Elizabeth Holmes, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp kỹ thuật y sinh học Theranos, từng là một trong những CEO trẻ nhất nước Mỹ. Cô từng được khen ngợi trên các tạp chí kinh doanh như Fortune, Forbes và Bloomberg Businessweek.
Holmes đang chờ xét xử vì thực hiện liên tiếp nhiều phi vụ lừa đảo, lừa gạt bệnh nhân, bác sĩ và những nhà đầu tư với những hứa hẹn về khả năng đến từ công nghệ của Theranos. Danh tiếng của Holmes bị hoen ố đến mức các luật sư của cô vừa nộp đơn yêu cầu được mở rộng nhóm bồi thẩm đoàn, vì Holmes liên tục xuất hiện trên báo.
Ở bất cứ cột mốc nào của Holmes, dù thành công hay thất bại, cô luôn là chủ đề của những cuộc nói chuyện, những cuốn sách bán chạy nhất, một bộ phim tài liệu hoặc một buổi podcast.
Những lời hứa đẹp đẽ và mơ hồ
Holmes là một trong những doanh nhân lừa đảo thông minh và thành công nhất từ trước tới giờ. Cô thành lập Theranos vào năm 2003 khi mới 19 tuổi. Trong hơn 12 năm sau đó, cô đã biến Theranos thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất lịch sử nước Mỹ. Và cô thực hiện điều đó với một ý tưởng khá sáng tạo nhằm thay đổi ngành công nghiệp xét nghiệm máu.
Alizabeth Holmes và sản phẩm của Theranos. Cô luôn xuất hiện với cách ăn mặc như Steve Jobs. Ảnh: NY Post. |
Holmes cho biết công nghệ của Theranos có thể thu thập dữ liệu sức khỏe chỉ với một vài giọt máu. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm Theranos không thể hoàn thiện công nghệ của mình.
Phải tới năm 2015, khi nhà báo John Carreyrou của Wall Street Journal xuất bản cuốn sách “Bad Blood”, những sự dối trá mới bị phơi bày. Cuốn sách này chỉ rõ những hạn chế công nghệ của Theranos, cũng như cách mà Elizabeh Holmes "bán giấc mơ" của mình cho các nhà đầu tư, đối tác và những phóng viên. Đó có lẽ là khả năng đặc biệt nhất của cô.
Lý do Holmes có thể che giấu trò lừa Theranos là cách cô truyền thông điệp. Holmes luôn xây dựng hình ảnh Theranos không phải một công ty chăm sóc sức khỏe, mà là một công ty công nghệ.
Việc liên tục đưa ra những lời hứa mơ hồ, chưa chắc có thể thực hiện là điều mà các công ty công nghệ vẫn thường hay làm. Thật vậy, ở Thung lũng Silicon nói riêng, và của ngành công nghệ nói chung, rất nhiều công ty hứa hẹn các sản phẩm và tính năng tuyệt vời nhưng cuối cùng chỉ đem về sự chậm trễ và im lặng.
Việc này phổ biến đến mức còn có một cụm từ dành cho nó: “vaporware”. Chính Bill Gates và Steve Jobs, những hình mẫu lý tưởng của Holmes, cũng nhiều lần không thực hiện được lời hứa của mình.
Đối với Holmes, những lời chỉ trích về Theranos là bằng chứng cho việc cô đang tiên phong về công nghệ và những người nghi ngờ chỉ đơn giản là không hiểu cô đang làm gì. Khi Wall Street Journal đăng bài viết về Theranos, Holmes trả lời trên CNBC một cách đanh thép.
"Đầu tiên họ nghĩ rằng bạn bị điên, sau đó họ chống lại bạn, và rồi đột nhiên bạn thay đổi thế giới", Elizabeth Holmes cho biết.
Tư tưởng của Holmes thực tế được rất nhiều CEO công nghệ áp dụng.
Theranos của Holmes thực chất là sản phẩm có thể giải quyết được một vấn đề đang tồn tại, trong bối cảnh quá trình xét nghiệm y tế ở Mỹ còn chậm, tốn kém và phức tạp. Việc thu thập các thông tin sức khỏe có giá trị chỉ với một lần chích ngón tay là một sự cải tiến triệt để.
Vào thời điểm mà nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ dường như được xây dựng dựa trên những ý tưởng kinh doanh phù phiếm hoặc tầm thường, Theranos xứng đáng được gắn mác “điều vĩ đại mới”. Đó là trong trường hợp nó thực sự thành công.
John Carreyrou, tác giả cuốn sách Bad Blood. Ảnh: Financial Times. |
Ranh giới mỏng manh giữa một doanh nhân và một kẻ lừa đảo
Những gì Holmes đã làm là khiến nhiều nhà đầu tư và đối tác tin rằng họ sẽ phải hối tiếc nếu không tham gia vào Theranos.
Vào năm 2010 và đầu năm 2011, công ty dược Walgreens muốn hợp tác cung cấp bộ xét nghiệm của Theranos tại các cửa hàng của mình. Theo cuốn "Bad Blood", mặc dù đã được cảnh báo Theranos không thể đưa ra dữ liệu chứng minh tính hiệu quả, người phụ trách thương vụ của Walgreens vẫn quyết định mua sản phẩm của Theranos.
Công ty này không muốn chấp nhận rủi ro rằng nếu bỏ qua thoả thuận, đối thủ của họ sẽ hợp tác với Theranos và họ sẽ bỏ qua một cơ hội ngon ăn.
Nói cách khác, Holmes biết cách tận dụng tâm lý của mọi người qua hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO).
Elizabeth Holmes đã "bán giấc mơ" Theranos tới hơn 10 năm. Ảnh: Drew Kelly. |
Nhà sử học Edward Balleisen trong cuốn sách “Fraud” nhận định văn hóa Mỹ đề cao tham vọng và chấp nhận rủi ro. Ông Balleisen cũng cho rằng tâm lý sự bỏ lỡ này đã nhiều lần bị vận dụng để lừa đảo.
Suy cho cùng, theo MSNBC, những kỹ năng của một kẻ lừa đảo và một doanh nhân đột phá không có nhiều khác biệt. Đó là khả năng làm người khác tin theo mình, thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền để chờ đợi khoản lời lớn trong tương lai, và khiến cho nhân viên tin tưởng vào một kế hoạch xa vời.
Sau khi mọi việc đã vỡ lở, chúng ta có thể nhìn thấy Elizabeth Holmes và Steve Jobs khác nhau như thế nào. Tuy nhiên, khi chưa bị bóc mẽ, khó có thể nhìn thấy sự khác biệt đó.
Tom Wolfe, nhà báo và tiểu thuyết gia nổi tiếng của Mỹ, đã mô tả huyền thoại Bob Noyce, đồng sáng lập Intel, là người tỏa ra “hiệu ứng hào quang”. Nhiều người cũng chỉ ra sự thành công của Steve Jobs đến từ khả năng “bóp méo thực tế” của ông. Họ có thể khiến bạn tin vào những điều tưởng chừng như không thể.
Holmes cũng có thể làm điều đó. Cô hẳn đã nghĩ rằng nếu nói dối đủ lâu, các kỹ sư của Theranos sẽ có thời gian để hiện thực hóa giấc mơ.
“Hãy khoác lên mình vẻ bề ngoài của một doanh nhân, điều đó sẽ dần thành hiện thực”, Phineas Taylor Barnum, một doanh nhân đồng thời là chuyên gia lừa đảo từng chia sẻ. Elizabeth Holmes đã làm đúng một phần, chỉ khác là hiện thực không ủng hộ cô.
Theo Zing/MSNBC
Thỏa thuận thuế lịch sử của G7 đe dọa Amazon, Google
Mỹ, Anh và các nước giàu khác trong nhóm G7 đã đạt thỏa thuận mang tính lịch sử vào hôm 5/6, nhằm thu nhiều tiền thuế hơn từ các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Google.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ở Thung lũng Silicon
Mặc dù có những báo cáo liên tục về việc các công ty lớn rời đi, nhưng Thung lũng Silicon vẫn là trung tâm công nghệ thực sự của thế giới.