Cuối tháng 1, những người làm quản lý văn hóa đang tính chuyện chọn "quốc tửu". Ngày Tết cũng là dịp rượu lên hương, góp vui vào không khí đầm ấm của sự sum họp.  Thế nhưng, trong những gia đình có người cha nghiện rượu, Tết với những người mẹ, người con chẳng khác nào ngày khổ nhất, buồn nhất.

 

Bên cạnh những hình ảnh, bài viết phản ánh không khí rộn rã của Tết  hay chia sẻ cảm xúc, khoảnh khắc riêng tư của những thời khắc đặc biệt, VietNamNet nhận được câu chuyện đượm những gam màu buồn trong những ngày vui nhất của năm ở gia đình có "ma men" dẫn lối.

 

Người vợ chính là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình mà phần lớn do chính người chồng của họ gây ra. (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)

                                                                    Bài 1: Cái tát đúng giao thừa

Bố bắt đầu uống rượu năm tôi lên 11 tuổi. Ngày trước, bố cùng ông nội là hai người thợ mộc giỏi có tiếng trong huyện. Mẹ yêu rồi quyết định làm vợ cũng vì tay đục, tay bào của bố giỏi và cái dáng cao to, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ.

 

Hơn 14 năm làm vợ, một mình bố với xưởng mộc làm đủ nuôi cả ba mẹ con. Nhà gần chục sào ruộng thì cày bừa, bón phân, gặt lúa,..bố nhận hết phần việc nặng về mình.
Những lúc ngồi bên bếp lửa hồng, mẹ vẫn thường kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa “bố mày chăm chỉ lắm”. Bố làm cả đêm để kịp giao hàng cho người ta. Ở cùng nhà ông nội được một hai năm, bố mẹ tích cóp được tiền mua mảnh đất ở giữa làng. Đất ở thì ít mà đất ao bùn thì nhiều. Đêm đêm, bố còn tranh thủ lên gánh đất đổ, lấp dần đất ao, lấy đất làm nhà, vườn.

 

Những ngày còn bé, chị em tôi đi học về, được điểm 9-10 bố lại xoa đầu cho tờ 500 đồng, 1.000 đồng mua kẹo bánh. Quên sao được những buổi kéo cưa, nghịch ngợm bên đống vỏ bào.

 

Rồi bố uống rượu. Ban đầu chỉ vì đi nhiều đám dựng nhà, chủ nhà mời, chối mãi bố mới uống. Say về bố lên giường ngủ ngay, còn “báo cáo” với mẹ, xin lỗi. Sau dần quen rồi nghiện. Bố uống ở nhà thường xuyên.

 

Hết cho chị em tôi tiền đi mua rượu, bố bắt phải đi “không đi thì ăn đòn”. Công việc ở xưởng mộc từ đó cũng bị bỏ bê dần đến đóng cửa. Người làm công về hết, chỉ còn bố với túi đồ nghề con con.

 

Thi thoảng, bố mới đi làm. Làm một buổi thì rượu say ba buổi. Rượu vào lời ra. Hết chửi mắng, đánh đập mẹ con tôi, bố với con “ma men” trong người đi hạnh họe, gây sự với tất cả những ai mà bố biết từ hàng xóm, người thân, họ hàng tới cả những người không quen biết.

 

Bố say, bố ngã, bố nôn mửa, đòi nước lã. Gần 7 năm trời như thế, từ một người khỏe mạnh, bố trở thành yếu ớt, mỏng manh. Da bố vàng như da gà (sau này đi khám, bệnh viện kết luận bố bị viêm gan B), trên đầu bố tóc trắng nhiều đã ngang bằng tóc xanh dù tuổi bố mới ngoài 40 một chút.

 

Nếu hỏi những ngày nào khổ nhất, buồn nhất, tôi xin chẳng ngại ngần mà rằng đó là dịp Tết.

 

Tết thì nhiều rượu, thịt. Tết là tiệc tùng, nhậu nhẹt. Bố tôi say, làm “tội tình” mẹ con tôi thế nào cũng được, chỉ mong sao ông đừng đi gây sự với mọi người là mẹ con tôi mừng lắm rồi.

 

Chẳng còn nhớ, đã bao nhiêu lần hàng xóm rồi cả cô chú, bác bá trong nhà tới thẳng nhà, trong những ngày Tết, chỉ vào mặt mẹ tôi rằng: “Vợ chồng mà không biết khuyên bảo nhau để nó uống rượu say rồi ra chửi bới, đập phá ở nhà tao suốt ngày kia kìa”.

 

Hai chị em tôi cũng vô số những chuyện buồn tủi vì bố là người nghiện rượu. Nhắc đến Tết, chỉ cách đây 3 năm, hồi tôi là sinh viên ĐH  năm nhất, biết bố rượu say, tôi đã tránh không ở nhà để bị ăn xỉ vả. Nhưng năm đó trời rét quá, cả lũ tính để giao thừa đi xông đất, chúc Tết từng gia đình một, tôi lấy lí do lạnh nên về trước.

 

Vừa rón rén mở cổng, bước vào nhà, tôi thấy bố vẫn ngồi đó, trên bộ trường kỉ, rượu đã ngà ngà.

 

Bên cạnh giường, mẹ nằm đó, mặt mày xây xẩm, tóc rối tung. Chẳng nói, tôi cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra.

 

Lặng lẽ tôi bước vào nhà, tính bật ti-vi xem không khí Tết thế nào chút rồi sang nằm với mẹ.

 

Nào ngờ, ti-vi vừa bật, bố liền lao tới, dáng người ngả nghiêng, giáng cho tôi hai cái bạt tai vì “tội đi chơi về muộn lại còn bật ti-vi xem”.

 

Bị bố đánh nhiều, tôi cũng quen, chẳng mấy khi khóc nữa. Vậy mà hôm nay, tự dưng nước mắt rơi lặng lẽ. Ngó lên tường, kim đồng hồ chầm chậm báo 0h. Năm mới khởi đầu bằng hai cái tát.

  • Hoàng Nam (Vĩnh Phúc)

********************************
Bài 2: Tết làm bạn với lũ chuột trên trần nhà