Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo đã thu hút nhiều luồng ý kiến bàn luận, nhất là nội dung buộc người dân mua nhà, mua xe… phải thanh toán qua ngân hàng (NH), không được dùng tiền mặt.
Siết giao dịch lớn để chống tham nhũng
Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 161/2006 về thanh toán bằng tiền mặt. Tuy Nghị định 161/2006 đã có hiệu lực được sáu năm nhưng ít ảnh hưởng đến đời sống người dân vì chủ yếu áp dụng cho các khoản chi liên quan đến vốn nhà nước, ngân sách nhà nước. Dự thảo thay thế Nghị định 161/2006 đã mở rộng phạm vi tác động đến doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy giải ngân tín dụng bằng tiền mặt cho khách hàng cá nhân còn rất phổ biến. “Séc hầu như không được dùng thanh toán, ủy nhiệm thu chỉ dùng trả tiền điện nước, thẻ chủ yếu chỉ dùng để rút tiền mặt!”. Các giao dịch lớn thường được thanh toán bằng tiền mặt nhằm mục đích trốn thuế, không muốn minh bạch về giá trị tài sản. Việc sử dụng tiền mặt có giá trị lớn tạo mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, thất thu thuế và tham nhũng… Vì vậy cần quy định hạn mức giao dịch thanh toán giá trị lớn trong nền kinh tế để kiểm soát chặt chẽ các giao dịch này.
Nhưng không được gây khó cho dân
Để kiểm soát các giao dịch lớn, dự thảo đưa ra các giao dịch mua-bán, chuyển nhượng bất động sản, xe máy, ô tô, chứng khoán… sẽ không được thanh toán bằng tiền mặt mà phải thanh toán qua NH. Một số giao dịch bất kể giá trị đều phải thanh toán qua NH, một số giao dịch sẽ được định ra một hạn mức mà nếu giá trị giao dịch dưới hạn mức đó mới được thanh toán bằng tiền mặt.
Thế nhưng thói quen sử dụng tiền mặt trong dân còn chưa thay đổi được. Theo báo cáo, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vào năm 2001 là 23,4%, tuy giảm đến 1%-2%/năm vào những năm đầu nhưng tỉ lệ này đã chững lại trong những năm gần đây. Năm 2008, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 14,6%, năm 2009 là 14,01% nhưng năm 2010 lại tăng lên 14,2%.
Chính Vụ Thanh toán cũng dự liệu được rằng dự thảo này “sẽ gây ra không ít các phản ứng trái chiều từ xã hội và sẽ ảnh hưởng nhiều hoạt động giao dịch trong nền kinh tế từ đời sống người dân cho tới hoạt động sản xuất kinh doanh”. Nhất là trong điều kiện hiện nay: “tắc nghẽn máy ATM, nuốt tiền, nuốt thẻ, tính phí… đã gây tác động tâm lý tiêu cực, e ngại cho người sử dụng”.
Quả thật nhiều người dân đã phản ứng với dự thảo trên. Bạn đọc Công Lý (...cam@gmail.com) bình luận: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc giao dịch qua NH nhưng các vị đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại hóa hệ thống NH để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của dân chưa?”. Bạn đọc Lê Anh (leanh...@gmail.com) cho rằng “các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ, để luật có thể đi vào cuộc sống, chủ trương đúng nhưng việc thực hiện phải có lộ trình. Không gây phiền hà cho người dân”.
Còn bạn đọc Văn Định (vodinh...@yahoo.com) phân tích: “Đâu phải địa bàn nào cũng có NH để giao dịch? Nếu thanh toán không cùng NH thì kết quả có được báo ngay không hay là phải đợi đến hết ngày mới kết chuyển? Nói chung là phải cải cách NH trước rồi mới buộc người ta được. Đừng để quy định ra rồi phải hoãn thực hiện”.
Và đừng tạo cớ "vỗ béo" ngân hàng
Việc yêu cầu thanh toán qua NH, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt sẽ không đến nỗi quá phản cảm nếu như không kèm vấn đề… thu phí dịch vụ!
Theo dự thảo, các NH sẽ ban hành biểu phí dịch vụ liên quan đến tiền mặt. Hiện mức phí này ở khoảng 0%-0,05% trên số tiền mặt được giao dịch. Vụ Thanh toán cho rằng mức phí này chưa khuyến khích được người dân, doanh nghiệp thanh toán qua NH, lại tạo cơ hội nảy sinh tham nhũng, trốn thuế. Vụ còn phân tích: “Trên thực tế hầu hết NH thương mại đều áp dụng mức 0% để tăng tính cạnh tranh trong thu hút khách hàng và sử dụng nguồn vốn”.
Do đó, định hướng của Vụ Thanh toán là rút tiền mặt phải trả phí và mức phí phải cao hơn phí chuyển khoản! Hiểu nôm na là thay vì người dân giao dịch “tiền trao cháo múc” như hiện nay thì tới đây sẽ phải trao tiền qua NH và chịu thêm phí dịch vụ, ít nhất là bằng phí chuyển khoản!
Bạn đọc Minh Tâm (minhtam...@gmail.com) nhận xét mục đích cuối cùng cũng là thu phí, giống trước đây buộc người lao động nhận lương qua ATM để rồi bây giờ bắt phải trả phí ATM vậy! Tại sao Nhà nước không thực hiện chính sách nếu có chứng từ thanh toán qua NH sẽ được giảm lệ phí trước bạ để khuyến khích dân thực hiện thay vì chính sách buộc dân phải làm để nhằm mục đích thu phí?
Có chứng từ NH mới đăng ký được nhà, xe Đề xuất của NHNN là cần quy định các giao dịch có giá trị cao như mua bán bất động sản, phương tiện giao thông… phải thanh toán qua NH mới được coi là chi phí hợp lệ, được nộp thuế trước bạ, sang tên, cấp sổ đỏ. Cụ thể trong dự thảo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “bổ sung giấy tờ chứng minh thanh toán qua NH vào hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Năm 2015: Trên 18 tuổi phải có tài khoản Theo đề xuất của Vụ Thanh toán, “năm 2013 yêu cầu các cá nhân phải có tài khoản NH, giao dịch lớn hơn 200 triệu đồng phải thanh toán không dùng tiền mặt; đến năm 2015 mọi công dân trên 18 tuổi phải có tài khoản NH”. Sẽ có mức trần phí giao dịch Việc mở rộng quy định không giao dịch tiền mặt sẽ giúp người dân chứng minh được tính hợp pháp gắn với đảm bảo tài sản sở hữu, đặc biệt trong các trường hợp kiện tụng, tranh chấp tài sản, về lâu dài tạo tính an toàn và minh bạch trong giao dịch. Khi đi giao dịch, người dân không phải mang lượng tiền mặt lớn mà các bên chỉ cần cùng nhau ra NH làm thủ tục chuyển khoản. NH sẽ chứng kiến, kiểm đếm, kiểm soát tiền giả-thật, bảo đảm tính pháp lý khi mua bán. Đây là nhu cầu thực tế, tạo thói quen giao dịch NH hiệu quả, an toàn. |
(Theo PL TP.HCM)