- Một thực tế hiện nay, có sinh viên học khá, giỏi thì chỉ tốt nghiệp loại
trung bình và trung bình khá, còn sinh viên học lực trung bình thi rớt lên rớt
xuống thì lại nhận bằng khá, giỏi.
Quy trình xét điểm tốt nghiệp hiện có nhiều bất cập? (Nguồn ảnh: Sinh viên VN) |
Cách xét điểm tổng kết của các năm học ở bậc ĐH, CĐ không còn phù hợp nữa khi mà có đến 70-80% sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng thực tế con số này chưa phản ảnh đúng năng lực của các tân cử nhân.
Tôi làm cơ sở dữ liệu điểm cho một trường đại học nên tôi biết có nhiều sinh viên rớt thi lần một mà vẫn là sinh viên khá, giỏi khi tốt nghiệp , con số này chiếm khoảng từ mười đến hai mươi phần trăm.
Vì đâu có chuyện này, theo tôi là do quy trình xét điểm tốt nghiệp ở bậc ĐH, CĐ là lấy điểm cao nhất trong các lần thi để xét tốt nghiệp.
Tôi lấy ví dụ:
Sinh viên A học khá, và thường xuyên vào thư viện đọc thêm tài liệu nên thi lần một môn Xác suất thống kê được 7 điểm vậy là sinh viên A đậu môn này.
Sinh viên B thi lần một môn Xác suất thống kê được 4 điểm nên bị rớt. Sinh viên B phải thi lại lần hai và lần nay may mắn được 8 điểm vì đề thi lần hai dễ hơn, và có nổ lực học tủ vài chương.
Trong quá trình học, sinh viên A thi đậu lần một rất nhiều môn, vì anh ta biết điểm thi lần một còn là tiêu chí xét học bổng mà nhà nghèo nên phải cố gắng để lên lớp và có học bổng đỡ bớt phần nào cho gánh lo toan bố mẹ.
Còn sinh viên B thì chỉ học tà tà đủ điểm xét lên lớp và anh ta chẳng quan tâm tới số tiền học bổng vì ba má anh ta giàu có. Rớt môn nào thì thi lại môn đó, lần một không qua thì lần hai, lần ba...nhiều lần không được thì luồn lách "cửa trước cửa sau".
Khi xét điểm tốt nghiệp sinh viên B sẽ có điểm trung bình cao hơn sinh viên A, và nhận bằng loại khá, giỏi nhưng trong quá trình học thì lực học sinh viên B không bằng sinh viên A.
Một anh bạn tôi làm ở công ty tư nhân thì than rằng: “Không biết các trường ĐH, CĐ đào tạo như thế nào mà khi phỏng vấn, các sinh viên khá giỏi, hỏi cái gì cũng không biết, nếu biết thì trả lời mập mờ…còn những sinh viên có bằng loại trung bình thì lại biết và làm việc được hơn”
Hôm nay có rất nhiều sinh viên, học sinh có tư tưởng giống như sinh viên B như tôi nêu trong bài vì thế tôi viết bài này và có chút ý kiến nhỏ với các bộ ngành giáo dục, các nhà làm giáo dục là cần thay đổi quy trình và cách tính điểm xét tốt nghiệp cho sinh viên, cử nhân ở bậc ĐH, CĐ như sau:
- Điểm xét tiêu chuẩn để sinh viên đủ tiêu chí tốt nghiệp hay không thì vẫn lấy điểm thi cao nhất trong các lần thi. Chẳng hạn điểm trung bình trong các năm học mà lớn hơn hay bằng năm(>=5) thì sẽ cho tốt nghiệp ra trường.
- Điểm xét tốt nghiệp loại: Xuất sắc->giỏi->khá->Trung bình để ghi vào bằng cấp, bảng điểm thì nên lấy điểm thi lần một.
Nếu chúng ta làm như vậy thì cũng không khó khăn cho ban đào tạo quản lí điểm vì điểm thi bây giờ tất cả đều được lưu trên máy tính và phầm mềm. Khi đó sinh viên sẽ học và thi một cách trung thực để khi tốt nghiệp lấy bằng cấp đúng với năng lực của mình.
- Cao Xuân Hồng Linh