XEM CLIP:

Đặc sản cam “tiến Vua”

Dù gần một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các vườn cam Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đều đã bán hết. Trên những gốc cam chỉ còn vài chục quả với tấm biển “Cam đã đặt cọc tiền”.

Được xem là hộ dân sở hữu vườn cam đẹp, có số lượng nhiều nhất ở Nghi Diên, ông Phan Công Hưởng (trú tại xóm 8) cho biết, gia đình ông có khoảng 250 gốc cam Xã Đoài, hầu hết số cam còn lại trong vườn đã được đặt hết, chỉ chờ khách hàng đến hái.

{keywords}
Đa số cam Xã Đoài đã bán hết hoặc được đặt cọc tiền

Theo ông Hưởng, với giá bán từ 70.000-100.000 đồng/quả, mỗi năm vườn cam của ông cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng. Riêng năm nay, 1/3 số quả bị côn trùng, chuột cắn phá nên ông chỉ thu được hơn 200 triệu đồng.

Lý giải về mức giá cao, ông Hưởng cho rằng, vì diện tích trồng và sản lượng cam Xã Đoài ở địa phương còn hạn chế nên năm nào cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giờ nhiều người đến đặt mua với giá 100.000 đồng/quả nhưng ông không có để bán.

{keywords}
 Trên mỗi cây chỉ còn vài chục quả khách hàng chưa hái

 

{keywords}
Cam Xã Đoài có vỏ ngoài mịn màng, căng mọng.

Ngoài ra, cam Xã Đoài xưa nay nổi tiếng nhờ vị ngọt dịu, thơm ngon lạ thường, từng trở thành sản vật tiến vua. Cam có vỏ ngoài mịn màng, căng mọng, có mùi thơm dịu. Múi cam màu vàng óng, vị ngọt thanh nên rất được ưu chuộng.

Vì quý hiếm mà cam thường được khách hàng đặt mua từ trước Tết vài tháng, chủ yếu là dân buôn hoặc người có điều kiện mua về để làm quà biếu.

Theo ông Hưởng, không chỉ bán quả tươi, những quả cam nhỏ, có sẹo còn được dùng để ngâm rượu. Một lít rượu cam Xã Đoài có giá bán khoảng 100.000 đồng.

Giống cam kén đất trồng

Theo người dân Nghi Diên, cây cam ở Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được mang đến đây trồng vào đầu thế kỷ 19. Thời nhà Nguyễn, vì có hương vị ngọt thơm đặc biệt mà cam Xã Đoài được dùng để tiến vua.

Hiện giống cam này đang được trồng phổ biến ở nhiều nơi trong cả nước. Cây cam Cao Phong ở tỉnh Hòa Bình cũng có nguồn gốc từ cam Xã Đoài nhưng hương vị không thơm ngon bằng như trồng ở Nghi Diên.

{keywords}
 Khi bổ ra múi cam vàng óng, ăn có vị ngọt dịu, thơm ngon lạ thường

 

{keywords}
Nhờ vườn cam 250 gốc, mỗi năm ông Hưởng thu về 500-600 triệu đồng

Người trồng cam đánh giá, cam Xã Đoài là giống cây chống chịu được hạn và có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau kể cả đất cát pha ven biển.

Tuy nhiên, để cây chống chịu được sâu bệnh, cho nhiều quả đẹp thì người trồng phải chăm sóc rất cầu kỳ. Mỗi năm, cây chỉ được bón phân hữu cơ một lần sau thu hoạch; lúc làm cỏ phải làm bằng tay để tránh đứt rễ cám, đất trồng cam phải tơi xốp, thoát nước.

Theo ông Hưởng, sau khi cây ra quả, người trồng phải dùng túi nilon bọc từng quả để tránh côn trùng hay chuột cắn phá. Hàng ngày, phải lật từng cọng lá để bắt sâu mà không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích.

{keywords}
Năm nay cam bị chuột bọ phá hoại nên ông chỉ bán được 200 triệu

 

{keywords}
Những quả cam nhỏ cuối mùa được dùng để ngâm rượu

Để nhân giống, người dân thường chọn những nhánh nhỏ trên cây cam lớn để chiết bầu. Mỗi bầu cam được bán với giá 200.000 đồng.

Ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên, cho biết, toàn xã hiện có khoảng 40 hộ trồng cam Xã Đoài với khoảng 10.000 gốc trên diện tích khoảng gần 20ha. Trong đó, hơn 8ha là các hộ dân trồng nhỏ lẻ tại vườn nhà.

“Trước đây, ở Nghi Diên hầu như nhà nào cũng trồng cam. Tuy nhiên, đến nay, diện tích cam dần bị thu hẹp. Nguyên dân là do diện tích đất ở trong xã ngày càng tăng lên. Nhiều hộ phải phá bỏ vườn cam để chia đất làm nhà ở cho con cái. Trong khi đó, chính quyền xã vẫn không thể đứng ra quy hoạch được khu trồng cam” ông Sơn cho biết.

Phạm Tâm - Quốc Huy

Rừng cam 100 tỷ vàng rực hiếm có

Rừng cam 100 tỷ vàng rực hiếm có

Những vườn cam ở Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang vào mùa rộ chín. Mùa cam giáp Tết năm nay, cả xã ước đạt doanh thu 100 tỷ.