Sau khi trúng được số tiền lớn, nhiều người thôn Phú Cang 2 nghiễm nhiên trở thành “đại gia” của xã Vạn Phú. Thế nhưng, số tiền hàng chục tỉ bỗng chốc tan thành mây khói khi những “đại gia” này sa chân vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng với đủ các trò cá cược.
Từ một tỉ phú vào năm 2010, chỉ 3 năm sau, anh Danh lại trở thành “con nợ” của ngân hàng đến nỗi phải thế chấp nhà cửa để kiếm miếng ăn qua ngày...
Bỗng chốc thành đại gia
Sau khi trúng được số tiền lớn, những người trong thôn bắt đầu tổ chức những cuộc ăn mừng từ ngày này qua ngày nọ. Những người trúng trầm thay phiên nhau hùn tiền vào để kéo dài những buổi tiệc tùng.
Ông Quả đang kể chuyện với PV |
Cũng theo một số người trong thôn cho biết: “Sau ngày cha con anh Danh trúng tiền tỉ ở mỏ trầm An Kh, thì rất nhiều người lên đó để tìm trầm. Số người lên về tay không rất nhiều, chỉ vài chục người là may mắn có được số tiền vài trăm triệu đồng.
Lúc ra tụ tập ở đình làng để làm lễ cúng thần hoàng làng, những người trở về tay không này được một số người trúng trầm tặng cho vài triệu để làm vốn làm ăn vì “tình làng nghĩa xóm”. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền thì những người này cũng bỏ hết vào những cuộc ăn nhậu và các thú tiêu khiển”.
Kể từ ngày nhiều người trúng trầm trở về, thôn Phú Cang 2 trở nên nhộn nhịp lên hẳn. Khác với những ngày thường người dân phải xuống đồng ruộng hay lên rẫy để kiếm củi đốt than, thì nay họ lại tụ tập lại để ăn nhậu, chơi đá gà ăn tiền và hàng loạt những thú tiêu khiển khác. “Đấy mấy chú nhìn hai bên đường mà xem, quán xá mọc lên đầy như rạ, còn có những dịch vụ “gái gọi” nữa chứ.
Chỉ mới mấy năm gần đây thôi mà ruộng đồng dường như bị bỏ hoang, không ai chú ý đến làm gì nữa, họ thi nhau đi kiếm trầm để “đổi đời” nhanh hơn. Thế nhưng kẻ trúng, người không đều chẳng có tồn tại được bao lâu cả. Bằng chứng sờ sờ là nhà thằng Danh đó, mới có 3 năm mà số tiền mấy chục tỉ đã “bốc hơi”, ngay cả cái nhà cũng phải cầm cố ở ngân hàng”, một người già trong thôn chia sẻ câu chuyện.
Theo đó, khi trúng được số tiền lớn từ trầm, hai cha con ông Ân bắt đầu chuộc lại diện tích đất đã bán đi trước đó để cất căn “biệt thự” gần 500 triệu đồng. Sẵn có tiền, hai cha con thẳng tay chi những khoản lớn để sắm sửa những vật dụng đắt tiền trong nhà; số tiền còn lại, cả cha và con đều dùng vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.
Về phần Danh, thanh niên này bắt đầu chơi chọi gà ăn tiền với những người ở thôn bên cạnh. Chỉ trong vòng 1 năm, số tiền mà Danh thua cược lên đến vài tỉ đồng. Năm 2012, ông Ân qua đời trong một cơn bạo bệnh, đứa con trai vẫn không dừng lại việc cá cược trong trường gà, nên dù có tiền tỉ trong tay, gia đình vẫn lâm vào cảnh nghèo khó.
Ngay trong ngày đám tang ông Ân, một người thu mua trầm đã đến cúng viếng cho gia đình 100 triệu đồng nữa vì mối quan hệ làm ăn. Vậy mà sau đó chưa đầy một tuần, người dân trong thôn đã thấy Danh thất thểu đi về từ một sới bạc do thua nhẵn túi. “Kể từ khi có tiền, anh ấy bắt đầu đi chơi suốt ngày, rất ít khi về nhà.
Trong khi tôi vẫn cố gắng giữ bao nhiêu thì chồng mình càng tiêu xài bấy nhiêu, nên chỉ thoáng chốc số tiền có được cũng vơi dần. Ngoài khoản tiền làm nhà và sắm các vật liệu cần thiết thì còn lại anh ấy đem đi đánh bạc, đem đi cá độ bóng đá. Mới có 3 năm trời mà mười mấy tỉ đồng của cha để lại cũng sắp hết, mẹ con tôi chẳng biết phải sống cuộc đời còn lại thế nào đây.
Đã đành rằng không có tiền thì gia đình sống khổ sở mấy cũng chịu được, đằng này nhiều tiền rồi thì chưa chắc gì gia đình đã được hạnh phúc mấy chú à. Thôi thì cứ xem như “của thiên trả địa” chứ biết làm thế nào được, hi vọng rằng sau khi tiêu xài hết số tiền của “ông bà” ban cho thì chồng tôi sẽ suy nghĩ lại mà cố gắng làm ăn để nuôi vợ nuôi con”, chị Thành- vợ anh Danh - chua chát tâm sự.
Lời nguyền trong giới trầm kỳ
Chỉ vì tiêu xài quá mức mà cái danh “đại gia” của gia đình anh Nguyễn Quang Danh ở thôn Phú Cang 2 nay trở thành một “trò hề” để những người dân trong thôn bàn tán xôn xao. Phần đông người dân cảm thông cho số phận của một người dân nghèo mới đổi đời nên chỉ biết “tiêu pha cho sướng tay” đã dẫn đến phá sản.
Ngôi “biệt thự” của anh Danh đã cầm cố |
“Trước kia cuộc sống của gia đình thằng Danh thuộc dạng khó khăn nhất cái thôn này, ngay cả miếng đất cắm dùi cũng phải đem bán để kiếm cái ăn qua ngày thì biết gì đến tiêu xài tiền. Từ ngày được số tiền mấy chục tỉ từ “lộc rừng” thì nó lại tiêu xài hoang phí, chẳng thèm nghĩ đến ngày mai ra sao”, ông Nguyễn Quang (SN 1959, người thôn Phú Cang 2) cho hay.
Ông Quang kể tiếp: “Không chỉ có trường hợp của gia đình thằng Danh phải thế chấp căn biệt thự để vay tiền ngân hàng, mà ở thôn này còn có hai cha con ông Trần Đạn (SN 1955) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trong một lần đi tìm trầm ở khu vực huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) thì hai cha con ông Đạn may mắn phát hiện được “lộc rừng”.
Sau một ngày đào bới trong rừng, hai cha con ông thu được gần 7kg kiến xanh (tên một loại trầm có giá trị cao, tương đương với kỳ nam-PV), đem bán được hơn 20 tỉ đồng. Có được số tiền hơn 20 tỉ đồng, gia đình ông lại cất nhà, mua các đồ vật quý giá. Nhưng sau đó cũng lâm vào con đường cờ bạc, cá độ bóng đá nên đã bán sạch tài sản lẫn nhà cửa để trả nợ.
Càng bất ngờ hơn, nhiều người dân trong xã Vạn Phú đồn đoán những chuyện thần thánh xung quanh việc “xuống dốc” bất ngờ của những “đại gia trầm”. Cũng theo như ông Quang chia sẻ, phần lớn những người trúng trầm thành tỉ phú ở trong thôn không phải là dân phu trầm chuyên nghiệp, mà chỉ là những người đi săn hoặc đi làm rẫy may mắn nhận được “lộc rừng” mà thôi.
Chính vì không phải dân phu trầm chuyên nghiệp nên không thể biết được những lễ nghi và tín ngưỡng của việc nhận được “lộc rừng”. Nhiều người sau khi được trúng tiền tỉ thì bỗng nhiên hóa thành người khác chứ không phải như trước. Điển hình như chuyện anh Danh từ một người nông dân chất phát nhưng khi trúng trầm có nhiều biểu hiện ăn nói bất thường.
Chuyện gia đình anh lâm vào cảnh nghèo khó như hôm nay được nhiều người giải thích là do không biết ơn đối với “thánh mẫu” nên bị quở phạt. Còn đối với gia đình ông Đạn thì sau khi trúng được trầm hiếm, hai người trong gia đình bỗng nhiên ngã bệnh mà không hiểu nguyên nhân. Cũng từ những lời đồn đoán này, mà nhiều người dân trong thôn thêu dệt nên những câu chuyện tâm linh vô cùng kì bí.
(Theo Pháp luật Việt Nam)