Mở ra là “khởi sắc”
Hơn một tháng rưỡi trôi qua kể từ 1/10 khi TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam dỡ bỏ Chỉ thị 16 quay về “bình thường mới”, nhịp điệu sinh kế của người dân và sản xuất của doanh nghiệp (DN) dần sôi động trở lại.
Trên báo chí đã không còn các tin về hàng đoàn xe ùn ứ khi vào cảng Hải Phòng, qua Cần Thơ; hay về cảnh cánh tài xế xe đường dài chen nhau xét nghiệm để ra/vào các tỉnh.
Các chỉ số tăng trưởng, sản xuất công nghiệp… của các địa phương đầu tàu kinh tế đã bắt đầu hồng hào trở lại trong tháng đầu tiên mở cửa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo chống dịch, là người vui mừng hơn ai hết. Ông báo cáo với Quốc hội cuối tuần trước, trong tháng 10 và những ngày đầu tháng 11, các cấp, các ngành, các địa phương đã đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế.
“Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước”, ông nói.
Nhịp điệu sinh kế của người dân dần sôi động trở lại |
Đó là tín hiệu đáng mừng và mang lại hy vọng của chiến lược chống dịch mới mà ông khởi xướng sau nhiều kinh nghiệm đau thương do dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Dịch bệnh sẽ còn tồn tại lâu dài với loài người, nếu đóng mãi mà không sống thích nghi, an toàn với nó, DN và người dân không thể duy trì hoạt động sản xuất và sinh kế được, dù ở mức tối thiểu. Mở ra trên nền tảng phủ vắc xin kết hợp với các biện pháp chữa trị khác là con đường tất yếu vì đa số.
Hai đầu tàu tăng tốc
Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nói, sau 1 tháng hoạt động trở lại, TP.HCM đã có những “chuyển biến rất tích cực”.
Tại khu công nghệ cao, 100% DN hoạt động trở lại với 47.000 lao động. Tại 17 cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất đã có 1.355 DN hoạt động trở lại, chiếm 96% số DN trước khi dịch xuất hiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của TP tháng 10 đã tăng 23,6% so với tháng 9.
Ông Ngân cho hay, TP sẽ quyết tâm đạt được nguồn thu ngân sách theo dự toán là 364.893 tỷ đồng, trong đó có 296.000 tỷ là thu hộ và thu phân chia ngân sách để chuyển về Trung ương và ngân sách TP sẽ hưởng 69.000 tỷ. “TP sẽ nỗ lực tối đa cùng cả nước để khôi phục phát triển kinh tế”, ông nói.
Thành quả đó là rất khó tin ở TP.HCM, nơi đã thực hiện phong tỏa gần 5 tháng theo Chỉ thị 15 và 16, làm mọi hoạt động đông cứng.
Ở trung tâm kinh tế phía Bắc, Hà Nội cũng ghi nhận những thay đổi đáng kể sau khi mở cửa lại, trong đó đáng kể nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội trao quyền chống dịch cho các DN và không áp dụng 3 tại chỗ ở các khu công nghiệp nên hoạt động sản xuất công nghiệp không bị đứt gãy.
Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán trung ương giao và 85,7% dự toán của TP, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
“Chính quyền TP đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cam kết với các DN ở Thủ đô trong lần đối thoại gần đây.
Những tín hiệu khởi sắc về kinh tế trong tương quan kiềm chế dịch bệnh ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều trung tâm khác đang mang lại hi vọng lớn để vĩnh viễn chấm dứt nạn ngăn sông, cấm chợ, nhân danh chống dịch mà làm chia cắt, tổn thương nền kinh tế.
Cái giá phải trả
Song, để mở ra từ 1/10 là cả một chặng đường vật vã về tư duy, về những cái giá phải trả trong sản xuất và sinh mạng người dân.
Tăng trưởng quý 3 âm sâu nhất trong lịch sử thống kê |
Để chống dịch, từ đầu năm, mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai điểm đến” đã được yêu cầu triển khai sát sao ở nhiều DN trong cả nước. Lúc đầu, mô hình này có vẻ hiệu quả ở Bắc Giang, Bắc Ninh, hai tỉnh bùng dịch hồi đầu năm, song về sau, khi triển khai trên diện rộng, đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và lưu thông.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các nhà khoa học phản ánh, mô thức này được áp dụng một cách cứng nhắc đã gây khó khăn lớn cho các DN cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu.
Nhiều lao động có trình độ cao tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… bị chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động.
Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy cung lao động và nguyên vật liệu; chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển và chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, chi phí đáp ứng điều kiện sản xuất quá cao.
Cùng với việc phong tỏa theo Chỉ thị 16 ở 23 tỉnh, những biện pháp này đưa lại hệ lụy quá lớn, làm tăng trưởng quý 3 âm sâu nhất trong lịch sử thống kê.
Tình hình đó không thể kéo dài thêm, nhất là trong bối cảnh một số quốc gia cuối cùng của “thành trì” Zero Covid như Australia và New Zealand tuyên bố chuyển sang cách chữa bệnh mới.
Bước ngoặt tư duy
Ngày 29/8 được ghi nhận là một ngày đặc biệt trong cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam. Chủ trì cuộc họp chống dịch với 20 tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.
Người dân là chủ thể trong phòng chống dịch |
Thông điệp “phải chung sống lâu dài” với virus được ông đưa ra lần đầu tiên tại buổi họp đó đã đánh dấu bước ngoặt trong chống dịch bệnh ở vốn dựa vào triết lý Zero Covid kể từ đầu 2020. Phương châm chống dịch Zero Covid, dù có thể đúng với các chủng virus cũ, nhưng đã gây thiệt hại rất lớn về sinh kế và sản xuất vì cứ có một ca virus là có thể phong tỏa cả nhà máy, cả chợ, cả làng, cả huyện.
Song, vì thông điệp đó quá mạnh, phá bỏ thành trì của các chỉ thị 15, 16, 19 và làm tan băng tư duy “đóng cho lành, đóng cho an toàn” của không ít các nhà quản lý, nó đã không được xuất hiện trong văn bản kết luận ngày hôm sau.
Nhưng, rốt cuộc, tư duy chống dịch mới đã thắng thế và đi vào cuộc sống. Nền kinh tế đã mở lại từ 1/10 sau những tang thương ở TP và kinh tế “rơi chiều thẳng đứng”.
Khởi đầu và kiên trì theo đuổi chiến lược ngoại giao vắc xin sau khi đã lỡ nhịp so với nhiều quốc gia khác trong tiếp cận vắc xin trong năm 2020, Thủ tướng và các cán bộ ngoại giao đã tạo nên kỳ tích khi đưa được nhiều vắc xin về để tiêm cho dân.
Vắc xin được phủ rất nhanh, Việt Nam đã vươn lên những nước hàng đầu về tỷ lệ tiêm chủng ở ASEAN. Phương châm phòng chống dịch ban đầu của TTg “5K + vắc xin” đã được nối dài thêm + thuốc đặc hiệu + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp khác như đông y…
Những biện pháp đó và hơn nữa được rút ra từ kinh nghiệm đau thương, hy vọng sẽ kiềm chế được dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan ở một số tỉnh.
Ở những nơi vắc xin đã phủ nhiều, các tỉnh không thể bắt người có virus và người tiếp xúc gần đi cách ly tập trung, làm tăng các ca lây chéo, gây đổ vỡ về kinh tế. Làm vậy đâu có thực hiện trụ cột “đề cao ý thức người dân” trong phương châm chống dịch mới? Làm vậy làm sao thuyết phục được về hiệu quả vắc xin? Làm vậy sẽ tiếp tục gây đổ vỡ và đứt gãy chuỗi cung ứng và lưu thông.
Trả lời chất vấn ở Quốc hội, Thủ tướng nói, sau khi tham khảo WHO, Việt Nam có cách tiếp cận lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. “Từ đó, các chính sách đều hướng đến người dân, và ngược lại người dân cũng phải tham gia vào phòng, chống dịch này một cách tích cực, chủ động”.
Người dân phải được trao quyền tự chữa bệnh, bên cạnh sự hỗ trợ y tế của nhà nước, thì mới an tâm về sức khỏe và đảm bảo sinh kế cho mình. Và các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung mới có thể vận hành trơn tru, thông suốt được trong trận chiến chống Covid-19 còn kéo dài chưa biết đến bao giờ. Chỉ cần một vài địa phương đóng cửa là gây đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và lao động, tác động lớn đến nền kinh tế nói chung.
Tư Giang
Chống dịch kiểu Trung Quốc: Bệnh viện 5G, robot khám bệnh cách xa 700km
Trung Quốc là nơi bùng phát Covid-19 từ cuối tháng 12/2019 với tâm dịch tại Vũ Hán. Với vũ khí y tế thông minh 5G+, đại dịch được nhanh chóng khống chế.