Có sang châu Âu vào mùa đông mới thấy sự khắc nghiệt của thời tiết. Phố xá phủ những lớp tuyết dày, và trong những hạt mưa băng giá vẫn có rất nhiều người bám phố nhọc nhằn mưu sinh: Có một châu Âu rất khác so với tưởng tượng về châu Âu giàu có, xa hoa mà người ta vẫn nghĩ...

Trông mình, ngó tới người ta

Gần tết, Hà Nội lạnh cắt da. Đêm đến, trên phố vẫn bắt gặp những người còng queo ngủ trong tiết trời giá lạnh, ấm áp hơn thì "xí chỗ" của mấy cái máy rút tiền qua đêm. Nhưng sẽ không là gì nếu so với cảnh màn trời chiếu đất ở xứ lạnh châu Âu. Cứ tưởng sang trời Tây sẽ không bắt gặp những cảnh này, nhưng nó hiện hữu ngay trên cả đường phố Paris hoa lệ. Một vài người già run rẩy đẩy chiếc xe lỉnh kỉnh chăn màn, đồ đạc mà người Pháp gọi là "sans logement", nôm na là vô gia cư. Còn trên đại lộ Chams Elyseés cũng đầy người mưu sinh với rất nhiều thứ nghề phổ biến ở ta như ăn xin, trình tấu âm nhạc đường phố... chỉ có điều ăn xin theo cách "văn minh hơn".

Người Hà Nội từng một thời gian "choáng" với mánh khóe của anh chàng làm cho cái chân của mình không bao giờ lành lặn, lúc nào cũng bốc mùi trong bộ dạng rách rưới để kiếm tiền. Tuyệt nhiên ở tây không có chuyện cái bang dơ dáy và bốc mùi. Không nghề nghiệp, không nơi nương tựa, những người hành khất vẫn sạch sẽ và đàng hoàng. Dù vẫn có những "chiêu thức" kêu gọi tình thương, nhưng không hề nhếch nhác và hôi hám cố tình như một số "cái bang" chuyên nghiệp xứ mình.

Nhiều lần đi dạo Paris trong những đêm đông, tôi thường thấy một cô gái mặc bộ đồ đen, khăn quấn kín mặt, quỳ phủ phục trên vỉa hè của Chams Elyseés. Cô gái quỳ như bất động, tay cầm một chiếc cốc nhựa để ai thương cảm thì thả một vài xu vào đó. Lặng lẽ đứng quan sát, lâu lâu mới thấy cô gái ngẩng lên. Gần như cái kiểu quỳ giữa đường kia đã thay một lời cảm ơn những người tốt bụng. Cứ thế, họ lẫn trong cái lạnh và dòng người qua lại, không níu kéo, không than vãn, không chìa những cái cốc hay bàn tay cáu bẩn trước mặt người qua lại hay trước mặt thực khách ở các quán ăn như ở xứ mình...

Dường như ở châu Âu, từ Pháp, Đức, Ý, Barcelone... những nơi mà tôi đã đi qua đều thấy những người ăn xin câm lặng và sạch sẽ. Họ "rải đều" ở các nhà thờ, những khu phố sầm uất hay những phố đi bộ nổi tiếng, có chung một "thủ pháp": Phụ nữ thì phủ phục, câm lặng; những người đàn ông thì ngủ vùi trong cái lạnh, hoặc lặng lẽ như cam chịu trong tất bật người qua lại. Đáng chú ý là bên cạnh những người đàn ông ăn xin, đa phần có các chú chó túc trực và luẩn quẩn bên cạnh với một vẻ trung thành đáng thương.

Bên cạnh những người đàn ông ăn xin, đa phần có các chú chó túc trực và luẩn quẩn bên cạnh với vẻ đáng thương.

Chó ăn xin thay chủ

Năm con rắn mà nói chuyện chó thì có vẻ "kỳ kỳ", nhưng nhắc đến nghề ăn xin ở trời tây thì chắc chắn không thể gạt hình ảnh chó ra khỏi lề câu chuyện.

Người Pháp nói riêng và người châu Âu nói chung rất yêu mến các con vật nuôi, nhất là chó. Ở Pháp, chó luôn là những người bạn trung thành. Cá biệt có những thành phố như Vichy, nơi nổi tiếng với dòng nước khoáng nóng tinh khiết và sản phẩm mỹ phẩm, ở đây người ta gọi đùa là... thành phố của chó và người già. Ở đây, thanh niên trưởng thành phần lớn đều đi làm ở thành phố lớn khác, còn người già ở thành phố khác khi về hưu thì rất thích tìm đến để sinh sống. Gần như nhà nào cũng nuôi chó, thậm chí có nhà nuôi đến vài ba con. Chó trở thành những người bạn thực sự của những người cao tuổi. Có một thời, thành phố này quá nhiều phân chó, đến nỗi chính quyền phải ra cả một nghị quyết về câu chuyện làm sạch và quản lý "bom". Tất nhiên cư dân ở đây thì không hề thấy phiền toái.

Người dân chăm nuôi cho các chú cún một cách cẩn trong và cầu kỳ. Mọi hành vi bạo hành với chó, không cẩn thận có thể bị ra tòa với những hình phạt rất nặng. Thế nên mới có chuyện thấy những con chó "cơ hàn" thì người ta rất dễ mủi lòng. Tưởng như nghịch lý và "phản nhân văn", nhưng đôi lúc người ta mó hầu bao vì thương... chó hơn là vì thương người. Vậy nên mới thấy ăn mày châu Âu thường xuất hiện với những chú chó bên cạnh. Mà chỉ là những người đàn ông "cái bang" chứ tuyệt nhiên chẳng bao giờ thấy hình ảnh một phụ nữ và con chó ăn xin trên phố. Đấy là một điều rất lạ lùng như một mặc định của "cái bang châu Âu".

Có những con chó được rèn luyện đến độ thành thục, được rèn "nghiệp vụ" ăn xin. Có những con chó "ăn xin" thay chủ, đứng cạnh ống bơ hay cái mũ đựng tiền, ánh mắt như van lơn, còn cái đuôi thì ve vẩy "nịnh nọt", trong một bộ dạng hết sức đáng thương. Có chú thì ngồi bất động bên chiếc ống bơ. Có con thì nằm mở to mắt cạnh ông chủ ngủ vùi trong cái lạnh thấu xương bên hè phố châu Âu. Không có những chú chó, chắc chắn những người ăn xin có thể đói dài dài...

Sẽ còn câu chuyện người hát rong...

Tạo nên một nét văn hóa đường phố chỉ là một phần, còn mưu sinh mới là mục đích chính của những ban nhạc đường phố có thể gặp bất kỳ nơi nào ở trời tây. Chơi nhạc kiếm sống xuất hiện khắp nơi. Từ một người với cây guitar hay cây vĩ cầm trên tàu điện; hay là một ban nhạc với đầy đủ bộ gõ, bộ dây, bộ hơi trên đường phố. Nhưng chắc chắn một điều họ là những nghệ sĩ thực thụ. Họ chơi nhạc kiếm sống, nhưng là chơi một cách bài bản và điêu luyện. Nhìn cách họ chơi nhạc, người ta thấy một đam mê thoát ra một cách cống hiến từ các thanh âm. Gần như họ ít chơi nhạc thị trường như ở ta mà thướng là những bản nhạc bất hủ của các thiên tài âm nhạc. Không cần vào nhà hát, bạn cũng có thể nghe Betthoven, Mozart, Chopin... hay các bản nhạc phim nổi tiếng ngay trên đường phố. Đương nhiên, chỉ cần thả mấy euro lẻ, bạn cũng có thể yêu cầu một bản nhạc mà mình thích, tất nhiên bản nhạc đó phải nổi tiếng, của các nhà soạn nhạc lừng danh.

Nhạc cụ trình tấu và cách chơi nhạc lạ lùng cũng là điều cuốn hút của các nghệ sĩ đường phố. Đến đồi Montmartre, ban sẽ thấy những thanh âm xa cũ từ một loại máy hát thủ công. Ở đấy người "chơi nhạc" quay tay đều đặn trên các bản nhạc đục lỗ từ giấy carton cứng; vòng quay đến đâu, tấm bìa chạy đến đấy và phát ra tiếng nhạc từ chiếc loa đồng. Ai cũng thích thú với những thanh âm tiền thân của chiếc máy hát hiện đại sau này. Sau mỗi bản nhạc ngắn, tiền xu lại rổn rảng trong chiếc mũ đặt cạnh chiếc máy hát từ thời... "ơ kìa" của nước Pháp.

Đến thành Milan của nước Ý, du khách lại ngỡ ngàng trước một loại nhạc cụ lần đầu được nghe và được thấy trong đời, giống như hai chiếc chảo đồng dày úp lại với nhau, bề mặt phía trên nhẵn, có các vết lõm gần như để tạo ra các nốt nhạc. Trông xa xa, loại nhạc cụ này như mô hình một chiếc đĩa bay thu nhỏ. Trò chuyện với nghệ sĩ đường phố này, anh cho hay tên nhạc cụ là Hang Drum, một dạng trống bằng kim loại hỗn hợp. Khi xoay nhẹ và gõ vào thành trống sẽ phát ra những âm thanh, có đầy đủ các nốt nhạc, thang âm theo ý muốn. Anh chơi Hang Drum và bán luôn các sản phẩm âm nhạc của mình là những chiếc đĩa CD thu âm các bản nhạc từ Hang Drum, mỗi chiếc đĩa giá 10 Euro.

Tôi chợt nhớ đến một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có tên gọi "Xin làm người hát rong". Những người du ca, những người ăn xin gần như là một gam màu điểm xuyết không thể thiếu trong một bức tranh đời khốn khó mà ở đâu cũng có. Nhưng ở trời Tây, những người sống nhờ đường phố cũng có văn hóa và "đẳng cấp riêng", là sự đàng hoàng, không xảo trá hay mánh khóe.

Trần Ngọc Hà

(Theo PLVN Xuân Quý Tỵ)