- “Là anh cả, em nhận án 5 năm rồi còn không xin cho em?” - tòa hỏi, Khải đáp: “Đã đại lượng lắm rồi”... Nhận tiền bồi thường từ em, Khải chẳng cần để ý đến những người xung quanh, giở ra đếm kỹ số tiền gồm đủ mệnh giá, có cả tiền lẻ...

Nhìn cảnh đó, khó ai nghĩ họ là khúc ruột trên, khúc ruột dưới . Sau lần “hỗn chiến” vì mâu thuẫn trong cuộc sống, anh em Nguyễn Văn Khải (SN 1961) và Nguyễn Văn Mừng (SN 1969) - trú tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội - đều phải ra hầu tòa vì tội Cố ý gây thương tích.

Trước đó, vì mâu thuẫn đất đai với vợ chồng Khải, Mừng từng sang nhà mẹ vợ của anh trai nhờ can thiệp, khuyên giải vì chị dâu cứ chửi mình ra rả. Cũng vì thế mà tình cảm anh em đã rạn nứt.

Trước vành móng ngựa, hai anh em họ nhất định không chịu đứng gần nhau.

Chiều 5/7/2011, anh em họ lại cãi chửi nhau. Khải đã dùng xẻng đánh em. Mừng tức khí cũng cầm dao, tuýp sắt xông vào “nghênh chiến”. Cuộc xô xát khiến Khải tổn hại 42% sức khỏe; Mừng tổn hại 10% sức khỏe. Và cả hai anh em họ đều bị truy tố tội Cố ý gây thương tích.

Tháng 7, TAND huyện Sóc Sơn đã tuyên phạt Mừng 5 năm tù giam, Khải 12 tháng tù treo về tội “Cố ý gây thương tích”; Mừng phải bồi thường cho Khải 40 triệu đồng. Sau phiên tòa đó, cả hai anh em họ đều làm đơn kháng cáo.

Phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội ngày 5/11, Khải mong tòa “xóa” án 12 tháng tù treo cho mình và đề nghị tăng nặng hình phạt cho đứa em ruột thịt. Hai gương mặt giống nhau y đúc, trước tòa, họ như đứng về hai chiến tuyến. Cuộc cãi vã đòi đền bù của hai anh em họ khiến vị chủ tọa cũng phải lắc đầu ngao ngán.

- Mừng: Nhận tiền bồi thường rồi, anh có xin giảm án cho em không? Bố mẹ, anh em từng mở lời mà anh còn không nghe.

- Khải: Xin gì? Tôi ngừng này tuổi đầu còn bị mang tiếng là đánh em, xấu hổ lắm. Sức khỏe tôi yếu, đi lại vất vả nên xin tòa cứ xử luôn...

Tòa phân tích, em bị tuyên 5 năm tù giam, anh cũng 12 tháng tù treo vì gây thương tích cho nhau. Đến nước ấy, bị cáo Khải còn kháng cáo gì nữa.

Đáp lại, Khải cho rằng: “Mừng chưa bồi thường bị cáo đồng nào, còn không thăm hỏi một câu”. Lý do người anh trai kháng cáo tăng nặng mức án với em vì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên vậy là không tương xứng.

Trong suốt phiên xử, Khải đòi em từng xu tiền đền bù, yêu cầu Mừng phải đưa thêm 20 triệu đồng. Vị chủ tọa nói: “Là anh cả, em nhận án 5 năm rồi còn không xin cho em?”, Khải đáp lời: “Đã đại lượng lắm rồi.”

Thấy anh trai một mực không tha, Mừng đề nghị tòa cho mình hội ý người thân để xem có thể gom được bao nhiêu tiền đền bù cho người anh. Trong lúc đứa em trai chạy ra ngoài bàn bạc với người thân, Khải nhấp nhổm không yên, luôn miệng nói rằng mình bị em đổ tiếng là đánh nó nên hàng xóm đàm tiếu...

Sau nhiều lần ra vào phòng xử án, Mừng đưa Khải số tiền 5 triệu đồng. Nhận tiền từ em, Khải chẳng cần để ý đến những người xung quanh, giở số tiền gồm đủ mệnh giá, có cả tiền lẻ ra đếm cẩn thận.

HĐXX nhận định, hai bị cáo gây thương tích cho nhau là lỗi hỗn hợp. Do Mừng nộp 5 triệu đồng bồi thường tại tòa, đây được coi là tình tiết mới nên tòa cấp phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm, giảm án cho Mừng từ 5 năm tù xuống còn 4 năm tù; đồng thời, bác kháng cáo của Khải đòi được “trắng án” do không có chứng cứ mới.

Phiên tòa kết thúc, vì được tại ngoại, anh em họ ra về như hai kẻ xa lạ, không chút tình thân...

T.Nhung