Tôi năm nay 32 tuổi, tôi với chồng đã cưới nhau được 7 năm. Chồng bằng tuổi tôi. Chúng tôi yêu nhau khi còn học đại học. Khi yêu nhau, tôi với anh cứ nghĩ mọi thứ đều là màu hồng. Ai ngờ, sau khi cưới, mọi thứ thay đổi 180 độ khiến tôi choáng ngợp.
Tôi quê ở Bắc Ninh, trong khi chồng quê ở Nghệ An, cách nhau đến 400km. Chúng tôi đều làm việc ở Hà Nội nhưng cứ có ngày nghỉ lễ, Tết là chồng tôi đòi về quê nội chứ hiếm khi đả động đến quê ngoại. Vậy là cứ mỗi lần có nghỉ lễ, Tết vợ chồng tôi lại căng thẳng, cãi vã về chuyện sẽ về quê ai.
Chồng tôi vốn tính gia trưởng nên lúc nào cũng nghĩ nhà nội là phần hơn, “thuyền theo lái, gái theo chồng”.
Nói đến ngày nghỉ Tết, tôi lại rớt nước mắt vì tủi thân. Suốt 27 năm đón Tết ở nhà ngoại, tôi vui mừng, phấn khởi bao nhiêu thì 5 năm về nhà chồng, tôi buồn tủi, cô đơn bấy nhiêu. Cứ đến 30, mùng 1 Tết, lòng tôi lại chùng xuống nhớ về quê ngoại, nhớ những phút giây đầm ấm, sum họp. Nhiều đêm tôi khóc, nhắn tin tâm sự với mẹ, mẹ chỉ khuyên tôi cố gắng hòa nhập với nhà chồng, dần dà rồi sẽ quen.
Suốt mấy ngày Tết, tôi chỉ lui cui trong xó bếp, nấu nướng, dọn dẹp đến tối mịt. Chưa kể, tôi còn bị mẹ chồng soi mói, xét nét từng tí một. Tôi làm gì cũng không thể vừa được ý bà. Cứ nghĩ đến đón Tết quê chồng là tôi lại nổi da gà.
Suốt 5 năm qua, cứ đến Tết là tôi theo chồng về quê chồng đón Tết. Hết Tết, vợ chồng tôi mới qua nhà ngoại thăm hỏi qua loa rồi về Hà Nội đi làm trở lại. Đến Tết năm ngoái, tôi lấy hết can đảm và lý lẽ để “đàm phán” chuyện ăn Tết ở quê ngoại với chồng. Tôi nói với chồng rằng tôi đã chấp nhận 5 năm ăn Tết ở quê chồng, giờ tôi muốn 1 năm được về ăn Tết ở quê ngoại.
Nghe tôi nói, chồng tôi nổi giận lôi đình, anh nói rằng tôi đã lấy chồng thì suốt đời phải ăn Tết ở quê chồng, như phụ nữ bao đời nay vẫn vậy. Vì chuyện này mà vợ chồng tôi cự cãi, chiến tranh lạnh suốt cả tháng nhưng ý tôi đã quyết nên không thay đổi.
Sau đó, vợ chồng tôi về quê chồng đưa Tết, tôi cũng thưa chuyện với mẹ chồng rằng sau 5 năm đón Tết ở quê nội, tôi xin phép đón Tết ở quê ngoại 1 năm. Nào ngờ, nghe thấy câu đó, mẹ chồng tôi ra sân, cầm chiếc chổi lớn, quét lấy quét để và lẩm bẩm: “Tôi đây cả đời còn chưa được đón Tết ở quê ngoại đây, các chị giờ tân tiến quá rồi, không biết phép tắc gì. Có giỏi thì đi luôn đi, không phải về đây nữa.”
Tết năm ngoái, một mình tôi đưa con gái về quê ngoại ăn Tết. Bố mẹ tôi ban đầu rất bất ngờ. Bố tôi vẫn giữ tư tưởng cũ nên nên trách mắng tôi nhiều. Bố nói rằng tôi đã lấy chồng thì phải theo chồng, không được nặng lòng với nhà đẻ. Mẹ tôi thì rơm rơm nước mắt, sợ tôi về quê ngoại ăn Tết làm mếch lòng nhà chồng, sợ người nhà chồng gây khó dễ cho tôi, sợ tình cảm vợ chồng tôi bị sứt mẻ. Bao nhiêu năm mới được về quê ngoại ăn Tết mà tôi thấy cảm giác không còn được vui như xưa.
Tết đến, tôi chẳng dám đi đâu vì đến nơi nào mọi người gặp cũng hỏi rằng: “Chồng đâu? Sao không ăn Tết ở quê chồng? Sao không dẫn chồng về? Vợ chồng lục đục à, có ly thân không?”
Không những thế, ai đến nhà gặp tôi cũng trách mắng chuyện tôi dẫn con về ăn Tết ở quê ngoại là sai, trái với phép tắc. “Nhà nội lúc nào cũng phải hơn, đã lấy chồng rồi thì phải ăn Tết ở quê nội chứ cháu. Bao đời nay đã như thế rồi”, dì nói những câu làm tôi rất thất vọng. Tết ở nhà ngoại tưởng vui nhưng cuối cùng chẳng được như tôi mong đợi!
Sau cái “Tết quê ngoại”, mẹ chồng cũng giận dỗi tôi vài tháng rồi sau lại bình thường trở lại. Năm nay, Tết lại sắp đến, tôi lại buồn tủi nhớ đến những cái Tết buồn và cô đơn nơi quê chồng. Nhưng nghĩ đến ăn Tết ở quê ngoại, tôi cũng chẳng thấy vui. Tôi cứ băn khoăn, suy nghĩ mãi một điều: Biết bao giờ mọi người mới mở lòng, cởi mở hơn với những cái Tết quê ngoại?
Chàng trai Phú Yên đi bộ hơn 400 km về quê ăn Tết
Mình được ngắm rất nhiều cảnh đẹp của Tết. Đó là những vườn hoa đủ sắc màu, chợ quê ngày Tết rồi những người lao động nghèo mưu sinh trong đêm khuya nữa. Tất cả, rất đẹp, mình đã ghi lại hết rồi.
Theo Dân Việt