý được nó cũng phải có sự vào cuộc của cả nền kinh tế. Theo nguyên tắc thị trường, trước tiên nợ xấu phải xử lý bằng chính nguồn dự phòng đã trích của TCTD. Nguồn này đến nay khoảng 90 ngàn tỷ về nguyên tắc có thể xử lý được khoảng 60 ngàn tỷ. Thứ 2 các TCTD thanh lý bán tài sản thế chấp (TSTC) hoặc cùng khách hàng thỏa thuận bán TSTC thì nguồn thu về cũng là từ người có nhu cầu mua của nền kinh tế; sau cùng mới dùng nguồn từ NHNN.

Cuối năm 2012, NHNN đã trình Bộ Chính trị và Chính phủ Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD trong đó có Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản. Theo đó, nợ xấu của TCTD sẽ được xử lý thông qua TCTD trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; xử lý tài sản đảm bảo; bán nợ; cơ cấu lại nợ; bán nợ cho Công ty quản lý tài sản… Đồng thời sẽ Chính phủ sẽ có các giải pháp thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, phát triển thị trường bất động sản...nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu của NH.

Đặc biệt, Công ty quản lý tài sản sẽ được thành lập và đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2013 tạo thêm công cụ quan trọng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.


Đối mặt lợi ích nhóm

Tái cơ cấu ngân hàng luôn được đặt ra là một đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng lộ trình này đang diễn biến quá chậm. Ông có thể nói gì về việc này?

- Quá trình đánh giá, phân loại để xác định các TCTD yếu kém mất nhiều thời gian. NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp tái cơ cấu, trong đó ưu tiên các giải pháp tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi ích như TCTD tự củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại dưới hình thức kêu gọi các đối tác mới tham gia hoặc tìm kiếm đối tác để thỏa thuận tự nguyện sáp nhập, hợp nhất… Trường hợp không thực hiện được các giải pháp này, NHNN mới can thiệp để xử lý.

Đến nay, sau tái cơ cấu, các NH đã đi vào hoạt động ổn định và triển khai cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ xấu, quản trị và hoạt động. Năm 2013, dự kiến tiếp tục có một số TCTD được sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện.

Tuy nhiên, việc xử lý các TCTD yếu kém là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Quá trình lên kế hoạch tái cơ cấu của các TCTD đòi hỏi phải có thời gian và phụ thuộc vào năng lực của đối tác tham gia, ý chí của các bên liên quan để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Thậm chí, không loại trừ sự phản ứng, chống đối của các cổ đông lớn… Trong khi đó, hệ thống pháp lý hiện nay cũng chưa điều chỉnh được hết tính đa dạng, phức tạp của thực tiễn, đặc biệt trong điều kiện áp dụng đối với các NH yếu kém, cần phải xử lý khẩn trương để hạn chế tổn thất.

Vì vậy, thực tế triển khai cơ cấu lại các TCTD yếu kém thời gian qua có độ trễ nhất định.

Còn vấn đề sở hữu chéo, được nói nhiều nhưng chưa xử lý được là bao, thưa Thống đốc?

- Luật các TCTD năm 2010 không cho phép các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau; không cho phép các công ty con, công ty liên kết của một TCTD được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó. Tuy nhiên do lịch sử, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác. Do đó, cần phải xử lý kiên quyết vấn đề sở hữu chéo theo lộ trình phù hợp.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này, NHNN xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết. Xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD. NHNN sẽ xác minh nguồn tiền và đánh giá năng lực tài chính của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo nhất là quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để ngăn chặn, tình trạng thao túng, chi phối NH dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan. Giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán.

Năm 2012, vấn đề lợi ích nhóm trong ngân hàng đã nổi lên và trở thành vấn đề nhiều người đặt nghi vấn. Thống đốc nói gì về câu chuyện này?

- Chừng nào mà Việt Nam vẫn chưa trở thành nước phát triển và chưa xử lý triệt để sự cách biệt giàu nghèo thì lúc đó, cuộc chiến lợi ích nhóm vẫn tiếp tục. Khi trở thành nước có thu nhập trung bình, có của ăn, của để, xã hội bắt đầu phân hóa thành nhiều bộ phận khác nhau giữa một bên là có tiền và phần còn lại là thu nhập thấp thì rất khó đồng thuận, rất khó cải cách, lợi ích nhóm sẽ chi phối. Trong hoàn cảnh đó, nếu chính sách đưa ra gây phương hại cho nhóm nào thì họ sẽ đứng lên chiến đấu lại một cách mãnh liệt.

Năm 2012 là năm như thế. NHNN đưa ra chính sách nào, nếu đụng chạm đến lợi ích nhóm là lập tức gặp phải lực cản ngay mà câu chuyện siết lại thị trường vàng là một ví dụ. Chúng tôi biết trước là sẽ bị phản đối quyết liệt nhưng không làm không được. Bởi con đường đã đi thì phải đi, đích đến vẫn phải đến. Sự chống đối của nhóm lợi ích có mặt khắp nơi, từ vận động hành lang chính sách đến các công cụ truyền thông… Nếu không tin tôi thì cứ đi hỏi xem dân nào có đủ tiền đến mức lũng đoạn cả thị trường vàng? Chỉ những người buôn bán vàng đầu cơ mới quen làm mưa, làm gió thị trường, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, bị đụng chạm lợi ích trong lần này thì mới bị thiệt hại thôi.

Hay như câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Khi NHNN bắt đầu triển khai, hỏi bất cứ ai rằng, có muốn hệ thống ngân hàng lành mạnh không, chẳng ai nói là không. Thế nhưng khi động đến những nơi, những chỗ cần phải xử lý thì “rút dây là động rừng”. Lúc đó những “dây mơ, rễ má” của nhóm lợi ích mới lộ hết.

Tôi biết đó là cuộc chiến khủng khiếp và không chỉ của năm nay mà còn dai dằng cả một giai đoạn nữa.

Thống đốc không ‘cô đơn’

Trong năm 2012, cùng trong một tháng, hai lãnh đạo cao cấp đều chia sẻ với ông: “Thống đốc không cô đơn”. Theo ông Bình Đó là sự cảm thông và chia sẻ qua một năm NHNN chống chọi với nhiều nhóm chống đối để thiết lập lại trật tự hệ thống TCTD.

Ông nói: đã có lúc, tôi thấy buồn vì bị những luồng dư luận, tin đồn không chính thống gây ảnh hưởng xấu. Thậm chí, có những người bị đụng chạm trong quá trình NHNN thực hiện tái cấu trúc còn dám bắn tin đến tôi rằng: “Tôi sẽ xử lý ông trước khi ông xử lý tôi”.

Chưa bao giờ ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều luồng dư luận khác nhau như thời gian qua. Nhưng ẩn sâu trong đó là những toan tính chống đối nhằm mục đích tư lợi cho một một bộ phận trong xã hội theo kiểu lợi ích nhóm mà nếu không cảnh giác, sẽ chùn tay và bị chi phối. Nhưng nay, từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ ngành liên quan đều thống nhất với cách làm của NHNN. Tôi nghĩ, đó chính là một trong những động lực để NHNN mạnh dạn triển khai tiếp những bước đi theo lộ trình đề ra và chúng tôi không còn cô đơn nữa.


Lê Khắc