Những chuyện tình không đầu không cuối, mối lương duyên dang dở với Thái Hòa được bỏ qua, ấy vậy mà đời Cát Phượng vẫn lắm nỗi buồn.
Trong câu chuyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh, mỗi lần con Mận bị mẹ đánh đến khóc, nó lại ra cửa sổ phơi mặt cho ráo nỗi buồn. Nếu Cát Phượng cũng làm như con Mận mỗi khi bị đời “đánh”, có lẽ chị chẳng làm được việc gì hơn.
Mấy lần lên báo, Cát Phượng hay than, đời chị chẳng có gì vui. Cũng đúng thiệt, nếu vui thì chẳng mấy ai nghĩ đến việc trữ sẵn trong nhà mấy hộp thuốc tự tử, dù là hết hạn.
Nhưng cũng nhờ cái sự khắc nghiệt ấy của đời mà công chúng mới có Cát Phượng của ngày hôm nay: đam mê, mãnh liệt và hết mình với nghệ thuật.
Tuổi thơ èo uột
Cát Phượng sinh năm 1970 ở Bạc Liêu trong gia đình có năm anh em. Ngày vừa chào đời, chị đã bắt đầu làm quen với nghèo khó và bệnh tật, người lúc nào cũng như con khô, uống thuốc còn nhiều hơn uống sữa, khiến mẹ khóc hết nước mắt.
Cho đến bây giờ, Cát Phượng vẫn không hiểu làm cách nào mẹ dìu chị qua được những ngày tháng khó khăn ấy. Chỉ biết rằng có một câu chuyện đến bây giờ mỗi lần kể lại, ai cũng thấy thần kỳ.
Số là có lần mẹ Cát Phượng đang bế chị đi tìm thầy thuốc. Ngồi trên chuyến xe lam hôm ấy, nhìn con gái dặt dẹo, khổ sở, mẹ chị không kìm được nước mắt, khóc lớn.
Lúc đó có một ông lão tới gần, lật bàn tay Cát Phượng lên và phán chắc như đinh đóng cột: “Cô đừng có buồn, đứa nhỏ này không chết đâu. Sau này nó nổi tiếng lắm”. Vậy mà đúng.
Nhờ phước đức ấy, sau này Cát Phượng mới có thể đỡ đần được cha mẹ. Thuở xưa, nhà Cát Phượng là cái lò bánh lớn lắm, đến vài chục công thợ.
Vậy mà đâu có sướng. Sáng gà chưa gáy, chị đã phải dậy, cơm cháo, chè nước cho thợ. Trống trường vừa tan học, người chưa về đến nhà nhưng suy nghĩ đã bám đầy tro bếp.
Cái nghèo ăn vào tiềm thức nên tuổi thơ của mấy chị em Cát Phượng cũng thấm đẫm nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có lần trời mưa to, chị và cô em gái lúp xúp đội mía và bắp sang bán cho công nhân ở nhà máy xay lúa.
Đường trơn, bùn ngập đến mắt cá chân nên khi cả hai vừa tới nơi cũng là lúc mặt mày, người ngợm lấm lem, bẩn thỉu. Vậy mà còn bị người ta trêu, nước mắt Cát Phượng chỉ chực trào.
Cần cù là vậy nhưng nào có yên. Khi các xưởng làm bánh bằng máy xuất hiện là lúc gia đình chị phá sản. Nghĩ lên Sài Gòn sẽ có cách, cha Cát Phượng xách vội mấy bộ quần áo rồi lên đường.
Năm ấy, Cát Phượng vừa học xong lớp 12 cũng líu ríu theo cha đến vùng đất hứa.
Nhưng hứa đâu chẳng thấy, chỉ thấy cực thêm.
Học diễn ở trường đời
Ngày nhỏ ở nhà, Cát Phượng hay nghe mấy bản vọng cổ bằng cái radio cũ rích, rè rè, vậy mà bén duyên với “con nghệ thuật” lúc nào chẳng hay. Lên tới Sài Gòn, chị thi bừa vào trường Nghệ thuật sân khấu, ai dè đậu.
Cha về lại quê để chăm mẹ và mấy đứa em, một mình chị ở lại Sài Gòn tự kiếm tiền nuôi thân. Ai kêu gì cũng làm, vai nào cũng đóng, cốt để có đồng ra đồng vào nuôi dưỡng cái ước mơ đang hừng hực cháy.
Nhưng đời ai đoán được chữ ngờ, có việc người ta kêu không làm thì đói, không có tiền nộp học, mà làm riết thì bị đuổi.
Ngày biết tin, Cát Phượng cứ lang thang trên phố với cái đầu trống rỗng và trái tim đau đớn. Nhưng cuộc đời con người đâu có đơn giản vậy, nếu chỉ cần đi mãi mà hết đau khổ thì sẽ không có những nỗi buồn.
Ước mơ được đứng trên sân khấu, được nhận tình cảm của khán giả cứ vảng vất, ám ảnh Cát Phượng cả trong giấc mộng mị. Cũng nhờ nó mà chị học được cách đứng dậy, tạm quên "cái tát đau đớn" của cuộc đời để dò dẫm từng bước một.
Nhờ tình thương của bạn bè, anh chị, Cát Phượng lại được say với các vai diễn. Không có cơ hội được tiếp thu ở trường học, Cát Phượng tự rèn ở trường đời. Đó là những ngày người ta thấy có một cô gái hay lê la ở góc phố và ngó nghiêng ở các vũ trường.
Cát Phượng không phải đang chờ vận may hay đợi người ta rớt tiền để lượm mà đang cố học xem anh này say sẽ như thế nào, chị kia khó chịu trong người sẽ làm sao… Từng chút, từng chút một đó mà làm nên một Cát Phượng sau này.
Cát Phượng và con trai. |
Cũng trong những ngày tháng rượt đuổi ước mơ ấy, cái nghèo vẫn cứ bám chị như đỉa đói. Khi Cát Phượng còn ở chung với Lý Hải và Minh Nhí, cứ đến kỳ đóng tiền nhà, cả ba chẳng ai dám về nhà sớm, người nọ đùn đẩy người kia vì chẳng biết đối phó làm sao với bà chủ.
Ngày hai anh có tiếng, Cát Phượng dần được khán giả nhớ đến nhưng mà cũng chẳng có tiền. Nhiều bữa ế quá, không thấy ai kêu đi diễn, chị còn đi bán máu kiếm mấy gói mì đắp đổi qua ngày.
Sống thì nghèo vậy nhưng lên sân khấu, Cát Phượng “sang” lắm. Có bao nhiêu vốn liếng, chị dồn hết vào vai diễn. Người ta diễn ba tiếng đồng hồ, tẩy trang xong thì về với cuộc sống thực còn Cát Phượng thì không.
Diễn vai bi, khán giả về hết còn chị mang nỗi buồn về tận nhà. Diễn hài, khán giả cười hết, chị còn nhặt nhạnh mang lên giường cười cho đã. Cát Phượng là vậy, sống và diễn bằng chính bản năng của mình.
Vậy mà đâu có nổi ngay được. 10 năm này rồi 10 năm nữa, miệt mài trên sân khấu, thấy lớp đàn em giành giải thưởng nọ kia còn mình vẫn cứ lình xình, sống thì sống được nhưng không tiếng tăm nổi trội.
Làm nghệ sĩ, ai chịu được điều đó. Người đã sống hết cả đời, chịu mọi đau khổ vì nghề như Cát Phượng lại càng không chịu được. Chị định rút lui nhưng nói dễ, làm đâu có dễ, nhất là đối với những người đã dính cái nghiệp này.
May mắn sau đó, những vai diễn thật sự đã tìm đến với chị. Từ Cấm trong Tám người đàn bà, Út Đẹt trong yêu thầy đến Thị Nở trong Chí Phèo, vai nào qua tay Cát Phượng cũng thành công rực rỡ.
Ngày xưa đi diễn, một mình cặm cụi đi về chứ giờ bước xuống sân khấu, chị đã thấy khán giả đứng chờ ở cửa. Họ yêu Cát Phượng.
Tiếng tăm đến kéo theo tiền bạc, ngày nhận giải Mai vàng đầu tiên, Cát Phượng gom tiền mua một cái tivi màu, không phải để xem cho thỏa mà mang về Đồng Tháp để tặng cho một hộ nghèo rồi ra về với hai cái túi trống rỗng.
Năm đó, chị phải ăn Tết ké ở nhà Minh Nhí.
Một lần “bị” vậy nhưng Cát Phượng đâu có chừa. Sau này, khi nửa đường dang dở với Thái Hòa, hai mẹ con Cát Phượng phải ở nhà thuê, chuyển nhà liên tùng tục nhưng chị vẫn miệt mài làm từ thiện.
Mãi cho đến lúc thấy con trai phụng phịu, chị mới chợt giật mình và quyết định dành dụm, mua cho riêng mình một mái nhà.
Hiện tại, Cát Phượng cảm thấy bằng lòng với những gì đang có. Khó khăn của cuộc đời, sự bạc bẽo của lòng người đôi lúc khiến chị sững sờ nhưng trải qua những đau khổ, người diễn viên ấy đã có được tình yêu của công chúng.
Đó là món quà lớn đối với người nghệ sĩ.
Theo Trí thức trẻ