Nhiều trường học hiện nay đã phổ biến, giáo dục học sinh về cách phòng bệnh răng miệng, với các nội dung như: Nguyên nhân gây nên các bệnh răng, miệng; vai trò của việc chăm sóc sức khỏe răng, miệng, tác dụng của việc chải răng và chải răng đúng cách, một số lưu ý khi dùng bàn chải và kem đánh răng, ăn uống thế nào để có hàm răng khỏe, đẹp... Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn chi tiết từng bước chải răng, súc miệng hàng ngày và thực hành chải răng.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng được nêu trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 là 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường.
Bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. Một trong những bệnh học đường phổ biến ở nước ta là bệnh răng miệng.
Theo Hội Răng hàm mặt Việt Nam, hơn 90% dân số nước ta có bệnh về răng miệng. Các tình trạng thường gặp là cao răng, sâu răng, răng lung lay, mất răng, nang răng phá hủy xương hàm…
Hơn 85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa. Về tình trạng sâu răng vĩnh viễn, ở lứa tuổi từ 6-8 có hơn 25% trẻ bị sâu răng, nhóm tuổi từ 9-11 tuổi với 54% trẻ bị sâu răng và mức độ sâu răng cũng nhiều hơn so với nhóm trẻ từ 6-8 tuổi. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương có từ 80-90% trẻ em răng bị lệch lạc, do răng sữa sâu không được điều trị thích hợp; 2/3 số trẻ em từ 6-14 tuổi không bao giờ đi khám răng miệng.
Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng. Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây mất răng, ảnh hưởng sức khỏe. Hơn nữa, ổ nhiễm trùng trong miệng còn là nguyên nhân của các bệnh nội khoa như viêm khớp, viêm cầu thận…
Bệnh sâu răng còn gây nhức răng, ảnh hưởng đến dây thần kinh vùng miệng và tủy răng, có nguy cơ khiến răng bị hỏng hoàn toàn, buộc phải nhổ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Ngoài ra sâu răng còn có tính lây lan sang các răng bên cạnh và ảnh hưởng lâu dài về sau.
Theo các chuyên gia, yếu tố nguy cơ cao nhất liên quan đến sâu răng là đường. Mức tiêu thụ đường ở quốc gia liên quan mật thiết đến sâu răng. Nếu đất nước nào dùng nhiều đường thì tỷ lệ sâu răng rất cao.
Ở Việt Nam, đến nay tiêu thụ hơn 20kg đường/người/năm, tăng 1,5 lần với 10 năm trước đây. Điểm thứ hai là yếu tố vi lượng trong nước uống hàng ngày (chất flour), nếu thiếu thì sẽ không bảo vệ được men răng trước các yếu tố tấn công gây sâu răng.
Bệnh răng miệng ở lứa tuổi đi học (nhất là các bé học cấp tiểu học) đó là do ăn uống và vệ sinh không đúng cách. Thậm chí một số học sinh còn bị sún, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch, khiến quá trình đánh răng không làm sạch được sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này.
Cách phòng tránh bệnh răng miệng tốt nhất cho trẻ em, học sinh, chính là vệ sinh răng miệng sạch sẽ; Thay bàn chải đánh răng 3 tháng 1 lần, đánh răng 3 phút ngay sau khi ăn; Không dùng tăm xỉa răng, thay vào đó dùng chỉ nha khoa.
Trẻ cũng nên hạn chế ăn nhiều đồ ngọt như bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thức ăn đường phố không hợp vệ sinh, thức ăn nước uống quá nóng hoặc quá lạnh; không ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ...
Khi trẻ thay răng, không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng.
Học sinh tuyệt đối tránh xa thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, bởi thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), các nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với người không bao giờ sử dụng.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể góp phần vào sự phát triển của sâu răng do hàm lượng đường cao và độ nhớt của chất lỏng vaping.