Mỗi khi Edward Lin, một học sinh lớp 7 trường trung học Woodrow Wilson im lặng nhìn chằm chằm xuống chân mình thay vì ngước lên chào khách, giáo viên của cậu lại thúc vào tay để nhắc nhở .


Cái mà mọi người quan tâm không phải là cafe hay bánh ngọt, mà sự tiến bộ của các em trong giao tiếp và nhiều kĩ năng khác nữa... (Nguồn: N Y Times)
Edward là một học sinh trong lớp đặc biệt dành cho trẻ mắc chứng tự kỉ hoặc gặp khó khăn trong học tập vì các chứng bệnh bẩm sinh. Các em chịu trách nhiệm quản lý quán cafe vào mỗi sáng thứ 6.

Từ tháng 10, Edward và 11 người bạn cùng lớp đã kiếm được hơn 1.000 USD nhờ bán cafe, trà và các loại bánh kẹo cho học sinh, nhân viên, cán bộ trong trường.

Các em thay nhau làm các công việc trong tiệm. Em ở quầy thanh toán có thể luyện các phép toán khi tính tiền lẻ. Em giao cafe thì học cách định vị trường học.

Mở tiệm cafe do các em tự kỉ quản lý là ý tưởng của thầy Thomas Macchiaverna, 26 tuổi.

Theo thầy, ngoài các giờ học trên lớp, đây là một cách để giúp các em hình thành các kĩ năng giao tiếp xã hội, kĩ năng sống và sự nhạy bén trong kinh doanh.

“Mục đích chính là để giúp các em trở thành những thành viên thực sự của xã hội. Đây là cách hoàn toàn khác với chương trình giáo dục chuẩn” thầy  Thomas nói
Lợi nhuận thu được từ các quán cafe trường học này sẽ dùng cho các buổi đi chơi, dã ngoại của lớp, hay tổ chức bữa tiệc trong ngày lễ tạ ơn, vì quận Edison đã cắt bỏ tiền trợ cấp cho các buổi dã ngoại dành cho học sinh.

Nhiều trường học ở bang New Jersey, Mỹ đang tìm cách mở rộng chương trình giáo dục đặc biệt, ngoài các giờ học trên lớp, nhằm giúp các em mắc chứng tự kỉ và thiểu năng hòa nhập với cộng đồng. Một số em trước đó đã phải gửi đến các chương trình đặc biệt, với chi phí điều trị đắt đỏ.  

Ở trường trung học Northern Burlington Regional, Columbus, các em thuộc chương trình giáo dục đặc biệt còn tự quản lý các trang bán hàng tự động trên mạng, mở dịch vụ rửa xe cho giáo viên và phụ huynh của các bạn trong trường.

Còn các em ở trường Southern Regional, Manahawkin thì mở quán kem và cung cấp dịch vụ làm vườn, trồng cây, rau để bán.

Trong 3 năm, các em đã  kiếm được 10.000 USD để ủng hộ các hoạt động của trường.

Không phải các hoạt động này đều suôn sẻ từ đầu đến cuối.

Ngày đầu tiên, các em có thể  làm hỏng máy móc, không có cafe để bán. Khách hàng có thể phàn nàn về cafe mà các em pha, hay các em tự đổ nước nóng lên chân mình, mặc dù đã có giáo viên đứng bên cạnh giám sát.

Nhưng vượt qua được những ngày đầu khó khăn ấy, thì mọi chuyện cũng trở nên suôn sẻ.

Các em dần thấy thoải mái và hứng thú với công việc. Mọi người hài lòng với sản phẩm mà các em bán.

Rõ ràng, cái mà mọi người quan tâm không phải là cafe hay bánh ngọt, mà sự tiến bộ của các em trong giao tiếp và nhiều kĩ năng khác nữa...

Lưu Ly (Theo NY Times)