Việc các nền kinh tế thị trường mới nổi và phát triển phối hợp với nhau để thay đổi một số quy định kinh tế quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Và Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế quốc tế. Vậy bản chất sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình cải cách quốc tế như thế nào? Trung Quốc muốn gì?

Hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay, ra đời từ giữa những năm 1940, có ba đặc điểm chính. Thứ nhất, Mỹ là nước đi đầu lập ra và thực thi các quy định kinh tế quốc tế. Thứ hai, đồng đôla Mỹ (USD) là hòn đá tảng của hệ thống tiền tệ quốc tế, cả trước và sau khi sụp đổ hệ thống Bretton Woods. Và cuối cùng, ba tổ chức quốc tế - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - chịu trách nhiệm duy trì trật tự kinh tế quốc tế.

Trong hơn một nửa thế kỷ, hệ thống này đã tạo điều kiện cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, gần đây có ngày càng nhiều lời kêu gọi cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Đặc biệt hai sự kiện quan trọng đã củng cố thêm các đề nghị này.

Đầu tiên là uy thế của các nền kinh tế thị trường mới nổi, đương nhiên muốn một vài trong số họ được chuyển từ vị trí ngoài rìa vào khu vực trung tâm hoạch định kinh tế quốc tế. Thứ hai là cuộc khủng hoảng sub-prime tại Mỹ, sự kiện làm dấy lên các câu hỏi nghiêm túc về vai trò quốc tế của Mỹ và đồng USD trong tương lai.

Hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay chủ yếu theo khuôn mẫu các hệ thống kinh tế của các nước công nghiệp hóa, đặc biệt là Mỹ. Nó thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư tự do, các thị trường tự do và nguyên tắc thị trường nghiêm ngặt. Nhưng cuộc khủng hoảng sub-prime mới nhất cho thấy một số vấn đề của hệ thống Mỹ. Do vậy, các chuyên gia kinh tế đã đặt ra các nghi vấn về tính hiệu quả của chính sách tiền tệ, các quy định tài chính và hệ thống dự trữ quốc tế. Dù người ta không dự đoán giống nhau về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng có một sự nhất trí chung là hệ thống này cần phải thích nghi để phù hợp với các điều kiện kinh tế và thị trường toàn cầu.

Trên thực tế, nền kinh tế thế giới ngày nay rất khác so với cách đây hơn 60 năm, khi hệ thống hiện nay mới được thành lập.

Khi gần kết thúc Chiến tranh Thế giới II, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đã sụp đổ và phải hứng chịu các vấn đề đói nghèo lan rộng và nghiêm trọng. Họ được các tổ chức quốc tế và các nước công nghiệp hóa hỗ trợ về tài chính và tư vấn về chính sách nhằm giảm nghèo đói và phát triển kinh tế. Họ đóng góp rất ít vào quá trình lập ra và thực thi các quy định kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên ngày nay, các nền kinh tế thị trường mới nổi đã trở thành những người chơi quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn một nửa là các nền kinh tế thị trường mới nổi. Ví dụ nhóm 5 nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chiếm 42% dân số thế giới và 18% GDP toàn cầu. Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi đã bắt đầu đòi xác nhận tầm ảnh hưởng của mình trong các vấn đề kinh tế quốc tế thông qua tiến trình Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20).

Việc các nền kinh tế thị trường mới nổi và phát triển phối hợp với nhau để thay đổi một số quy định kinh tế quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi hệ thống kinh tế quốc tế. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo cách tính GDP dựa trên thị trường và có thể vượt Mỹ vào năm 2013 theo cách tính GDP dựa trên sức mua. Các ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế quốc tế gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt trong các thị trường quốc tế về hàng công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công, nguyên liệu đầu vào, đồ gia dụng và trao đổi ngoại hối.

Bài viết này tập trung vào câu hỏi chính là bản chất sự tham gia của Trung Quốc vào quá trình cải cách quốc tế. Một câu hỏi quan trọng là: Trung Quốc muốn gì? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi này dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của minh về vị trí của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề quan trọng, trong đó có sự biến đổi quản lý quốc tế, sự tái cấu trúc các tổ chức quốc tế, và cuộc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

Thay đổi trật tự kinh tế quốc tế: Cải cách hay cách mạng?

minh họa: articlesweb.org

"Khiêm tốn" trong các vấn đề quốc tế là một chiến lược quan trọng mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đưa ra. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, đã xuất hiện nhiều cách hiểu khác nhau về chiến lược này. Một số người coi đây là một thay đổi lịch sử về chính sách đối ngoại, từ đối đầu sang hợp tác trong các vấn đề quốc tế, song song với chuyển đổi về chính sách đối nội từ đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế vào năm 1978. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng đây là một cách tranh thủ thời gian để phát triển kinh tế.

Tháng 10/2007, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi "nhân dân tất cả các nước cùng nắm tay cố gắng xây dựng một thế giới hài hòa, trong đó duy trì hòa bình và thịnh vượng chung". Lời kêu gọi này rõ ràng gợi ý rằng hợp tác là một chiến lược chính sách lâu dài đối với Trung Quốc.

Tháng 12/2010, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã công bố một bài viết nêu chi tiết hơn các quan điểm chính sách lâu dài của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, ông bác bỏ lời đồn rằng Trung Quốc có thể muốn tìm kiếm vai trò bá chủ sau khi trở thành nước công nghiệp hóa. Nói cách khác, Trung Quốc muốn làm việc trong khuôn khổ hiện nay. Nguyên tắc này nên được áp dụng cho cả lĩnh vực chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên vấn đề là, như nhiều chuyên gia quốc tế đã quan sát thấy, Trung Quốc không nói rõ quan điểm chính thức của mình về điều mà họ kỳ vọng hoặc mong muốn từ các cải cách hệ thống kinh tế quốc tế. Duy chỉ có Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBC) Chu Hiểu Xuyên đã đề xuất thay đổi quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF đầu năm 2009. Tuy nhiên, ngay cả đề xuất này cũng được nhiều người xem là một thăm dò mang tính học thuật hơn là một khuyến cáo cụ thể về chính sách.

Việc Trung Quốc thiếu cái nhìn về hệ thống kinh tế quốc tế tương lai tạo ra những bất chắc cho quá trình cải cách. Một nhóm tác nhân có thể giải thích cho việc này. Chiến lược chính sách mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thông qua trong cuộc cải cách kinh tế của nước này là cái gọi là "dò đá qua sông".

Sau thất bại lớn của hệ thống kế hoạch tập trung trong thời kỳ tiền cải cách, các nhà hoạch định chính sách này có lẽ không bao giờ đặt nhiều niềm tin vào một "kế hoạch" nữa. Vả lại, các hệ thống kinh tế không phải là những cơ thể sinh học hoặc cơ học. Các nhà cải cách phải thường xuyên thay đổi chiến lược chính sách của mình, thích nghi với các môi trường kinh tế mới. Chính phủ Trung Quốc không có một kế hoạch chi tiết khi họ bắt đầu cải cách kinh tế cuối những năm 1970, và nếu nhìn vào thành công sau này của các cuộc cải cách đó thì thấy chiến lược chính sách tối ưu có lẽ là không chọn kế hoạch nào.

Quan trọng hơn, khi Trung Quốc là một cường quốc mới trong nền kinh tế toàn cầu, vấn đề cải cách hệ thống kinh tế quốc tế là một chủ đề mới đối với các học giả và quan chức Trung Quốc. Mới đây, có một số cuộc cải cách bên trong Trung Quốc về định hướng tương lai của hệ thống kinh tế quốc tế. Một số người cho rằng duy trì nguyên trạng là có lợi nhất cho Trung Quốc trong khi (một số ít) những người khác tin rằng giờ là lúc để Trung Quốc thay đổi luật lệ cho thế giới.

Vì những ý kiến khác biệt trong lòng Trung Quốc như vậy, có lẽ sẽ cần thời gian để các lãnh đạo nước này đánh giá tình hình và đưa ra các quan điểm chính thức. Một diễn biến đáng lo ngại - bên cạnh sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế toàn cầu - đó là tình cảm dân tộc ngày càng lớn nổi lên bên cạnh những thành quả đáng kể về kinh tế vĩ mô của nước này trong cuộc khủng hoảng sub-prime.

Một số học giả đã bắt đầu gợi ý rằng Trung Quốc nên nói không với Mỹ. Khuyến cáo này bản thân nó có thể không trở thành một vấn đề lớn. Nhưng suy nghĩ cơ bản là Trung Quốc thường bị hăm dọa bởi sự bá chủ của Mỹ trong nửa thế kỷ qua, và giờ là lúc họ đập lại. Suy nghĩ này đáng lo ngại vì nó ủng hộ sự đối đầu trong các quan hệ kinh tế quốc tế.

Bài phát biểu về chính sách khá đúng lúc của ông Đới Bỉnh Quốc (năm 2010) nói trên rõ ràng bác bỏ lập luận rằng Trung Quốc giờ đây nên thách thức sự tồn tại của các cường quốc. Trên thực tế, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc thừa nhận rằng nước này đang hưởng lợi chính từ hệ thống kinh tế quốc tế hiện nay. Nếu không có môi trường mở cửa và tạo thuận lợi cho bên ngoài, Trung Quốc sẽ không thể đạt tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 30 năm qua.

Lời khuyên chính sách từ IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã giúp Trung Quốc tránh một số lỗi lớn về chính sách. Sự tiếp nối một số đặc điểm quan trọng của hệ thống hiện nay, trong đó có tự do thương mại và tự do dòng luân chuyển vốn, đều nằm trong lợi ích lớn nhất của cả Trung Quốc và thế giới.

Không ngạc nhiên khi xảy ra một số căng thẳng giữa Trung Quốc và các cường quốc hiện nay về kinh tế quốc tế. Dạng căng thẳng đầu tiên liên quan đến cuộc xung đột tiềm ẩn giữa các cường quốc đã xác lập và các cường quốc mới nổi. Vì Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một hoặc hai thập kỷ tới, nên bên nào cũng nghi ngờ về ý định của nhau. Đặc biệt, sự chuyển giao lãnh đạo thế giới từ một quốc gia-dân tộc này sang quốc gia-dân tộc khác trong quá khứ thường được giải quyết bằng các cuộc chiến tranh. Dù những nghi ngờ như vậy hiện nay không dẫn tới xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng chúng có thể gây ra những khó khăn cho sự trình hợp tác trong hệ thống kinh tế quốc tế.

Dạng căng thẳng thứ hai mang bản chất tư tưởng. Thật không may, nhiều người ở phương Tây sẽ xem Trung Quốc như một nước cộng sản tiêu biểu. Cách nhận thức như vậy càng rõ hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) giành nhiều quyền lực hơn trong các hoạt động kinh tế nhằm đối phó với khủng hoảng. Kết quả là nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhầm lẫn về định hướng tương lai của việc cải cách nền kinh tế Trung Quốc - nhất là việc liệu Trung Quốc sẽ làm sâu sắc thêm cuộc cải cách theo định hướng thị trường, hay sẽ trở lại sự kiểm soát của nhà nước với toàn bộ nền kinh tế. Những thay đổi này cũng có thể giảm niềm tin giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.

Dạng căng thẳng thứ ba là dạng điển hình giữa các nền kinh tế thị trường tiên tiến và các nền kinh tế thị trường mới nổi liên quan đến hệ thống kinh tế lý tưởng. Hầu hết các nền kinh tế thị trường tiên tiến tin vào một hệ thống thị trường tự do trong đó hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế. Trong nhiều thập kỷ qua, hầu hết các nền kinh tế mới nổi đã thông qua các cải cách hướng tới thị trường và vì vậy đã đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều nước trong số họ vẫn thận trọng với kiểu thị trường hoàn toàn tự do, trong đó tự do hóa hoàn toàn các tài khoản vốn, nhất là các dòng vốn ngắn hạn.

Các căng thẳng tiềm ẩn này đòi hỏi sự quản lý cẩn thận thông qua các thỏa thuận khác nhau ở cấp độ song phương, khu vực và quốc tế. Nhiều trong số căng thẳng này có thể được hóa giải thông qua tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác sâu rộng hơn.

Trong một nền kinh tế toàn cầu, sự nổi lên của Trung Quốc không khiến Mỹ hay các nền kinh tế lớn khác trên thế giới phải trả giá; như bằng chứng là trong 30 năm qua, đây là không phải là một trò chơi "được ăn cả ngã về không". Cùng với Mỹ, Trung Quốc có một lợi ích lớn khi tin tưởng vào hệ thống hiện tại, và bất kỳ gợi ý tích cực nào nhằm cải cách hệ thống hiện nay theo sáng kiến của Trung Quốc hay các nền kinh tế mới nổi khác sẽ cũng có lợi cho Mỹ.

Hơn nữa, những bất đồng giữa Trung Quốc và các cường quốc kinh tế hiện tại có thể giảm bớt theo thời gian, khi Trung Quốc tiếp tục cuộc cải cách của mình và mang tính toàn cầu hơn, và khi các thể chế điều hành thế giới trở thành một hệ thống đa cực.

Quyết định của IMF cho phép tạm thời sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn là một ví dụ. Trung Quốc đề nghị thay đổi hệ thống kinh tế quốc tế vì nó không còn phản ánh thực tế kinh tế thế giới. Cũng bởi vì nó không còn là thỏa thuận đáng tin cậy và hiệu quả nhất, vì vị thế yếu dần của USD. Và cuối cùng, đó là vì hệ thống hiện nay không công bằng trong một số lĩnh vực, như vai trò bá chủ của Mỹ và một số nước châu Âu trong các tổ chức kinh tế quốc tế. Cải cách rất cần thiết để trao một vai trò lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi trong việc ra các quyết định kinh tế quốc tế. Các quy định kinh tế quốc tế cũng cần phản ánh tốt hơn các điều kiện mới về kinh tế và thị trường, như sự phức tạp của một loạt sản phẩm tài chính trên các thị trường tài chính toàn cầu. Thế giới cũng cần một hệ thống dự trữ quốc tế mới có thể hỗ trợ tăng trưởng ổn định liên tục của nền kinh tế toàn cầu.

Mục tiêu tối thượng của các đề nghị cải cách của Trung Quốc là để hệ thống kinh tế quốc tế mới mang tính đại diện hơn, công bằng hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Trung Quốc không có ý định xây dựng lại hoàn toàn hệ thống này. Họ không có lợi khi phát triển một hệ thống cạnh tranh song song với hệ thống hiện nay. Nền kinh tế thế giới đã trở thành một hệ thống đa cực hơn và các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, nên có ảnh hưởng nhiều hơn trong các quyết định kinh tế quốc tế quan trọng.

Còn tiếp...

  • Châu Giang dịch từ cuốn Rising China: Global Challenges and Opportunities