Ghi nhận thực tế cho thấy, trước đây, khu vực Tây Nam Bộ nói chung và 04 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau nói riêng có nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn liên tục tăng cao, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Trong khi đó nhiều người dân cũng chưa ý thức được nguyên tắc tín dụng “có vay - có trả”.

Do đó Ngân hàng Chính sách Xã hội đã (NHCSXH) đã triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực, đặc biệt là 04 tỉnh nói trên và tạo được “cú huých”, cải thiện rõ rệt chất lượng tín dụng CSXH tại đây.

Tại Bạc Liêu, đến 30/9/2019 tổng nguồn vốn đạt 2.067 tỷ đồng, tăng trên 133 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ đạt 1.990 tỷ đồng, tăng 174 tỷ đồng so với 30/9/2018, hoàn thành 84% kế hoạch tăng trưởng năm 2019. Toàn tỉnh hiện có 88.487 hộ còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn là 2,93% tổng dư nợ.

Tại Sóc Trăng, đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn đạt 3.538 tỷ đồng, tăng trên 218 tỷ đồng so với cuối năm 2018; tổng dư nợ đạt 3.525 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với cuối năm 2018, hoàn thành 86,66% kế hoạch tăng trưởng năm 2019, với gần 155 nghìn hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 2,01% tổng dư nợ.

Tại Kiên Giang đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn đạt hơn 3.325 tỷ đồng, tăng trên 92 tỷ đồng so với cuối năm 2018; tổng dư nợ đạt trên 3.333 tỷ đồng, tăng 254 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 98,6% kế hoạch tăng trưởng năm 2019. Toàn tỉnh hiện có 153.253 hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ là 2,48%.

{keywords}
Kiên Giang là một trong các tỉnh Tây Nam Bộ mà chất lượng tín dụng CSXH cải thiện rõ rệt. Ảnh minh họa

Còn tại tỉnh Cà Mau, đến 30/9/2019, tổng nguồn vốn đạt 2.649 tỷ đồng, tăng trên 155 tỷ đồng so với đầu năm, tổng dư nợ đạt 2.449 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch tăng trưởng năm 2019. Toàn tỉnh hiện có hơn 123 nghìn hộ còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 2,88% tổng dư nợ.

Kết quả, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án, với các giải pháp mang tính đồng bộ, chất lượng tín dụng tại chi nhánh NHCSXH 04 tỉnh kể trên đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, nợ quá hạn được kiềm chế và giảm rõ rệt, hoạt động giao dịch tại xã ổn định, đi vào nề nếp, chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn được cải thiện, tỷ lệ thu lãi tăng cao, đặc biệt nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân về ý nghĩa và vai trò của tín dụng ưu đãi đã có sự chuyển biến tích cực.

Cùng với thực hiện Đề án, Chỉ thị số 40-CT/TW cũng đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng.

Mặt khác, kết quả giảm nghèo, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh này trong những năm qua có đóng góp quan trọng của hệ thống cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác.

Bài: Lê Văn Dương - nhóm PV
Ảnh: Đỗ Hồng Khanh - Nhóm PV