Không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người ngày càng dành ít thời gian để giao tiếp hơn. Một số nguyên nhân có thể được kể đến như sự phát triển của mạng xã hội hay lệnh giãn cách trong đại dịch.
Dù những yếu tố trên cũng góp phần gây ra tình trạng này, nhìn chung, trong vòng nhiều thập kỷ qua, người dân khắp thế giới đang lựa chọn sống khép kín và ít tương tác xã hội hơn.
Dữ liệu từ 3 quốc gia về thời gian giao tiếp trong gia đình lẫn ngoài xã hội đều giảm trong vòng 30 năm qua, ngay cả với sự hỗ trợ của điện thoại và chức năng gọi video.
Nói cách khác, mọi người đang dần trở nên xa cách nhau. Tuy vậy, chúng ta lại cho rằng đó là điều tốt thay vì nhận thức những tác hại lâu dài, theo Wall Street Journal.
Xu hướng sống khép kín
Tính xã hội vốn là một phần của bản năng của con người. Tổ tiên loài người đã tiến hóa để chung sống với nhau, bởi việc được chấp nhận trong một nhóm là cần thiết nhằm sống sót và sinh sản.
Nhưng nhìn từ góc khác, tính xã hội của loài người có thể chỉ nảy sinh khi việc đó cần thiết để sinh tồn. Việc giao tiếp, hành xử để vừa lòng người khác khiến ta kiệt sức, nhất là với những ý kiến trái chiều hoặc cuộc trò chuyện nhàm chán. Khi được lựa chọn, mọi người thường muốn không phải đối mặt với những điều đó.
Đồng thời, sự hướng nội trong mỗi người đang được đón nhận hơn. Việc chăm sóc bản thân ngày nay tập trung vào sự tu dưỡng nội tâm cũng như nỗ lực cắt đứt những mối quan hệ độc hại. Nhờ công nghệ, ta có thể thoát khỏi trách nhiệm rời nhà và giao lưu với người khác.
Tùy vào thời điểm trong lịch sử, xã hội sẽ coi trọng tính hướng nội hoặc sự quảng giao. 200 năm trước, đời sống tu hành được tán dương vì sự thanh tịnh, nhất là trong bối cảnh không gian sống chật hẹp, thiếu sự riêng tư.
Tuy nhiên, lối sống khép kín thời nay có những hậu quả rất khác so với trong quá khứ. Khi loại bỏ trách nhiệm tương tác với người khác ra khỏi đời sống hàng ngày, ta khó tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, đồng thời khiến những mối quan hệ trở nên nhạt nhòa.
Tại nơi làm, việc thường xuyên giao tiếp với người khác sẽ giúp tạo ra không gian thoải mái và tình bạn gắn bó. Nhiều công ty cũng lo lắng về sự suy giảm tính sáng tạo khi nhân viên không tin tưởng lẫn nhau bởi thiếu tương tác trực diện.
Có vô số lợi ích đi cùng việc ở bên cạnh người khác. Nghiên cứu cho thấy ta có nhiều cơ hội kết bạn hơn chỉ nhờ sống gần mọi người. Khi đã quen với môi trường xung quanh, ta sẽ bớt cảnh giác về rủi ro trong giao tiếp, đồng thời tập trung và phản hồi nhanh nhạy hơn trong những cuộc trò chuyện.
Khi chia sẻ không gian và làm cùng công việc, mọi người bắt buộc phải trò chuyện với nhau. Những cuộc hội thoại đơn giản hàng ngày thực chất rất có giá trị. Nghiên cứu mới cho thấy việc nói chuyện với người khác sẽ làm chúng ta bớt ích kỷ và trở nên cởi mở hơn.
Khi ít có người xung quanh để trò chuyện, ta trở nên hẹp hòi, khó đón nhận những quan điểm khác mình. Sara Konrath, làm việc tại Đại học Indiana (Mỹ), đã phát hiện ra sự suy giảm rõ rệt về lòng thấu cảm kể từ năm 2000. Cô tin rằng điều này đi đôi với sự khép mình ở người trẻ khi họ chỉ tập trung vào bản thân và không mấy để tâm tới người khác.
Xu hướng sống khép kín cũng lý giải việc mọi người ít nỗ lực quan tâm lẫn nhau hơn. Khi nói về việc cắt đứt những mối quan hệ độc hại, ta đang suy nghĩ rằng sự hiện diện của người khác là rào cản đối với hạnh phúc cá nhân. Do đó, mọi người sẽ chỉ dựa vào chính mình để đối phó với sự mất kết nối trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều này làm trầm trọng nỗi khó chịu vốn đi kèm sự cô lập.
Cân bằng
Việc ít dành thời gian giao lưu cũng làm giảm số bạn bè và mối quan hệ của mỗi người. Hai xu hướng này có sự liên hệ trực tiếp. Tại những quốc gia với tổng thời gian giao tiếp xã hội giảm, người dân cũng được ghi nhận có ít bạn hơn.
Điều này không có nghĩa chúng ta nên bỏ thời gian ở một mình, tự chăm sóc bản thân, thực hành chánh niệm hay suy ngẫm về cuộc sống. Những thói quen trên cũng rất có lợi.
Tuy nhiên, sự cân bằng giữa thời gian dành cho bản thân và tương tác xã hội đã bị mất đi. Điều đó khiến mọi người đều không vui vẻ.
Khi chuẩn mực xã hội chuyển từ tính quảng giao sang sự khép kín, mỗi cá nhân gánh thêm trách nhiệm chủ động kết nối với người khác. Theo nghiên cứu, những người đã hình thành thói quen giao tiếp thường xuyên sẽ dễ dàng duy trì các mối quan hệ và sức khỏe xã hội - khả năng hòa nhập của cá nhân với cộng đồng.
Chúng ta cần xây dựng thói quen để rèn luyện khả năng tương tác xã hội đã bị thui chột. Điều đó đôi khi bao gồm việc chịu đựng những người có ý kiến trái chiều hoặc kém thú vị.
Những nỗ lực này cũng tương tự việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hay thói quen tập thể dục trong môi trường tràn lan thực phẩm bẩn và lối sống ít vận động.
Thói quen giao tiếp xã hội giúp mỗi người hòa nhập với cộng đồng tốt hơn, đồng thời cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống và tuổi thọ về lâu dài. Những lợi ích này có lẽ xứng đáng để ta đánh đổi với một chút khó chịu.
Theo Zing