- Cây bút của Nhẫn là cái que và trang giấy là cả khoảng sân trường. Em kẹp que vào giữa ngón chân trỏ và ngón cái, mới đầu cái que cứ rơi ra, gồng mình lên để giữ được cái que cho đứng thì bàn chân mỏi nhừ. Giữ được cái que đã không phải là chuyện dễ, tập viết chữ lại càng khó hơn.

Chuyện nghị lực phi thường của cậu bé Nguyễn Đình Nhẫn (SN 1998) ở xóm 10, xã Nghi Kim – Nghi Lộc (Nghệ An) khiến nhiều người cảm mến.

Nhẫn là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em. Từ khi được sinh ra Nhẫn đã thiếu đi một phần cơ thể nhưng không vì thế mà em chấp nhận với những thiệt thòi...

{keywords}

 Nhẫn có thể viết tốt bằng cả hai chân

Tuổi thơ không bình yên

Ngày Nhẫn chào đời, chị Nguyễn Thị Vinh, mẹ em (SN 1963) đã ngất xỉu khi thấy con trai không có tay, người nhỏ thó nhưng tiếng khóc ầm ĩ như không chịu thua số phận.

Năm đầu tiên của cuộc đời, những đứa trẻ khác lật, trườn, bò và bước chập chững từng bước trong niềm hạnh phúc của bố mẹ thì Nhẫn chỉ nằm im.

Không nói ra nhưng chị Vinh lo con mình không đi và không nói được, nhưng đến một tuổi rưỡi Nhẫn đứng dậy và đi được một lần mấy bước mà không ngã. Sau đó em đi lại bình thường như đã tập từ lâu lắm, cũng từ đó em bập bẹ gọi bố, gọi mẹ trong niềm vui của cả gia đình.

Năm tuổi, các bạn cùng lứa kéo nhau đi học mẫu giáo - Nhẫn cứ đứng nhìn theo. Thương con bố mẹ cũng đưa em đến trường mầm non xin cô đi học cho “đỡ buồn”.

{keywords}

 Em Nguyễn Đình Nhẫn

Thấy các bạn tập tô, viết chữ Nhẫn thích lắm nhưng chỉ biết nhìn, thấy thế cô Trà (cô giáo chủ nhiệm) đã hướng dẫn em lấy que kẹp vào chân và tập viết chữ.

Cây bút của Nhẫn là cái que và trang giấy là cả khoảng sân trường. Em kẹp que vào giữa ngón chân trỏ và ngón cái, mới đầu cái que cứ rơi ra, gồng mình lên để giữ được cái que cho đứng thì bàn chân mỏi nhừ. Giữ được cái que đã không phải là chuyện dễ, tập viết chữ lại càng khó hơn.

Ban đầu những con chữ méo mó, chữ o chữ a to như cái bát ăn cơm, có khi mỏi lưng, chân đau tê nhức em lại đá que đi nhưng chỉ được một lúc lại lò dò đi nhặt que tập viết tiếp.

Thấy em cố gắng thầy cô ai cũng thương, bố mẹ ứa nước mắt nhưng từ đó những hy vọng đã bắt đầu gieo vào lòng hai bậc sinh thành.

Từ cầm que em chuyển sang cầm phấn, đi học thì viết lên sân trường, về nhà lại viết trước sân, trước hiên nhà. Những con chữ của Nhẫn lẫn với hạt lúa hạt ngô mẹ phơi trước sân.

Em muốn là 1 kỹ sư

{keywords}

Nhẫn nói: “Em muốn làm một kỹ sư máy tính để tạo ra những phần mềm giúp các bạn trẻ khuyết tật ham học”.

Được một năm thì em lên lớp 1, và bắt đầu cầm bút viết, con chữ cũng tròn trịa dần. Em cũng “cầm” cả compa, thước, êke để tạo thành những hình vuông, hình tròn, tam giác.

Từ cấp 1 bố bắt đầu đóng bàn “đặc biệt” cho em mang tới lớp ngồi như các bạn. Và mỗi năm cũng mang giấy khen về làm vui lòng bố mẹ.

Nhưng bố đã không sống để chứng kiến ngày em trưởng thành, bố mất khi Nhẫn 9 tuổi. Mình mẹ gồng gánh nuôi 6 chị em. Thương mẹ nên Nhẫn cố gắng tự lập, học hành ngoan ngoãn.

Suốt 9 năm học, từ lớp 1 đến lớp 9, em luôn đạt học lực loại khá. Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh vào THPT, dù là đối tượng được đặc cách nhưng em không cần sử dụng đến quyền ấy, em dự thi công bằng như nhiều thí sinh khác.

Và kết quả, em trở thành học sinh lớp 10D Trường THPT Nguyễn Duy Trinh với số điểm 23.

Là người vui tính nên Nhẫn được các bạn yêu quý. Học tiểu học và THCS được bạn Hùng chở đi học. Lên THPT, nhà cách trường 8km nhưng bạn Sơn vẫn đến chở Nhẫn hằng ngày mặc dù nhà Sơn và Nhẫn ở khác xóm...

Ở lớp Nhẫn được các thầy cô giáo bộ môn quan tâm đặc biệt. Ngoài thời gian giảng dạy ở trên lớp, chỗ nào Nhẫn chưa thật sự hiểu bài, các giáo viên sẵn sàng giúp đỡ.

Hỏi về ước mơ, Nhẫn nói: “Em sẽ cố gắng để thi vào khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Vinh). Tương lai em muốn trở thành một kỹ sư máy tính để tạo ra những phần mềm giúp các bạn trẻ khuyết tật ham học...”

Ước mơ đó có lẽ không quá lớn đối với một cậu bé khuyết tật đầy kiên nhẫn.

  • Hải Sâm