Với 5 điểm du lịch hấp dẫn, Cẩm Phả tập trung huy động mọi nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp đột phá để xây dựng thương hiệu du lịch, đưa thành phố trở thành điểm đến thú vị, không thể thiếu của du khách khi đến với Quảng Ninh.

Những điểm đến hấp dẫn

Trong 7 tháng đầu năm 2018, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông đã đón trên 550.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại thành phố Cẩm Phả, là di tích thắng cảnh, ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc đặc sắc.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đến tham quan, TP Cẩm Phả đã trùng tu, tu bổ, cải tạo, mở rộng khuôn viên của khu di tích, đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo điểm nhấn cho khu du lịch.

{keywords}
Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Cửa Ông

Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Cửa Ông là một trong 5 điểm du lịch được TP Cẩm Phả công bố trong năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long - Quảng Ninh, cùng với Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục (phường Cẩm Đông); Trung tâm Khoáng nóng Địa chất (phường Cẩm Thạch); Bãi tắm Quảng Hồng (phường Cẩm Sơn); Bãi tắm Lương Ngọc (phường Quang Hanh).

Tính đến tháng 7/2018 lượng khách đến các điểm du lịch này đạt trên 600.000 lượt, đem lại doanh thu gần 35 tỷ đồng cho thành phố. Để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, các đơn vị quản lý các điểm du lịch đã đầu tư trên 100 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, khiến các điểm đến ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách hơn.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, TP Cẩm Phả ưu tiên đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, khôi phục và bảo tồn lễ hội phục vụ phát triển du lịch tâm linh như: Đền Diễn Vọng, đền Cao Lâm, đình - nghè Cẩm Hải, phục dựng lễ hội đình Quang Hanh, hát soọng cô dân tộc Sán Dìu, chèo cổ, tổ tôm điếm...Thành phố tích cực triển khai Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp tại phường Quang Hanh, triển khai du lịch biển, du lịch sinh thái kết hợp với Di tích Vũng Đục, hệ thống hang động đẹp trên Vịnh Bái Tử Long như: Đảo Nêm, Cống Đông, Cống Tây, động Hang Hanh,...

Phát triển du lịch bền vững

Thời gian qua, Cẩm Phả đã nâng cấp nhiều dự án hạ tầng như: Công trình kè chống sạt lở kết hợp với đường giao thông đoạn từ bến phà Tài Xá đến cầu Vân Đồn 1; dự án mở rộng, nâng cấp QL18A đoạn từ Quang Hanh đến Mông Dương... Kết cấu hạ tầng của Cẩm Phả được đầu tư đồng bộ, góp phần tăng cường khả năng kết nối vùng, hình thành diện mạo đô thị hiện đại.

Hiện Cẩm Phả có 120 cơ sở lưu trú, trong đó có 10 khách sạn, 62 nhà nghỉ, 5 nhà có phòng cho thuê với trên 1.700 phòng nghỉ, gần 2.000 giường và 450 lao động. Các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa các dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

{keywords}
Bãi tắm Quảng Hồng

TP Cẩm Phả cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, xây dựng hình ảnh thân thiện, đô thị văn minh. Trong đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm; tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và các quy định về giá đảm bảo văn minh thương mại. Các điểm du lịch trên địa bàn thành phố đều thành lập ban quản lý, thiết lập và công khai đường dây nóng trực 24/7 tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Ngoài ra, thành phố đã đăng tải danh sách các cơ sở lưu trú, nhà hàng, địa chỉ mua sắm, điểm tham quan đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn trên cổng thông tin điện tử, website du lịch Cẩm Phả; phát hành tập gấp cẩm nang du lịch Cẩm Phả cung cấp thông tin đến du khách. Thành phố còn triển khai dự án lắp đặt, phủ sóng wifi miễn phí trên toàn địa bàn, thực hiện trước tại Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, đền Cửa Ông.

Cẩm Phả đang nghiên cứu xây dựng thêm các tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh và trải nghiệm nhằm khai thác lợi thế địa phương, mang đến nhiều lựa chọn hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Với tiềm năng sẵn có, Cẩm Phả phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thu hút trên 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 600-700 tỷ đồng. Đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm chất lượng cao, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 5% thu nội địa, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động. Đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị điển hình trong việc thực hiện cụ thể hóa chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh” bền vững, trong đó, tổng lượt khách du lịch đạt 3 triệu lượt, thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt trên 7% thu nội địa, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động.

Ngọc Minh