Ủng hộ hạn chế xe máy vào trung tâm TP.HCM...

Đa số người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM khi được ICTnews hỏi đều đồng tình việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy lưu thông ở khu vực trung tâm TP.HCM trong thời gian sắp tới, kèm với đó phải có phương tiện công cộng di chuyển phù hợp.

Quang cảnh ùn tắc thường xảy ra vào giờ cao điểm tại TP.HCM - Ảnh: Hải Đăng

Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đề nghị từ nay đến năm 2020 hạn chế xe máy trên hai tuyến đường, giai đoạn 2021-2025 hạn chế xe máy vào Quận 1, 2025 đến 2030 hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào một số quận trung tâm TP.HCM.

Anh Đào Vũ Hải, nhân viên một công ty ở Quận 11, có nhà nằm ngay trên tuyến đường dự kiến bị cấm xe máy, cho rằng khi đó anh đi làm sẽ gặp trở ngại nghiêm trọng, đành phải đi xe buýt hoặc dịch vụ vận chuyển như Grab, taxi. Tuy vậy, anh Hải đồng tình với ý kiến cấm xe máy, vì giải quyết bài toán kẹt xe, gây ô nhiễm, phần nào giảm thiểu tai nạn giao thông do xe máy gây ra.

Anh Nguyễn Phương Bình, làm việc tại Quận 1, cho rằng số lượng người nhập cư vào TP.HCM ngày càng đông, số lượng xe máy quá nhiều dẫn đến việc ùn tắc giao thông, do đó giải pháp cấm xe máy là hợp lý. Tuy nhiên, anh Bình cho rằng cũng nên có biện pháp hạn chế xe ô tô vì phương tiện này gây ùn tắc không kém.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tính đến tháng 8/2017, toàn thành phố có gần 8 triệu phương tiện, trong đó có 7,3 triệu xe máy, mỗi tháng trung bình có thêm 30.000 xe máy mới.

Dù đồng tình với phương án cấm xe máy, những người được hỏi trong bài này đều cho rằng cần có phương tiện công cộng phù hợp, văn minh, phủ nhiều tuyến để người dân dễ di chuyển. Đầu các tuyến cấm xe máy nên quy hoạch bãi gửi xe để từ đó chuyển sang các phương tiện công cộng.

Chị Trần Bích Liên hàng ngày đi làm từ Bình Dương lên trung tâm Quận 1 bằng xe buýt, bỏ hoàn toàn việc đi xe máy từ năm 2014 đến nay.

“Văn hóa xe máy nảy sinh rất nhiều vấn đề về môi trường, bộ mặt xã hội và tính cách của người đi xe máy nữa. Tôi ủng hộ việc cấm xe máy”, chị Liên khẳng định.

Văn phòng của chị Liên ngay tại trung tâm Quận 1 nên khá dễ di chuyển, chị thường đi xe buýt, đi bộ, và đi taxi do công ty chi trả. Tuy vậy, chị cho biết công việc trước kia của chị là nhân viên kinh doanh thường phải đi gặp khách hàng, chị cũng đi bộ và xe buýt.

“Cách đây vài năm công ty tôi ở Quận 4, đi bộ ra trạm xe buýt mất 400 mét, đi xe buýt cũng khá mất thời gian. Nhưng giờ tuyến xe buýt dày hơn nhiều rùi, nếu tôi ra trạm mà thấy xe đông tôi sẽ bỏ chuyến đó, đợi chuyến sau chưa tới 10 phút”, chị Liên nói.

“Và thực ra để ý tìm hiểu một chút thì các tuyến xe buýt đã phủ rất rộng, muốn đi đâu cũng đến được, các trạm cách nhau rất gần, đi một chuyến chưa được thì đi 2-3 chuyến. Ở nước khác người ta cũng đi buýt ra tàu điện, rồi xuống tàu điện phải đi buýt nữa mới tới công ty thôi”, chị Liên nói thêm.

Khảo sát của Sở Giao thông vận tải, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải trên 35 ngàn người cho biết hơn 62,5% ý kiến người dân cho rằng cần hạn chế lưu thông ô tô con, xe máy (trong đó gần 41% đồng ý hoàn toàn và gần 22% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại). Các giải pháp được đồng tình nữa bao gồm điều chỉnh giờ học, giờ làm lệch ca, thu phí ôtô vào khu vực trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông.

... nhưng sẽ có bất cập

Tất nhiên, đề xuất cấm xe máy không phải ai cũng đồng tình. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, cho biết nhà anh có hai xe máy, cộng với nhà ba mẹ anh có hai chiếc nữa là bốn. “Không đi xe máy thì xe hiện tại của nhà tôi vất đi đâu?”, anh Nghĩa đặt vấn đề.

Bên cạnh là nhân viên kinh doanh của một công ty truyền thông ở Quận 1, anh Nghĩa còn có công việc bán hàng qua mạng. “Không cho đi xe máy các mẹ bỉm sữa, các shop bán hàng sẽ không còn vận chuyển hàng giá rẻ, vô hình trung giá vận chuyển tăng, vật giá lại leo thang thêm nữa”, anh Nghĩa nêu ý kiến.

Dù ưa thích phương tiện công cộng nhưng chị Liên cho rằng giờ cao điểm thì xe buýt sẽ quá tải, nguy cơ trễ giờ làm cao, việc đưa đón con cái cũng khó. “Nếu không vướng bận con cái như tôi, công ty không quan trọng giờ giấc làm việc thì di chuyển bằng xe buýt mới thuận tiện”.

Khó thực hiện cấm xe máy trong 10 năm tới

Dù đồng tình với quan điểm tăng cường phương tiện công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông nhưng nhiều chuyên gia nhận định việc cấm xe máy trong nội đô TP.HCM sẽ khó thực hiện.

Xe máy đổ vào khu vực trung tâm TP.HCM vào đầu giờ sáng - Ảnh: Hải Đăng

Trong buổi họp phản biện đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố được tổ chức cách đây vài ngày, nhiều ý kiến cho biết cấm xe máy ở trung tâm TP.HCM sẽ khó khả thi trong 10 năm tới.

Đặc thù TP.HCM có nhiều hẻm nhỏ nên việc di chuyển bằng xe máy rất phù hợp; Các phương tiện công cộng phát triển chưa toàn diện khiến người dân không thể trông cậy hoàn toàn vào phương tiện này; Trong 10 năm đồng bộ hết các phương tiện công cộng là không đủ thời gian; Thay vì hạn chế xe nên giãn dân ra các vùng ven; Cấm xe vào nội đô có thể vi phạm quyền đi lại;... là các ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm xe máy khó triển khai nhưng cũng có ý kiến cho rằng "không thể nói hãy đợi đến khi giao thông công cộng đảm bảo cho mọi người dân đi lại mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân”, và cho rằng thành phố nên quyết liệt với đề án này.

“Nói chung với đề án này cả chính quyền và người dân đều phải cố gắng. Chính quyền phải quy hoạch đúng, đẩy mạnh giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi như các bãi gửi xe máy gần những trạm nút giao thông. Người dân cũng bớt than thở, thay đổi thói quen, tìm hiểu kĩ về các lộ trình giao thông công cộng. Chứ ngồi đó bác thì đến bao giờ mới xong!!”, chị Liên nói.

Đề án Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP.HCM kết hợp nhiều giải pháp nhằm nghiên cứu, tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM được nêu hồi tháng 8/2018. Đề tài này sau đó được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trình lên UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, sau đó có buổi họp phản biện nói trên.

Đề án Tăng cường vận tải giao thông công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới giao thông ở TP HCM có nhiều nội dung, trong đó Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) đề xuất hạn chế, tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực các quận 1, 3, 5 và 10 vào năm 2030.

Từ thời điểm đề xuất đến năm 2020 sẽ hạn chế xe máy trong giờ cao điểm trên 2 tuyến đường Trường Sơn (quận Tân Bình) và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Hạn chế xe máy từ 7-19 giờ trên đường Pasteur (từ Lý Tự Trọng đến Điện Biên Phủ) và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Điện Biên Phủ đến Lý Tự Trọng).

Từ năm 2021 đến 2025, hạn chế xe vào trung tâm Quận 1. Năm 2026 đến 2030 sẽ hạn chế, tiến đến cấm hẳn xe máy vào khu vực trung tâm các quận 1, 3, 5, 10.