- Nhà bán trú chỉ đủ cho một lượng học sinh nhất định nên rất nhiều học sinh vùng cao huyện Mường Lát, Thanh Hoá muốn theo được con chữ phải dựng lều, lán tạm bợ trên sườn núi.

Lều học tuềnh toàng trên sườn núi

Lều học giữa rừng 

Trường THCS Mường Lý nằm chênh vênh trên sườn núi. Mặc dù được nhà nước quan tâm xây dựng hai dãy nhà bán trú. Tuy nhiên chỉ giải quyết được một nửa số học sinh của trường, còn lại các em phải dựng lều lán tạm bợ mới có chỗ để theo học. 


Trông những lều học của của các em tuềnh toàng, siêu vẹo. Mang tiếng là “nhà bán trú”, thực ra nói nhà bán trú cho sang. Cái lều trọ học đó cứ nằm chót vót trên sườn núi. 

Bốn “cột nhà” làm bằng cây rừng to như cổ chân được chôn sâu dưới nền đất núi chắc nịch, những bức tường được đan bằng nan che, nan nứa, mái “ngói” làm bằng lá cọ. Mùa nắng không sao, đến mùa mưa gió những lều trọ học ướt nhoẹt, quần áo, sách vở lại được các em phơi giăng đầy trên các cành cây, bờ rào, phiến đá.

Mấy ngày nay căn lều của Vàng A Pó, lớp 7B, bản Sài Khao bị bung vách. Cơn mưa phùn vừa qua làm cái chăn mỏng manh ướt sũng. 

Đêm đến, Pó phải sang ở cùng lều với những người bạn. Pó bảo: “Ở đây tối lạnh lắm, nhà nghèo không có chăn đắp, không có quần áo ấm mặc nên mấy đưa phải ôm nhau để ngủ”. 

Lều chỉ mang tính tạm bợ, mùa đông da thịt đứa nào cũng thâm bầm. Đống lửa nhỏ đốt 24/24 giờ trong lều cũng không xua tan được cái lạnh thấu xương của miền sơn cước.

Đã hai năm nay Pó phải ở lều để học. Pó còn nhớ lần đầu tiên xuống trường Pó được bố mẹ dựng cho cái lều trên khu đất “vàng” trước cổng nhà bán trú. Đã qua hai mùa đào nở, lều của Pó không được tu sửa nên đã mục nát, chỉ cần có cơn gió nhẹ thổi qua cũng có thể đổ sập. 

“Nhiều khi muốn bỏ học về nhà. Thấy đi học thế này khổ lắm. Không học lại không biết cái chữ, ta đành phải theo học, được đến đâu hay đến đó”, Pó tâm sự. 

Thiếu thốn trăm bề

Bữa cơm chỉ có nuối, canh rau rừng

Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý chia sẻ: “Tối nào thầy Dũng và giáo viên cũng lên thăm các em ăn ngủ tại các lều lán. Hiện nay nhà trường đã được xây 2 nhà bán trú với 20 phòng học, mỗi phòng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết số học sinh của nhà trường. Đến nay, ngoài các phòng bán trú học sinh còn phải dựng gần 100 lều trên các sườn đồi làm chỗ ở”.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng thầy Dũng vẫn rơm rớm, nhìn các em nhiều lúc tôi rơi nước mắt. Đồ đạc của các em chỉ vỏn vẹn mấy cuốn sách, vài ba bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, chiếc chăn chiên mỏng treo lủng lẳng bên vách lều để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt của vùng sơn cước. 

Các em phải đi cả trăm mét để lấy nước dưới suối về dùng

Ngoài cái sạp bằng tre, nứa ọp ẹp các em không có chiếu. Bữa cơm trong ngày chỉ có rau rừng và muối trắng. Nhà nào “sang” thì có bát nước mắm. 

Như Pó kể, thì hầu hết những đứa làm lều học đều xa trường cách 10-20 cây số. Do hoàn cảnh khó khăn, cộng với đường sá xa xôi nên những em học sinh ở đây ít về nhà. 

Trung bình một tháng những đứa trẻ như Pó phải vào rừng lấy rau, măng, đi đào trộm củ sắn về ăn trừ bữa. Hôm nọ mấy đứa vào rừng bắt được con chuột về làm thịt thế là có bữa ăn tươi, còn không cả năm không thấy mùi thịt cá.

Không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở mà học sinh trường THCS Mường Lý còn thiếu trầm trọng nước sinh hoạt. Cứ sau giờ lên lớp, hàng trăm học sinh lại rồng rắn nối đuôi nhau tay xách can, người xác xô đi bộ hàng trăm mét xuống các khe nước múc từng can lên làm nước sinh hoạt. 

Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, xã Mường Lý có bốn dân tộc sinh sống là Mông, Mường, Thái, kinh trong đó người dân tộc Mông chiếm đa số. Đây là xã có tỷ lệ đói nghèo cao nhất tỉnh 605/869 hộ chiếm hơn 70%. 

Nguyên nhân của đói nghèo ở đây là do thiếu đất canh tác lúa nước, cả xã chỉ có 6 ha ruộng nước. Bà con chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn mỗi năm một vụ, phụ thuộc vào thiên nhiên, nên thiếu đói lương thực triền miên. 

  • Lê Anh