Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân từ 2,5-3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%-4,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, UBND tỉnh Đắk Lắk đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể: cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,9 lần so với cuối năm 2015. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo;

 

Phấn đấu 15-20% số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đến năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. 50-60% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới, 90% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

Thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20-25%; bình quân hàng năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó có từ 60-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Để đạt được kết quả đó, Đắk Lắk tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định, để sản xuất, kinh doanh, học nghề, vay làm nhà ở... Trong đó, ưu tiên hơn đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của hộ nghèo, hạn chế gia tăng khoảng cách thu nhập.

Bên cạnh đó, tập huấn, truyền nghề cho nông dân về kỹ năng sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khuyến nông. Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với từng địa phương, khả năng và nhu cầu của người nghèo, các mô hình thực hành sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức, quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tỉnh hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có tay nghề cần thiết, thông qua các khóa dạy nghề ngắn hạn để họ tạo thêm việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả việc làm, tăng thu nhập; tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp, đi lao động xuất khẩu, góp phần giảm nghèo bền vững. Đắk Lắk cũng chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý.


Tại Đắk Lắk tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 chiếm tỷ lệ 19,37%, nhất là ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 62 xã có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,17%.

Từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Lắk giảm nhanh từ 20,82% xuống còn 6,01%, bình quân mỗi năm giảm 2,96%.

 M.M - Thu Hương (tổng hợp)