Buổi hội thảo có khách mời là cô Tôn Thiện Quỳnh Trâm - Quản lý chất lượng giảng dạy tại VUS Cộng Hoà, có 25 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh; và cô Đinh Thị Thuỳ Trang - Quản lý chất lượng giảng dạy tại cơ sở VUS Hậu Giang với 16 năm kinh nghiệm dạy ngoại ngữ. Sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo “Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến" do VUS tổ chức miễn phí cho đối tượng giáo viên Anh ngữ khối công lập. 

2 phương pháp dạy ngữ pháp hiệu quả

Ngữ pháp vốn được nhiều người nhìn nhận là học phần “khô khan” trong quá trình học tiếng Anh. Hơn nữa, dạy trực tuyến càng khiến việc tương tác của giáo viên và học sinh trở nên hạn chế hơn. Tuy vậy, ngữ pháp lại là nền tảng vững chắc để phát triển các kỹ năng nâng cao và tiếng Anh học thuật. Do đó, làm thế nào để biến lớp học ngữ pháp trở nên sinh động hơn là “bài toán khó” đối với không ít giáo viên.

{keywords}
Có 2 phương pháp để tổ chức giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh cơ bản

Cô Quỳnh Trâm giới thiệu, có 2 phương pháp giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh chính là: Inductive (quy nạp) và Deductive (diễn dịch).

Cụ thể, phương pháp quy nạp là giáo viên dạy từ ví dụ để học sinh hiểu những định nghĩa, quy tắc; đi từ cụ thể đến tổng quát. Ở phương pháp này, người dạy nên sử dụng những phương tiện như: video, hình vẽ, ví dụ… để dẫn nhập vào nội dung chính; và từ đó học sinh sẽ phải suy nghĩ, làm việc để khám phá ra những quy luật ngữ pháp. Với phương pháp này, tính tương tác và tham gia học tập của học sinh sẽ được đẩy lên cao hơn. Việc phải tìm tòi, thảo luận, tham gia hoạt động, tranh luận… sẽ góp phần thúc đẩy tư duy phản biện ở học sinh. Nhờ đó, học sinh sẽ hiểu một cách thấu đáo, sâu sắc hơn những định nghĩa mà mình đã khám phá, đúc kết được.

Còn phương pháp diễn dịch, ngược lại, kiến thức được thuyết trình bởi giáo viên, học sinh là người lĩnh hội. Nội dung giảng dạy đi từ những quy tắc, định nghĩa rồi cụ thể hóa ở ví dụ; từ cái chung đến cái riêng. Cách này phù hợp trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ học tập. Theo cô Trâm, ở phương pháp diễn dịch, học sinh có thể không hiểu sâu bằng phương pháp “Inductive”, nhưng các em có thể học nhanh hơn và nhiều hơn.

Cô Trâm khuyến nghị, “Riêng đối với môi trường trực tuyến, thì phương pháp “Inductive” - quy nạp có nhiều hiệu quả, có thể khơi gợi được sự tương tác và kích thích tính tự học ở học sinh nhiều hơn”.

Những công cụ hỗ trợ tăng tính tương tác cho bài giảng

Ở phần tiếp theo của buổi hội thảo, cô Đinh Thị Thuỳ Trang đã đưa ra hướng dẫn về 5 bước dạy cơ bản một bài giảng về ngữ pháp tiếng Anh. Bước 1 là “Lead in” (dẫn dắt); bước 2 là “Presentation” (giới thiệu chủ điểm ngữ pháp mới); bước 3 là “Practice” (thực hành); bước 4 là “Production & Personalisation” (cá nhân hoá); Bước 5 là “Wrap-up” (tổng kết).

{keywords}
Cô Trang hệ thống lại cấu trúc của một bài giảng ngữ pháp tiếng Anh

Một trong những công cụ hỗ trợ giáo viên đắc lực ở bước “Lead-in” được giới thiệu là wordwall.net. Nền tảng này có thể sử dụng đa dạng tính năng như: tạo trò chơi thẻ game, trò hangman, giải mê cung, vòng xoay ngẫu nhiên, trắc nghiệm, nối từ, đố hình ảnh… Cô Trang lưu ý, người dạy chỉ nên sử dụng bộ từ vựng cũ để giới thiệu các ngữ pháp mới, không kết hợp dạy cả hai cùng lúc, vì học sinh sẽ không thể tiếp thu đầy đủ.

Sau phần “Presentation” (giới thiệu chủ điểm ngữ pháp mới), giáo viên cần biết được học sinh hiểu bài đến đâu, chưa nắm rõ phần nào để bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Chính vì vậy, ở phần “Concept checking” (kiểm tra khả năng hiểu bài của học sinh), cô Trang gợi ý sử dụng những công cụ bổ trợ như classroomscreen.com.

{keywords}
 Cô Trang đưa ra demo cụ thể về những trò chơi tăng tính tương tác với học sinh

Sang đến phần “Practice” (thực hành), các giáo viên có thể sử dụng công cụ trên trang classkick.com. Công cụ này sẽ giúp các thầy cô giám sát được quá trình làm bài tập của học sinh để có thể hỗ trợ ngay lập tức. Điểm mạnh của nền tảng này chính là việc theo dõi từng bước và giải quyết nhanh chóng, kịp thời những trở ngại mà học sinh đang gặp phải.

Ở phần “Production & Personalisation” (cá nhân hoá), các học sinh sẽ áp dụng chủ điểm ngữ pháp vừa được dạy để nói về bản thân mình, hoặc những hoạt động, tình huống tương tự. Cô Thuỳ Trang giới thiệu đến các giáo viên 2 công cụ hỗ trợ là: jamboard.google.com (dành cho học sinh cấp II - III) và padlet.com (dành cho học sinh cấp I).

{keywords}
 Công cụ Padlet được cô Trang giới thiệu cho các giáo viên khối tiểu học

Với phần cuối của buổi học là “Wrap-up” (tổng kết), học sinh thường có dấu hiệu giảm sự chú ý. Vì vậy, các giáo viên nên tạo hoạt động vui nhộn, có tính cạnh tranh để các em lấy lại tinh thần. Cô Thuỳ Trang gợi ý các giáo viên có thể sử dụng ứng dụng giúp học sinh vừa học vừa chơi hiệu quả như Blooket.com.

Buổi hội thảo cuối cùng của chuỗi hội thảo "Tối ưu hóa trải nghiệm dạy học trực tuyến" sẽ diễn ra vào ngày 5/12, với chủ đề “Giáo viên và những vai trò mới thời hậu dịch". Sự kiện có 3 diễn giả là: ông Allen Davenport - Giám đốc Học tập và Phát triển Chuyên nghiệp khu vực Đông Nam Á tại Nhà xuất bản Đại học Cambridge; ông Derek Spafford - nhà đào tạo giáo viên khu vực và cố vấn học tập cho Macmillan Education Asia; Steven Happel - quản lý chuyên môn cấp cao của VUS với hơn 17 năm kinh nghiệm.

Đăng ký tham gia tại: vus.link/WebinarGVT11

Lệ Thanh