Xã hội ảo đang dần dần lấn sang xã hội thật, xuất hiện những căn bệnh mà chỉ có thế hệ @ mới hiểu được.
Bệnh đang lây lan rất nhanh là bệnh nghiện máy tính, nghiện Facebook. Chỉ ở thời đại @ mới có những chuyện thật nghe như đùa, có người phải thuê người tát vào mặt mình để cai nghiện Facebook, chú rể ngắt cả lời linh mục để cập nhật tình trạng hôn nhân của mình lên Facebook.
Thậm chí đau xót hơn, 'bận rộn' với trò chơi trên Facebook, Shannon Johnson, 34 tuổi ở bang Colorado, Mỹ, bỏ mặc con trai một tuổi chết đuối trong chậu nước. Một cặp vợ chồng người Hàn Quốc cũng vì mải mê chat trên mạng xã hội này mà để con mình chết đói.
Theo Cossette, trung bình một người dùng vào Facebook 20 lần/ tuần, mỗi lần trên 1 tiếng, như vậy có nghĩa một ngày trung bình chúng ta dành cho Facebook 3 tiếng đồng hồ. Ba tiếng đó chúng ta lấy ở quỹ thời gian nào? Tranh thủ lúc làm việc ở cơ quan ư? Hay là vào Facebook khi về nhà?
Nếu dùng ở cơ quan thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến công việc. Còn nếu dùng ở nhà thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Nhiều công ty đã nhận ra thủ phạm khiến công việc trì trệ nên đã chặn luôn Facebook trong giờ làm việc. Thế là các "facebooker" dành thời gian lượn lờ mạng xã hội tại nhà.
Một khảo sát của Anh mới đây đã phát hiện ra rằng, Facebook phải chịu trách nhiệm cho trên 20% vụ ly hôn ở đất nước này. Khảo sát đó được thực hiện trên 5.000 đơn xin ly hôn và phát hiện 989 trường hợp có nhắc đến các mối quan hệ trên mạng.
Đấy là các cuộc hôn nhân, còn với trẻ em thì Facebook ảnh hưởng thế nào?
Theo chuyên gia tại đại học Oxford (Anh), não của trẻ em không phát triển đúng cách sau khi được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Các phản hồi của giáo viên tiểu học ở Anh cũng cảnh báo rằng, tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội làm giảm khả năng tập trung của trẻ.
Còn tại BV Nhi Đồng 1, 45% trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đến khám do chậm nói. Một trong những nguyên nhân chính là do cha mẹ không trò chuyện cùng con cái. Phải chăng vì bố mẹ bận đi làm nên không có thời gian nói chuyện với con? Nhưng ghi nhận thực tế tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, bác sĩ trưởng khoa Thái Thanh Thủy cũng nhận xét, phần lớn trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm nói... đến đây điều trị đều sinh ra trong những gia đình khá giả.
Vậy do đâu tỷ lệ trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ càng ngày càng tăng cao? Do trẻ phải chia sẻ cha mẹ mình cho những thú vui khác của bố mẹ như chơi game, chat chít, lượn "fây"...
Ở lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, lứa tuổi hình thành nhân cách và học qua giao tiếp trong gia đình, cảm nhận cuộc sống qua bố mẹ và người thân. Các bé sẽ học được gì khi bố mẹ chơi với con nhưng tay vẫn nhăm nhăm cầm điện thoại, thấy màn hình sáng lên báo có người vừa cập nhật Facebook là vội vàng vào xem ngay?
Và với bản tính của trẻ con, bé cũng muốn cầm điện thoại chơi vì rõ ràng đó là một món đồ tuyệt vời vì ba mẹ luôn kè kè nó suốt ngày. Để rảnh rang cho việc "lượn fây", bố mẹ sẵn sàng đưa cho con chiếc điện thoại khác, hoặc máy tính bảng... Và thế là gia đình ta thành gia đình công nghệ, mỗi thành viên đều có một đồ chơi công nghệ để giải trí. Không ai ảnh hưởng đến ai. Con thì ngoan, không quấy khóc đòi hỏi nhiều.
Nhưng có ai biết đấy là kẻ thù vô hình khiến trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ tăng cao. Theo giáo sư Baroness Greenfield, giáo sư về dược lý học tại đại học Oxford (Anh): bộ não con người đã tiến hóa để phù hợp với môi trường xung quanh và cần một "môi trường kích thích” để tăng trưởng và phát triển tốt. Vậy các em sẽ tăng trưởng thế nào khi làm bạn với đồ chơi công nghệ?
Cũng theo giáo sư Baroness Greenfield, trẻ em dưới 5 tuổi sẽ học qua cách giao tiếo bằng mắt với cha mẹ, người thân. Nếu trẻ không được rèn luyện cách nhìn vào mắt người khác, "dịch" ngôn ngữ cơ thể của họ và sử dụng các giao tiếp phi ngôn ngữ hợp lý, trẻ sẽ chậm nói, sợ người lạ, rút vào thế giới riêng của trẻ và dần dần thành trẻ tự kỷ.
Các bé sẽ "dịch" gì từ ngôn ngữ cơ thể bố mẹ khi bố mẹ vừa nói chuyện với mình nhưng mắt thì chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại, màn hình máy tính? Và chắc chắn bé không thể giao tiếp bằng mắt với bố mẹ được.
Máy tính bảng có thể làm cho bé ngồi yên một chỗ nhưng không dạy bé nói, không dạy bé giao tiếp. Thế giới của bé chỉ xoay quanh các trò chơi trên máy tính, điện thoại của bố mẹ.
Dần dần các bé sẽ xa rời với thế giới thật, bé sẽ chỉ muốn quay lại thế giới ảo, bé sẽ khóc lóc đòi điện thoại, máy tính... món đồ chơi quen thuộc của bé. Cha mẹ thấy phiền lòng vì con quấy khóc, cản trở mình bèn đáp ứng yêu cầu của bé rồi yên tâm ngồi ôm máy tính của mình lòng rất vui vì con mình ngoan, biết chơi một mình không bám lấy bố mẹ.
Bất cứ ai khi làm cha, làm mẹ thì đã trở thành những nhà giáo dục. Nếu làm giáo dục mà không chuyên tâm thì chúng ta sẽ đào tạo ra những sản phẩm vô cùng tồi tệ. Làm sao chúng ta có thể chuyên tâm khi vừa nói chuyện với con, mắt vừa chăm chăm đọc trạng thái (status) cô bạn mới viết. Làm sao chúng ta có thể chuyên tâm trả lời câu hỏi của con khi đang mải chơi game?
Vì tương lai con em chúng ta, hay chúng ta đề nghị Mark Zuckerberg hạn chế người dùng Facebook có con dưới 5 tuổi? Trước khi đợi Zuckerberg thay đổi Facebook, chúng ta hãy tự ép mình "cai" Facebook, "cai" các đồ chơi công nghệ đã:
- Khi định bật máy tính bạn phải trả lời được các câu hỏi sau: bật máy tính để làm gì? Có cần thiết phải bật máy lên không?
- Trước khi bật máy tính bạn hãy ra chơi với con 15' - nửa tiếng.
- Đặt lịch lên Facebook (trong khung giờ bé đã ngủ).
Chỉ cần thực hiện đúng 3 bước này trong 1 thời gian, chắc chắn bạn sẽ cai được Facebook, đồ chơi công nghệ...
Theo Megafun